Thu phí và hạn chế
Căn cứ các Nghị quyết, Nghị định của Quốc hội, Chính phủ về các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc, hạn chế phương tiện cá nhân… bằng các giải pháp kinh tế, cuối năm 2011, đầu 2012, Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm ở 5 thành phố lớn nhất cả nước là: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.
Đề xuất này ngay lập tức khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất cần phải xem xét kỹ hơn phương án thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô đối với từng loại phương tiện.
Bởi, chính sách này nếu được thực hiện sẽ tác động lớn đến cả đời sống của người dân có mức thu nhập thấp và trung bình – những người hàng ngày vẫn phải đi xe máy…
Năm 2012 nhiều giải pháp được đề xuất để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở nội đô.
Thế nhưng, nhiều ý kiến lại băn khoăn về tính khả thi của dự án kèm theo lo ngại về giá cả, hàng hóa sẽ tăng cao.
Trong khi đang có những ý kiến trái chiều thì mới đây, Chính phủ đã phát đi thông báo sẽ không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện.
Trước đó, trong những ngày đầu tháng 4/2012, báo giới đã rộ lên vấn đề cấm ô tô cá nhân theo công thức 5×5 (cấm xe ô tô 5giờ/ ngày, 5ngày/ tuần) của cựu phi công Mai Trọng Tuấn.
Ngay lập tức, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội đã giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét.
Ý kiến của cựu phi công Mai Trong Tuấn được dự luận đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh ùn tắc giao thông ở thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM thường xuyên xảy ra.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đề xuất cấm 5×5 chỉ giảm bớt phần nào ùn tắc giao thông chứ không thể giảm hoàn toàn được.
Hé lộ “thủ phạm” gây cháy xe
Cuối năm 2011 đầu 2012 tình trạng ô tô, xe máy bốc cháy xảy ra thường xuyên khiến dự luận không khỏi lo lắng.
Trước tình hình này, đầu tháng 1/2012, Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ ngành phải sớm tìm ra nguyên nhân cháy nổ xe, có biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Ngày 26/4, 4 bộ Công an, GTVT, KH-CN, Công Thương đã công bố: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ xe cơ giới trên địa bàn cả nước thời gian qua là do chập điện…
Theo đại diện Bộ Công an, phần lớn là do mất khả năng cách điện của dây dẫn bởi các lý do như: Côn trùng cắn, lão hóa dây vỏ, quá tải công suất điện nguồn do lắp thêm còi, đèn hoặc đấu nối sai…
Ngoài ra, các sự cố kỹ thuật thì do các yếu tố như: cháy nổ I ốt, chập IC, mòn lốp gây cháy, bục gioăng dầu, bục ống dẫn nhiên liệu…
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực điều tra đã đưa ra những bằng chứng khoa học chứng minh chất lượng xăng, dầu trên thị trường hiện nay mới là nghi án lớn nhất cần được điều tra thêm.
Năm 2012 cháy xe cũng là nỗi lo thường trực của người tham gia giao thông.
Phân làn giao thông cứng
Tháng 9/2011, Hà Nội đã tổ chức phân làn trên 5 tuyến phố (Bà Triệu, Phố Huế – Hàng Bài, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng) với kinh phí khoảng tổng chi phí khoảng 7,14 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc phân làm bằng giải phân cách cứng đã không đem lại hiệu quả như mong đợi khi các dải phân cách cứng và các cột biển báo thường xuyên là nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn giao thông.
Thừa nhận, việc phân làn thời gian đầu đã đem lại hiệu quả khi có lực lượng thanh tra giao thông đứng tuần tra kiểm soát. Sau đó, khi không có lực lượng đứng túc trực thì lại xảy ra tình trạng lấn làn nên hiệu quả rất thấp.
Trong khi việc phân làn tại 5 tuyến phố chưa chứng minh được tính hiệu quả thì Hà Nội dự kiến lại lên kế hoạch phân làn hàng loạt tuyến phố. Gần đây nhất (10/2012) UBND TP. Hà Nội vừa chỉ đạo Sở GTVT đề xuất triển khai phân làn, phân luồng phương tiện trên một số tuyến phố có đủ điều kiện và nghiên cứu, tổ chức các cặp đường giao thông một chiều.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, Hà Nội nên dừng việc tổ chức phân làm đường bằng các dải phân cách cứng. Bởi, ngoài yếu tố ý thức của người tham gia giao thông chưa cao thì tại một số tuyến phố phân làn có quá nhiều đường ngang, ngã rẽ cũng khiến cho việc phân làn chưa đem lại hiệu quả.
Nóng chuyện xe “chính chủ”
Nghị định 71/2012 sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP “Quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ” có hiệu lực từ ngày 10/11 quy định: Những trường hợp không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc làm thủ tục đăng ký mới sẽ bị xử phạt theo với mức phạt từ 6-10 triệu đồng/xe đối với ôtô, riêng xe máy xử phạt 1 triệu đồng.
Mặc dù quy định xử phạt đã có trong Nghị định 34 và chỉ thay đổi tăng mức phạt. Thế nhưng ngay sau khi Nghị định 71 có hiệu lực đã khiến dự luận xôn xao và các cơ quan quản lý “bối rối”.
Ngoài việc người dân đã không hiểu đúng tinh thần của Nghị định thì một thực tế hiện nay có đến 90% phương tiện (ô tô, xe máy) được mua bán viết giấy trao tay mà không đến cơ quan chức năng để sang tên đổi chủ.
Trong khi đó, đối với các nhà quản lý thì… việc để xác định được phương tiện có chính chủ hay không lại phụ thuộc rất lớn vào sự thành khẩn khai báo của chủ phương tiện.
Trước tình hình này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an soạn thông tư để hướng dẫn thực hiện nghị định này cho đúng bản chất sự việc. Trong khi chờ Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn thì lực lượng công an không được quyền xử lý vi phạm với xe chưa chuyển đổi chủ phương tiện.
Thông tin mới nhất từ Chính phủ cho biết, sẽ giảm tỷ lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi theo hướng: Đối với xe ô tô đăng ký lần đầu mức thu chung là 10%, các địa phương được phép điều chỉnh không quá 50% mức quy định chung. Đối với ô tô đăng ký lần 2 trở đi mức thu chung là 2% và thống nhất trên cả nước.
Thu phí sử dụng đường bộ từ 1/1/2013
Sau nhiều năm Bộ GTVT lấy ý kiến các bộ ngành, trình Dự thảo phương án thu phí sử dụng đường bộ (trước đây gọi là Quỹ bảo trì đường bộ), cuối cùng Chính phủ đã thống nhất sẽ thu phí sử dụng đường qua đầu phương tiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ không nên thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện và để đảm bảo công bằng nên thu qua xăng dầu hoặc các trạm thu phí như thông lệ Quốc tế…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải: Nếu thu qua xăng dầu thì có thể công bằng với phương tiện giao thông, còn người đánh cá, nông nghiệp sử dụng xăng dầu lại có bất cập…
Mức thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện sẽ được thu như sau:
Mức thấp nhất đối với loại hình ôtô là xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (đăng ký tên cá nhân) là 130.000 đồng/tháng.
Mức phí cao nhất đối với loại hình ô tô, được áp dụng cho xe tải và xe chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên là 1,04 triệu đồng/tháng hoặc 12,48 triệu đồng/năm. Trước đó, mức thu dự kiến là 1,44 triệu đồng/tháng hoặc 16,76 triệu đồng/năm…
Đối với xe máy các mức thu sẽ được tính theo năm. Cụ thể, quy định khung đối với xe có dung tích xilanh từ 100cm3 trở xuống là 50.000 – 100.000đ/xe. Xe 100cm3 trở lên là hơn 100.000 – 150.000đ/xe. Mức thu này cũng thấp hơn dự kiến.
Ban đầu, phí sử dụng đường bộ dự kiến sẽ được thực hiện thu từ ngày 1/6/2012, Tuy nhiên, nếu bắt đầu từ ngày 1/6 là “rất gấp”.
Do vậy Chính phủ giao Bộ GTVT, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện phương án chuẩn bị… có kế hoạch tuyên truyền nhân dân thực hiện, đảm bảo thời hạn triển khai sẽ bắt đầu từ 1/1/2013.
Theo Vietnamnet