Nhìn đời bằng đôi mắt trong

Nhiều người vẫn cứ lầm tưởng hai chữ phê bình có nghĩa là chê. Thế nhưng không, phê bình vốn là công việc đánh giá cả những điều tốt và không tốt ở các sự vật, hiện tượng hay tác phẩm nghệ thuật… Những người làm công việc phê bình chuyên nghiệp thường nhắc nhở nhau: Phải luôn nhìn mọi thứ ở cả hai mặt và khách quan vì phê bình là để xây dựng chứ không phải để vùi dập. Song, nguyên tắc công việc tốt đẹp ấy đôi khi lại không được những “nhà phê bình” trong đời thường áp dụng. Có nhiều người hễ cứ nhìn cuộc đời là chỉ thấy toàn những cái sai, cái xấu.

 

Đôi mắt quá “tinh tường”

Quả đúng là chưa bao giờ thông tin về mọi mặt cuộc sống được cập nhật nhanh và công chúng cũng mau chóng có những phản ứng sắc bén với thông tin vừa nhận như ở thời điểm hiện tại. Một cô diễn viên vừa diện đôi giày đẹp, lập tức người ta đọc ra được nhãn hiệu cao cấp nào, giá được quy đổi ra bao nhiêu tô phở… Thay vì mừng cho cô, người ta lại bàn tán về chuyện cô kiếm đâu ra tiền với nhiều suy diễn ác ý. Giả sử cô có chứng minh được tiền từ đâu ra, người ta lại sẽ thắc mắc, cô nhiều tiền thế sao không làm từ thiện.

Độc giả cũng tinh tường đủ để tìm ra được vài lỗi sai trong bản dịch một cuốn sách kinh điển và nhanh chóng đưa ra hàng loạt lý lẽ để biến chúng thành những lỗi trầm trọng. Chẳng hạn, từ một lỗi sai, đúng hơn phần dịch còn tranh cãi của dịch giả gạo cội Dương Tường, nhiều nhà báo đã kết luận thậm chí kết tội dịch ẩu cho ông!

Chỉ ra được những sai sót luôn là việc đáng hoan nghênh. Nếu không có những người làm công việc phản biện thì xã hội khó có thể tiến lên nhanh chóng. Con người ngày càng trở nên văn minh hơn cũng là vì họ biết nghiêm khắc với những sai sót, cái xấu, sự tiêu cực… Chúng ta nên biết ơn những người dám thẳng thắn phê bình.

Tuy thế, ai đó đã nói với tôi, con người có hai con mắt để nhìn đời. Một con mắt để bao dung, tha thứ, tìm ra điểm tích cực, mắt còn lại để tìm ra những điều chưa hay, chưa tốt. Nếu chọn cách nhìn đời phiến diện, một chiều, sử dụng mãi một con mắt phê phán thì con mắt trong và bao dung kia, lâu ngày không có việc làm, sẽ trở nên mờ.

Giờ đây, không ít người chỉ mải chau mày, cái gì trong mắt họ cũng là tiêu cực. Nhiều người lại chỉ thích “bới lông soi vết”, chờ người khác sơ sẩy để việc bé xé ra to, biến nó thành cái lỗi không thể tha thứ được. Mỗi khi gặp một ai như vậy, tôi lại nhớ tới những lời thấm thía mà nhà văn Nam Cao đã viết trong truyện ngắn “Đôi mắt”: “Anh đã quen nhìn đời và nhìn người một phía thôi. (…) Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản”.

Chê bai để được thừa nhận

Con người hiện đại hiểu biết hơn, lại có Internet hỗ trợ, được tiếp cận nhiều mặt hơn với kiến thức nhân loại. Đáng lẽ, càng biết nhiều, ta càng nên khoan dung, nhìn vào nhiều mặt của cuộc sống. Tiếc thay, có lẽ vì cuộc sống trở nên áp lực hơn, người ta bỗng trở nên bẳn gắt. Họ vô tình không nhận ra mình có thói quen buông những lời bình luận chua chát, phủ nhận hiện tại, hoài niệm những giá trị của các thế hệ cũ.

Người ta thích phê phán gay gắt kẻ khác cũng có thể là vì mặc cảm, tự ti. Chiến thuật hạ thấp, chê bai để tạo dựng sự tự tin cho mình xem ra giản đơn và nhanh có kết quả hơn việc phấn đấu cả đời để đạt được một thành quả nào đó. Thật dễ dàng lớn tiếng phê phán để kéo nhiều người đang phẫn nộ khác đứng về phía mình. Trong thực tế, nhiều khi động lực thực sự ẩn sâu trong họ chỉ là muốn mọi người tôn trọng và đánh giá mình cao như (thậm chí hơn) người kia vậy.

Internet và nick ẩn trên mạng đôi khi cho ta khoái cảm đứng ngoài nhận xét mà không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những điều mình nói. Ấy là chưa kể cảm giác nghiền ngẫm một câu nói chua cay, thưởng thức hàng trăm lời bình luận đáp lại dễ ru ta trong một niềm kiêu hãnh kín đáo. Thế mới có những trường hợp một người gặp ở ngoài đời thì năm cũng ừ, ba cũng gật nhưng hễ lên mạng lại thành một chuyên gia “chặt chém”.

Một vài bí quyết

Mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống này đều tồn tại 2 khía cạnh, 2 thái cực khác biệt. Không gì là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, vấn đề chỉ là ở những cách nhìn nhận khác nhau. Cuộc sống vốn đã đầy áp lực, đừng quá khắt khe với nó, nên tìm kiếm những khía cạnh tích cực để thêm cho mình cảm giác hạnh phúc. Sao bạn không thử thay đổi mình theo các cách:

Tránh “cơn bão tiêu cực”:

Chúng ta thường có xu hướng nhìn đời khắt khe hơn khi xung quanh toàn người giỏi tìm lỗi sai. Mặt khác, chúng ta cũng dễ bị thu hút bởi những người có tư duy phê phán, nếu bản thân cứ chăm chăm nhìn vào điều đó. Tránh giao tiếp, gặp gỡ quá nhiều với những người hay nhìn đời tiêu cực, đồng thời tự gạt bỏ những suy nghĩ kiểu “người khác xấu”… ra khỏi đầu mình.

Tìm khía cạnh tích cực:

Trong cuộc sống này luôn có những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, những điều đó thường không dễ dàng để ta có thể nhận ra. Hãy tận dụng con mắt bao dung của bạn, cho nó vận động, làm việc nhiều hơn, thậm chí “vất vả” hơn trong công cuộc tìm kiếm. Dành thời gian và tâm trí cho việc tìm kiếm có mục đích này, bạn sẽ không còn tâm trí nào cho việc “vạch lá tìm sâu”.

Chia sẻ cảm xúc tích cực với người khác:

Cách đơn giản và cơ bản nhất là hãy nhã nhặn trong bất cứ hoàn cảnh nào và sẵn lòng chia sẻ cảm xúc của bạn về điểm tích cực của người khác. Hãy nói với người nào đó bạn ngưỡng mộ những gì họ làm được trong công việc hay cuộc sống. Việc lưu tâm đến những phẩm chất tốt và sự tử tế của người khác sẽ xóa tan ấn tượng về nỗi buồn khổ, khó gần và khắt khe từ phía bạn.

Chấp nhận sự khác biệt để hạnh phúc hơn:

Mỗi người chúng ta đều có một giá trị riêng, khi ta chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt giá trị của người khác cũng là khi ta trân trọng chính mình. Và như thế, ta không cần phải chỉ trích ai để khẳng định giá trị của bản thân nữa.

Theo Bazaar


From the same category