Nhìn lại 5 dấu son chói lọi của Sabato De Sarno sau nhiệm kỳ 2 năm tại Gucci

Trong những ngày đầu năm, làng mốt thế giới lần lượt chứng kiến sự rời đi của giám đốc sáng tạo tại các thương hiệu xa xỉ. Mới đây, ngày 06/02, thông tin Sabato De Sarno rời Gucci chỉ sau 2 năm hợp tác đã khiến giới mộ điệu không khỏi xôn xao.

Sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở phía đông bắc Naples, sự nghiệp thời trang của Sabato De Sarno bắt đầu khi thiết kế cuối kỳ tại trường của anh lọt vào “mắt xanh” của một người tìm kiếm tài năng cho Prada. Anh bắt đầu học việc tại đây vào năm 2005, sau đó chuyển đến Dolce & Gabbana, trước khi trở thành cánh tay phải đắc lực của Pierpaolo Piccioli tại Valentino trong suốt 13 năm. Đến tháng 01/2023, De Sarno được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo của Gucci trong sự bất ngờ của làng mốt thế giới.

Sabato De Sarno trong thước phim tài liệu “Who Is Sabato De Sarno? A Gucci Story”.

Dù là một trong những nhân vật tài năng trong giới thời trang nhưng thời điểm đó, cái tên của anh vẫn còn khá xa lại với giới mộ điệu và Gucci là hãng thời trang lớn đầu tiên anh đảm nhận vai trò “đầu tàu”. Đặc biệt, kỷ nguyên của một “gương mặt mới” bắt đầu ngay sau khi nhiệm kì 7 năm của Alessandro Michele – một trong những người có tầm nhìn sáng tạo nhất mà nhà mốt từng sở hữu – kết thúc.

Đứng trước các nhận định về cú đặt cược táo bạo của thương hiệu, Marco Bizzarri, Giám đốc Điều hành Gucci, lại khẳng định rằng ở Sabato De Sarno có “tầm nhìn đặc biệt để viết tiếp chương tiếp theo cho Gucci”. Mặt khác, màn chào sân của De Sarno cũng khiến giới mộ điệu tò mò khi lý tưởng tối giản của anh hoàn toàn trái ngược với trường phái mơ mộng và hoàn mỹ của người tiền nhiệm Alessandro Michele. Nền tảng và kinh nghiệm thực chiến tại Valentino, cùng sự nhạy cảm tinh tế đối với các kiểu dáng và màu sắc, Sabato De Sarno mong muốn bộ sưu tập (BST) của mình sẽ giúp mọi người “yêu Gucci thêm một lần nữa.”

Đỏ Rosso Ancora kiêu kỳ

Với ý nghĩa “Ancora” (lần nữa), BST “chào sân” của nhà thiết kế người Ý như một lời mời gọi các tín đồ yêu thời trang, cùng anh ngược dòng quá khứ, quay lại thời điểm những năm 1990 – 2000 với loạt bộ âu phục tối giản, đường cắt sắc sảo. Đồng thời, qua lăng kính của Sabato De Sarno, các chi tiết “kiệm vải” được nâng tầm: đường viền siêu ngắn, áo dệt kim mỏng ôm sát cơ thể, đầm dáng suông xẻ sâu hay bộ đầm slip lụa phối ren gợi cảm.

Điểm sáng của BST này chính là nhà tạo mốt người Ý nhiệt tình “lăng xê” gam màu: Rosso Ancora – “sợi chỉ đỏ” được đan cài xuyên suốt các công trình sáng tạo sau này tại Gucci của De Sarno. Gam màu này gợi nhớ đến thời điểm những năm 1890, khi Guccio Gucci làm nhân viên thang máy tại khách sạn The Savoy (London), nơi nuôi dưỡng tình yêu của ông dành cho thời trang xa xỉ.

Tự tin vì là chính mình chứ không phải người giỏi nhất

Tiếp nối kỷ nguyên “Ancora”, BST thời trang nam đầu tiên của Sabato De Sarno tại Gucci lại một lần nữa “hồi sinh” nét thẩm mỹ tưởng như đang “chôn vùi” trong dòng lịch sử hơn 100 năm của nhà mốt Ý. Các thiết kế đa dạng kiểu dáng từ áo khoác trench, blazer hai hàng khuy, áo măng tô, hay khoác da nhưng chung quy đều đang trả lời cho câu hỏi “Đàn ông muốn gì?”. Sự điềm tĩnh, cá tính, cuộc sống là chính họ – đó là lời tuyên ngôn đanh thép của Sabato De Sarno gửi gắm trong BST.

Không những thế, Sabato De Sarno còn tập trung vào các đường nét đặc trưng của thiết kế âu phục Gucci cổ điển, vừa tái hiện tinh thần gợi cảm của Tom Ford, vừa phảng phất chất thơ đặc trưng của Alessandro Michele. Những bộ cánh và phụ kiện của BST còn được De Sarno “nhuộm” bởi những gam màu chói chang như vàng chanh, xanh lam, xanh lá đậm hay chi tiết sọc ba màu đặc trưng của thương hiệu.

Gửi gắm tâm tình đến London

Một lần nữa, Sabato De Sarno lại chứng tỏ sự trân trọng của mình đối với những giai thoại của thương hiệu. London chẳng phải một thành phố xa lạ với Gucci, ở đó nảy mầm thứ tình yêu dành cho vải vóc, đường kim mũi chỉ của chàng trang trẻ Guccio Gucci – nhà sáng lập thương hiệu. Đi cùng với tinh thần đó, BST Gucci Cruise 2025 được phát triển dựa trên lý tưởng của nhà mốt Ý cùng tinh thần thẩm mỹ của thủ đô nước Anh, tạo nên câu chuyện giao thoa giữa chủ nghĩa lãng mạn và tính ứng dụng, giữa mềm mại và cá tính, giữa quá khứ và tương lai.

Những bản phối tương phản được Sabato De Sarno áp dụng triệt để, từ áo khoác da lộn đứng phom kết hợp áo voan, hay họa tiết hoa cúc điểm xuyết trên các thiết kế cứng cáp như quần denim, áo măng tô, đến áo khoác da ngoại cỡ sóng đôi cùng với voan xếp li. Cuối cùng, phải nhắc đến chiếc túi Gucci Blondie vừa là một phụ kiện đi kèm, vừa là lời gợi nhắc của một biểu tượng vượt thời gian.

Đi tìm định nghĩa từ những con sóng
“Việc kết hợp các màu sắc tựa như một bước nhảy tinh tế trên mặt biển êm đềm. Khi bộ sưu tập hoàn thiện, đó chính là con sóng mạnh mẽ ấn tượng mà tôi muốn tạo ra”, Sabato De Sarno chia sẻ về BST lần này.

Tạm gác lại sự ồn ào nơi phố thị, BST Gucci Xuân Hè Nam 2025 của Sabato De Sarno đưa làng mốt thế giới hòa mình vào câu chuyện của biển, cát và gió với loạt thiết kế lấy cảm hứng từ bộ môn lướt sóng. Chắc hẳn ai cũng phải công nhận, điểm sáng của BST nằm ở cách De Sarno khai thác thông minh các kiểu dáng, kết hợp tông màu ấm áp gợi nhớ đến màu sắc của loài sứa biển. Dù là áo vest, blazer hay sơ mi, polo nhưng đâu đó vẫn phảng phất nhịp sống sôi động của thành thị, khiến người ta cảm nhận được vẻ đẹp tự do, phóng khoáng của một miền biển lộng gió.

Thay vì chú trọng vào việc lạm dụng sử dụng logo hay tên thương hiệu, De Sarno lại có cách “chơi đùa” với thị giác một cách ngẫu hứng hơn bằng kỹ thuật trompe-l’oeil (ảo ảnh thị giác). Hay cách mix-match của anh cũng phần nào phản ánh rõ nét chất nghệ sĩ của người Ý. Điển hình như quần shorts được mặc cùng áo vest hoặc áo sơ mi điểm xuyến bằng các họa tiết bắt mắt như vận động viên lướt sóng, hoa dâm bụt, chuối, cá heo.

Nỗi nhớ dành cho thập niên 60

Tiếp tục hành trình tìm kiếm sự lộng lẫy trong những khoảnh khắc giản dị, BST Gucci Xuân Hè 2025 hiện diện như hiện thực lý tưởng, nơi Sabato De Sarno “thời trang hóa” những giấc mơ làm sống dậy nhịp sống của thập niên 60. Đây thời điểm đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của văn hóa đại chúng, khi phụ nữ tự do khoác lên mình những bộ cánh táo bạo nhưng vẫn rất đỗi thời thượng.

BST đưa người xem đi từ những bộ cánh hiện đại, đến những trang phục gợi nhắc đến hình ảnh của Cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Jackie Kennedy. Các chi tiết như khăn trùm đầu họa tiết hoa, kính râm tròng dày, mũ rộng vành, hay những chiếc áo khoác có phần cổ dựng cao là các thiết kế ưa thích của Đệ nhất phu nhân đẹp nhất nước Mỹ. Hay những chiếc đầm suông, dáng dài cổ điển được thêu kín sequin hạt to cực kỳ lấp lánh làm bật lên sự hào nhoáng, sôi động ở một cột mốc vàng son của thời trang may đo, nội y và chất liệu da. Nhưng một điều đáng chú ý, chắc hẳn ai thời điểm đó cũng không ngờ đây lại lời chào tạm biệt của Sabato De Sarno với nhà mốt lừng danh nước Ý.


From the same category