Nhìn móng đoán bệnh
1. Móng giòn, dễ gãy là một trong những vấn đề thường gặp, có nhiều nguyên nhân:
– Cơ thể thiếu chất sắt. Kết quả một nghiên cứu tại Anh cho thấy móng tay rất nhạy cảm với sự suy giảm chất sắt. Thiếu sắt cũng gây ra thay đổi hình dạng của móng: móng trở nên phẳng hoặc có hình cong ngược lên như cái thìa.
– Móng tay phẳng, dẹt là một trong những dấu hiệu của bệnh Raynaud. Trong bệnh này, các động mạch ngón tay có phản ứng co thắt quá mức với lạnh, cảm xúc mạnh, rung động liên tiếp của bàn tay, dưới tác dụng của hóa chất nicotine… Hậu quả là các ngón tay bị những cơn xanh tái, tê tê rất khó chịu vì giảm lưu thông máu.
– Móng tay tiếp xúc thường xuyên với chất tẩy rửa, chất hòa tan, sơn móng tay… cũng dễ trở nên giòn, gãy.
2. Vết trắng trên móng tay có thể là dấu hiệu thiếu kẽm vì thực phẩm không cung cấp đầy đủ. Nhu cầu kẽm mỗi ngày khoảng 15mg. Trường hợp mắc bệnh gan hoặc bệnh thận, móng cũng có màu trắng.
3. Móng tay màu vàng có thể là dấu hiệu của viêm phế quản kinh niên, thường thấy ở người nghiện thuốc lá.
4. Nhiều rãnh nằm ngang trên mặt móng có thể là dấu hiệu của một bệnh trầm trọng hoặc người đó vừa trải qua một cuộc phẫu thuật.
5. Trong bệnh xơ cứng gan, móng có màu trắng đục, thay vì màu hồng của các mạch máu nằm ở dưới móng.
6. Móng có màu xanh trong trường hợp cơ thể trúng độc kim loại đồng hoặc bạc.
7. Cường tuyến giáp có thể làm móng tách khỏi lớp da ở dưới.
8. Cơ thể thiếu dưỡng khí lâu ngày vì các bệnh tim, phổi có thể làm cho móng to phình ra.
9. Hội chứng “móng tay vàng” – là một bệnh gồm có ba dấu hiệu cùng xuất hiện: tụ nước ở màng phổi, móng tay có màu vàng và sưng phù các hạch bạch huyết ở chân tay.
10. Hội chứng “móng tay – xương bánh chè” là một bệnh bẩm sinh. Trẻ có rối loạn chức năng thận, móng kém phát triển hoặc không có, xương bánh chè đổi hình dạng…
11. Một số dược phẩm làm thay đổi màu móng. Thuốc quinacrine trị sốt rét làm móng có màu xanh vàng, thuốc tetracycline, phenothiazine làm móng có màu nâu, thuốc chặn sự tăng sinh các tế bào ung thư tạo ra các vệt trắng nằm ngang trên mặt móng…
Các bệnh của móng
Móng có thể bị 1 số bệnh gây ra do các tác nhân từ trong hoặc ngoài cơ thể.
Bệnh nấm móng rất phổ biến và cũng khó chữa lành. Bào tử nấm bám trên móng, hủy hoại lớp keratin và sinh sôi nảy nở rất nhanh. Móng trở nên gồ ghề, dày, nứt, đôi khi tách rời khỏi đầu ngón. Bệnh nấm móng chân thường xảy ra khi đi chân đất ở nơi công cộng hoặc do chân ẩm ướt, hấp hơi.
Móng thụt thường xảy ra ở ngón chân cái. Mép của móng cong lại và mọc lẹm vào phần mềm quanh móng, gây ra đau đầu ngón chân. Bệnh thường xảy ra khi giày quá chật, mang giày cao gót… khi móng đâm ngang nhiều hơn và đã mưng mủ, nên đi bác sĩ để được cắt bớt một phần móng hư và cạo bỏ phần da nhiễm độc.
Nguyễn Minh
Thế giới Mốt