Nhìn lại 100 năm nghệ thuật nhiếp ảnh thời trang - Tạp chí Đẹp

Nhìn lại 100 năm nghệ thuật nhiếp ảnh thời trang

Thời Trang

Cách đây nhiều thập kỷ, những bức ảnh chụp thời trang chỉ được mô tả đơn thuần là “ảnh chụp một ai đó mặc một chiếc váy”. Thế nhưng, những nhiếp ảnh gia như Irving Penn hay David Bailey đã cho ta thấy rõ quyền năng chuyển hóa kỳ diệu của chiếc máy ảnh. 

Thập niên 1910: Kỷ nguyên mới chói lóa

Năm 1911, nhiếp ảnh gia Edward Steichen cho ra đời 13 bức ảnh chụp người mẫu trong những sáng tạo của nhà thiết kế Paul Poiret trên Tạp chí Art et Décoration. Chúng được xem là những bức ảnh thời trang nghiêm túc đầu tiên. Các tạp chí thời trang thời này bắt đầu nỗ lực nắm bắt những tinh túy từ thời trang của các kinh đô lớn bằng những bộ ảnh hào nhoáng.


 Một trong những bức ảnh thời trang đầu tiên chụp bởi nhiếp ảnh gia Edward Steichen


Trang bìa Tạp chí Vogue ấn phẩm tháng 6/1909

Thập niên 1920 – 1930: Thách thức những nhận định.

Trào lưu Siêu thực với những tên tuổi như họa sỹ Salvador Dalí hay nhiếp ảnh gia Man Ray tạo nên những bộ ảnh thách thức mọi nhận định về thực tại. Tuy vậy, không phải ai cũng vui vẻ với những thử nghiệm này. Biên tập viên Edna Woolman Chase của Vogue đã nói: “Hãy tập trung vào giới thiệu chiếc váy, và nếu chiếc váy không ăn nhập gì đến nghệ thuật thì mặc kệ nghệ thuật đi!”


 Ảnh quảng cáo cho nước hoa Salut de Schiaparelli, 1935


 Bức ảnh “Trắng và Đen” đầy tính siêu thực của Man Ray, 1926


Trang bìa Vogue được vẽ bởi họa sỹ trường phái siêu thực Salvador Dalí, 1939


 Một bức ảnh áo tắm của nhiếp ảnh gia Horst P. Horst trên Tạp chí Vogue trong năm 1934


Người mẫu trong váy voan Chanel trên ấn phẩm Vogue Mỹ trong năm 1935

Thập niên 1940: Phục hưng thời hậu chiến

Sau khoảng thời gian u tối của Thế chiến thứ Nhất, thời trang trở lại với vẻ hào nhoáng và nữ tính của mình, đánh dấu bởi những thiết kế New Look của Christian Dior được ra mắt năm 1947. Cũng chính vì thế, những bức ảnh thời trang cũng trở nên đầy nữ tính và sống động với những sắc màu rực rỡ – nhờ vào phim màu Kodachrome, như trong những bộ ảnh của của Lillian Bassman hay Erwin Blumenfeld.


“Người mẫu và ma-nơ-canh” chụp bởi Erwin Blumenfeld, 1945


Một bức ảnh đầy chất thơ do nữ nhiếp ảnh gia Lilian Bassman chụp trong cuối thập niên 40


 Người mẫu Sandra Payson gợi cảm trong một thiết kế của Dior, 1947


 Louise Dahl Wolfe chụp Virginia Stewart thơ mộng bên bờ biển năm 1948

Thập niên 1950: Chụp ảnh trong thành phố

Những năm 50, các tạp chí thời trang giới thiệu những bộ ảnh “đời” hơn, với phông nền studio được thay bằng đường chân trời đầy nhà cao tầng của thành phố. Martin Munkácsi, nhiếp ảnh gia đầu tiên chụp ảnh thời trang ngoại cảnh, đã khuyên rằng: “Đừng tạo dáng. Hãy để người mẫu di chuyển tự do. Mọi bức ảnh đẹp đều là những bức ảnh chụp vội.”


Một trong những bức ảnh huyền thoại của Richard Avedon (ảnh chụp năm 1955)


Bức ảnh thời trang vui nhộn chụp bởi John French (ảnh chụp năm 1955)


 Suzy Parker gợi cảm trong chiếc váy dạ hội chấm bi, chụp bởi Richard Avedon (ảnh chụp năm 1957)


Tháp Eiffel làm nền cho bức ảnh chụp bởi Walde Huth (ảnh chụp năm 1955)

Thập niên 1960: Giải phóng

Khi phong trào giải phóng phụ nữ nở rộ thì thời trang cũng tự giải phóng mình khỏi các khuôn khổ. Nhiều nhiếp ảnh gia và tạp chí mới xuất hiện, trong đó nhiếp ảnh gia David Bailey, người mẫu Twiggy là những đại diện hoàn hảo cho giai đoạn này: trẻ trung, hoạt bát, táo bạo và rất mực “hippie”!


Nàng thơ Twiggy do Ronald Traeger chụp (vào năm 1967)


Veruschka mặc bộ đồ thám hiểm (safari suit) của Yves Saint Laurent (ảnh chụp năm 1968)


 Penelope Tree – hiện tượng thập niên 60 – được chụp bởi Richard Avedon (vào  năm 1967)


 Người mẫu Shirley Anne Hayes mơ màng bên cửa sổ (ảnh chụp năm 1967)

Thập niên 1970: Họa nét đàn bà

Ngoài những hình ảnh đầy tính gợi dục thì tôn giáo và bạo lực còn thường xuyên là chủ đề chính của nhiều bộ ảnh trong giai đoạn này, thách thức mọi chuẩn mực đạo đức. Các nhiếp ảnh gia cho ra mắt những bộ ảnh tập trung vào cá tính của người phụ nữ hơn là trang phục họ mặc. Thập niên 70 còn đánh dấu sự xuất hiện mạnh mẽ của những người mẫu da màu và phi giới tính.


Một bức ảnh rực rỡ do Helmut Newton chụp vào năm 1978


Những cô dào gợi cảm khoe chân thẳng tắp trong bức ảnh của Guy Bourdin (ảnh chụp năm 1979)


Iman, siêu mẫu người Somali, trong chiến dịch quảng cáo Yves Saint Laurent cuối thập niên 70


Nữ ca sỹ Grace Jones là biểu tượng phi giới tính của giai đoạn cuối thập niên 70, đầu 80

Thập niên 1980 – 1990: Chụp đời thực

Những bộ ảnh của năm 80 đối lập với những hình tượng hào nhoáng hoàn hảo trước đó, với những người mẫu không chuyên phô diễn vẻ đẹp không theo chuẩn mực truyền thống. Thập niên 90 đánh dấu bởi những bộ ảnh giàu tính tự nhiên, đôi lúc như ảnh tài liệu. Những bức ảnh giai đoạn này nhấn mạnh những khuyết điểm của mỗi cá nhân và cách chúng khiến họ trở thành những vẻ đẹp rất riêng biệt.


 Một bức ảnh chụp vội của nhiếp ảnh gia Arthur Elgort trên đường phố New York năm 1981


 Thiếu nữ trong hộp đêm London, do Corine Day chụp năm 1992


Bộ ảnh tôn vinh trào lưu grunge của nhiếp ảnh gia huyền thoại Steven Meisel trên Tạp chí Vogue Ý năm 1992


Người mẫu gốc Nhật Devon Aoki chụp bởi Mario Sorrenti năm 1997

Hiện tại: Tưởng tượng và mộng mơ

Ảnh thời trang ngày nay hấp dẫn với đầy màu sắc sặc sỡ và những câu chuyện rất riêng phía sau chúng. Được đầu tư với kinh phí khủng và cả một đội ngũ đông đảo đầy chuyên nghiệp, việc thực hiện một bộ ảnh cũng tốn kém như một bộ phim nhỏ. Các nhiếp ảnh gia lấy một nguyên liệu từ thực tại và dựng lại chúng qua lăng kính rất mực điện ảnh của mình.


Hình ảnh của nhiếp ảnh gia Tim Walker lúc nào cũng giống như một câu chuyện thần tiên (ảnh chụp năm 2006)


Vẻ bạo lực và gợi cảm, nóng bỏng là nét riêng của Steven Klein (ảnh chụp năm 2015)


Một bức ảnh được lấy cảm hứng từ phim kinh dị Nhật Bản của Steven Meisel trên Tạp chí Vogue Ý năm 2014


Người mẫu Karlie Kloss mặc áo Prada trong một bộ ảnh tươi tắn được chụp bởi Mario Testino năm 2014

Bài: Trí Võ

Ảnh: Conde Nast, W,  Victoria and Albert Museum


logo

Thực hiện: depweb

18/05/2015, 10:07