Theo dòng lịch sử, ngay cả các chuyên gia cũng khó lòng khẳng định được ai mới là những người đặt nền móng đầu tiên cho các thiết kế cơ bản của nền thời trang hiện nay. Thế nhưng, các nhà thiết kế huyền thoại của thế kỷ 20 mới là những người đầu tàu dẫn lối làng mốt đến với các phong cách rất được yêu thích ngày nay nhờ các món đồ cơ bản.
Dưới đôi mắt sâu sắc nhìn thấu được thế giới nội tâm của người phụ nữ từ các nữ nhà thiết kế, hay cái nhìn chân thật nhất về vẻ đẹp duyên dáng nhưng cũng không kém phần quyết liệt, mạnh mẽ của họ từ các nam nhà mốt, hình ảnh người phụ nữ hiện diện dưới nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt hơn cả, các nhà thiết kế này còn là những người đứng sau loạt thiết kế mang tính biểu tượng, góp phần làm thay đổi phong cách ăn mặc của phái đẹp sau này cũng như trở thành giá trị cơ bản để các thế hệ sau kế thừa.
Quả thật, làng mốt đã chứng kiến hằng hà sa số biểu tượng thời trang và phom dáng thiết kế độc đáo xuyên suốt hành trình chinh phục phái đẹp từ nhiều thập kỷ. Nhưng có lẽ, 7 nhà mốt dưới đây cùng các phom dáng kinh điển của họ vẫn là những minh chứng điển hình nhất tạo nên tinh hoa thời trang đẳng cấp như ngày nay.
NTK Charles James đã giới thiệu chiếc áo Evening jacket đầu tiên cho Bà Oliver Burr Jennings vào năm 1937. Nhưng mãi đến năm 1975, nam nhà mốt mới chính thức tiết lộ quá trình phát triển mẫu áo này. Theo đó, chiếc áo làm bằng vải satin mang cấu trúc tương tự như chiếc chăn chần lông vịt quen thuộc trong phòng ngủ. Chính lối thiết kế này cùng độ dày của chất liệu vải đã gây ra một số bất tiện trong các cử động của người mặc. Để khắc phục nhược điểm đó, James đã tiết chế độ dày của lớp chần bông quanh vị trí cổ và nách áo.
Cùng với chiếc đầm taxi và đầm Sylphide, Evening jacket là một trong những niềm tự hào nhất trong sự nghiệp sáng tạo thời trang của nam NTK. Mẫu áo chần bông lạ mắt này nhanh chóng trở nên phổ biến và rất được ưa chuộng ở thập niên 70. Không dừng lại ở đó, Charles James còn chiều lòng các tín đồ thời trang lúc bấy giờ bằng vẻ đẹp hào nhoáng và sang trọng của mẫu Evening jacket được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau.
Vào giai đoạn những năm 1950, trong khi cả làng mốt đang say đắm với các thiết kế chân váy xòe duyên dáng với phần chít eo nhỏ tạo hiệu ứng đồng hồ cát tôn dáng thì Balenciaga lại chọn con đường đi ngược với xu hướng chung đó với các thiết kế đồ sộ. Điển hình nhất phải kể đến thiết kế đầm Balloon được NTK Haute Couture ra mắt vào năm 1950. Chiếc đầm làm bằng vải taffeta phồng mang cấu trúc quá khổ, nhưng được xử lý “nhẹ tựa lông hồng” tạo cảm giác thoải mái trong mọi cử động cơ thể.
Chiếc đầm trở thành nền tảng để biến tấu sang những kiểu dáng trang phục mới lạ hơn trong suốt sự nghiệp của Balenciaga, trong đó có chiếc áo Balloon (nguyên mẫu của kiểu áo puffer ngày nay) và áo khoác cocoon trứ danh của thương hiệu thời trang xa xỉ Tây Ban Nha.
Nhắc đến các kiểu chân váy mini – thiết kế cực kỳ thịnh hành trên các sàn diễn thời trang những năm gần đây, người ta thường nhớ nhắc đến “bà hoàng miniskirt” Mary Quant. Bởi nữ NTK này đã xây dựng danh tiếng lẫy lừng của mình cùng với những “cây đa, cây đề” trong làng mốt nhờ các mẫu chân váy ngắn trên đầu gối với mức giá phải chăng nhưng vẫn tạo được sự phá cách trong phong cách của nữ giới từ thập niên 60.
Xét trên hệ tư tưởng của thế kỷ 20 thì trang phục của Mary Quant quá đỗi gợi cảm và có phần khiêu khích, nhưng chính tầm nhìn đi trước thời đại đó của bà đã để lại cho nền thời trang đương lại một di sản vô giá. Đó không chỉ là phom dáng chân váy mini, mà còn là tinh thần bứt phá mọi giới hạn và vẻ đẹp gợi cảm của người phụ nữ đều cần được tôn vinh thông qua ngôn ngữ thời trang.
Chỉ hai năm sau Thế Chiến thứ 2, Christian Dior đã cho ra mắt BST thời đầu tay của mình với tên gọi “New Look”. Ngay từ cái tên của BST đã cho thấy tầm nhìn mới mẻ của nam nhà mốt trong việc định nghĩa khái niệm về vẻ đẹp thanh lịch và sang trọng của người phụ nữ. BST hướng đến sự giải thoát hình thể cho phái đẹp khỏi sự ràng buộc của những chiếc đầm phồng đồ sộ hay áo corset bó sát trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Qua góc nhìn đầy tính duy mỹ và thấu hiểu thế giới nội tâm của người phụ nữ – bên ngoài duyên dáng, sang trọng nhưng bên trong lại ẩn chứa tinh thần mạnh mẽ và bất quy tắc, Christian Dior đã thêu dệt nên hình tượng người phụ nữ trong mường tượng của mình thông qua những chiếc áo khoác chít eo, cầu vai tròn và những mẫu chân váy chữ A vô cùng điệu đà. Một trong những thiết kế biểu tượng nằm trong BST này có thể kể đến chiếc áo khoác Bar trứ danh và đầm dạ tiệc Chérie.
Sự thành công của BST “New Look” đã đưa Christian Dior trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất trong làng Haute Couture xa hoa Pháp. Ngay từ những ngày đầu thành lập nên thương hiệu thời trang mang tên mình, Dior không muốn thiết kế những bộ trang phục cho những người phụ nữ “sống nhanh” mà bỏ quên những giá trị và vẻ đẹp vô giá mà thời trang mang lại. Điều ông luôn tự hào về công việc thiết kế của mình là có thể tự tay mang đến giấc mơ thời trang đủ mơ màng, lãng mạn bằng các tạo tác thật cho người phụ nữ của Dior ở mọi thế hệ.
Không như mọi người vẫn nghĩ, Gabrielle Chanel không phải là NTK đã sáng tạo ra chiếc đầm đen hay bộ skirt suit làm bằng tweed quen thuộc ngày nay. Nói đúng hơn, NTK sinh năm 1883 là người đã mang nét đẹp sang trọng của những thiết kế này lên một tầm cao mới và trở thành một trong những món đồ thời trang vượt thời gian. Từ xưa đến nay, người Pháp vẫn luôn quan niệm rằng trang phục càng tối giản càng thanh lịch. Gabrielle Chanel cũng từng chia sẻ rằng: “Thanh lịch không phải đặc quyền dành cho những người thoát khỏi tuổi thanh xuân, mà cho những người nắm trong tay tương lai của mình“. Thật vậy, sự thanh lịch không thể bắt chước, cũng không thể gượng ép bản thân phải trưởng thành, mà đó là vẻ đẹp toát lên từ bên trong lẫn bên ngoài của một người. Dưới bàn tay khéo léo cùng đôi mắt nhà nghề tinh tường, nhà sáng lập CHANEL đã “cởi bỏ” sự u sầu và có phần ảm đạm của chiếc đầm đen trước kia trở nên quyền quý, xa hoa hơn bao giờ hết.
Chiếc đầm mang lối thiết kế đơn giản với phần eo được nới rộng được gọi với cái tên Trapeze. Đây là một trong những sáng tạo đột phá trong sự nghiệp của NTK Yves Saint Laurent khi chính thức kế nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo của nhà mốt Christian Dior. Tuy cấu trúc đơn giản nhưng chiếc đầm được ứng dụng nhiều kỹ thuật may đo Haute Couture tinh xảo, từng đường kim mũi chỉ được tính toán tỉ mỉ, các chi tiết được kết nối với nhau hoàn hảo, không thừa cũng không thiếu. Chiếc đầm Trapeze lấy chủ nghĩa tối giản làm cốt lõi, lược bỏ mọi chi tiết đính kết cầu kỳ, hoa văn sặc sỡ và cấu trúc vải bắt mắt. Ngay sau đó, chiếc đầm nhanh chóng trở thành tiền đề cho sự ra đời của những chiếc đầm mini tối giản của thập niên 60.
Thời trang đóng một phần không thể thiếu trong sự nghiệp của các biểu tượng văn hóa đại chúng. Trở về những năm 1990, Madonna được mệnh danh là một trong những tượng đài nhạc Pop đình đám của thế giới. Hình ảnh nữ ca sĩ diện một thiết kế cone bra bodysuit độc đáo của Jean Paul Gaultier tại một buổi hòa nhạc ở Tokyo (Nhật Bản) thu hút đông đảo sự quan tâm của người hâm mộ. Trên thực tế, Madonna không phải là “nàng thơ” đầu tiên diện thiết kế này của nam nhà mốt. Được biết, NTK sinh năm 1952 đam mê thiết kế thời trang khi còn rất nhỏ. Ông từng xin bố mẹ mua cho một con búp bê để may đồ cho nó, nhưng họ đã từ chối và mua cho ông một con gấu bông. Ông đặt tên cho con gấu bông là Nana. Kể từ đó, gấu bông trở thành người mẫu cùng ông bắt đầu thiết kế trang phục. Và một trong những thiết kế đầu tiên ấy chính là chiếc áo cone bra mà nền thời trang đương đại vẫn còn say đắm.