Học và hát
“Không bao giờ cúp học”, đó là câu nói đầu tiên về thời thơ ấu của Đức Tuấn khi chúng tôi bắt đầu vào cuộc trò chuyện. Để lời khẳng định của mình thêm nặng đô, Tuấn hơi kênh khuôn mặt khôi ngô lên, đôi môi củ ấu của cậu bặm vô phía trong, nhìn rất mắc cười.
Tất nhiên, tôi không cười!
Tôi quan sát anh chàng ca sĩ này, cố hiểu xem nền tảng của sự kiêu hãnh mà Đức Tuấn luôn thể hiện ra, bắt đầu từ đâu.
Không bao giờ cúp học, dù chỉ là trong ý nghĩ. Đó chính là Đức Tuấn những ngày còn thơ bé. Sinh ra trong một gia đình nề nếp, cả bố và mẹ đều là giáo viên, hẳn 3 chị em của cậu đã được hưởng sự giáo dục rất sư phạm từ các đấng sinh thành. Yêu thích sự chuẩn mực nên hàng ngày Tuấn chăm chỉ học hành. Đã học rồi mà không được đứng hàng đầu thì không chịu nổi. Cá tính ấy theo suốt trong những tháng năm sau này của Đức Tuấn. Cậu mang khát vọng đó đổ trào lên trang sách. Rất may, ước mơ thành hiện thực. Tuấn học môn nào cũng giỏi, năm nào cũng là học sinh xuất sắc nhất trường.
Đức Tuấn không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cậu cũng không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Đây là chi tiết đặc biệt nhất của Đức Tuấn mà tôi ấn tượng. Tuấn nói, người khác cũng bất ngờ như tôi vậy. Nhìn Tuấn trên sân khấu cầm mic, trong bộ vest sang trọng, ánh mắt, gương mặt thể hiện, giọng hát “rất” opera, ban đầu tôi luôn nghĩ Đức Tuấn là ca sĩ được trưởng thành tại Hà Nội. Nhưng tôi lầm, lầm 1 cách xa vặn dặm, còn người khác thì “té ghế”, theo cách dùng từ của Đức Tuấn.
Đức Tuấn sinh ra và lớn lên tại Long Xuyên. Thành phố ấy, tôi từng đi qua cách đây vài tháng. Long Xuyên mang đặc trưng không nhiều của miền sông nước Tây Nam bộ, có vài địa danh giáp biên giới Campuchia. Ai đi qua Long Xuyên đều nhớ món bún mắm, lẩu mắm đậm đà của vùng đất này. Đức Tuấn đã “dọc ngang ngang dọc ” Long Xuyên bằng sức học giỏi và tài hát hay. Vừa học vừa hát, song song nhau, không thiên vị niềm đam mê nào, Đức Tuấn ẵm nhiều giải thưởng văn nghệ của trường, của thành phố, của tỉnh và cũng “không quên” đoạt giải 3 học sinh giỏi Anh văn toàn quốc năm học lớp 9.
Sài Gòn và xe đạp
Nhờ giải 3 Anh văn ấy mà Đức Tuấn được tuyển thẳng vào trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Mái trường này là niềm hãnh diện của tất cả các học sinh có tư chất hơn người, và là niềm tự hào của bất cứ bậc phụ huynh nào có con đang theo học tại đây. Lên Sài Gòn, Đức Tuấn ở nhà dì ruột. Hàng ngày, Tuấn đạp xe đến trường.
Nhưng Sài Gòn không giống Long Xuyên. Sài Gòn đón Đức Tuấn bằng việc… lấy đi của cậu bé học THPT chuyên Lê Hồng Phong 2 chiếc xe đạp. Chiếc xe đầu tiên bị mất khi Tuấn vào ăn cơm ở quán bình dân ngoài vỉa hè. Lúc trở ra, chiếc xe không cánh mà bay. Chiếc xe thứ hai bị lấy cắp ở ngay trong nhà dì. Người ở trên nhà, xe ở dưới nhà, khóa cửa cổng mà vẫn cứ mất. Tiếc của, nhưng không tiếc lâu. Bản tính của cậu là vậy. Không khi nào thấy điều gì là quá ghê gớm, điều gì là quá quan trọng và chưa bao giờ cậu để cho cảm giác khó chịu ở lâu trong con người mình. Bởi vậy, Đức Tuấn ít khi tranh luận, tranh cãi, luôn là người chủ động kết thúc mọi việc, hầu hết bằng sự im lặng. Tuấn không chấp nhận cảm giác khó chịu, có nghĩa là không cho phép mình nóng giận. Ai ghét mình thì người đó khổ sở, 1 triết lý đơn giản vậy để mà sống cho bình an!
Những năm học tại trường chuyên Lê Hồng Phong rồi cũng kết thúc. Chắc chắn là kết thúc trong vinh quang, vẻ mặt của Đức Tuấn cho tôi thấy rõ điều đó.
Lúc này thì tôi bật cười thật sự!
Cười để chia vui. Giải 3 học sinh giỏi Anh văn toàn quốc một lần nữa lại tới với Đức Tuấn, dành cho cậu 1 suất vào thẳng Đại học Ngoại thương TP.HCM.
Lại tiếp tục vừa học vừa hát, Đức Tuấn dần dần là sinh viên năm nhất, sinh viên năm hai, cũng từng bước khẳng định vị trí là 1 ca sĩ chuyên nghiệp và có đẳng cấp. Đức Tuấn hát nhạc Phạm Duy thành công tới mức hơn 1 lần nhạc sĩ tài ba này phải gật gù khen ngợi. Sau này, Tuấn còn thử nghiệm các tác phẩm của Từ Công Phụng và 1 tác giả còn khá lạ với người nghe, nhưng có những tác phẩm đáng nghe: Trần Thái Nguyên. Nhờ vậy, album Bài tình ca đêm (Trần Thái Nguyên) đã nằm trong kệ đĩa của dần sành nghe nhạc trên xe hơi.
Duy mỹ trong âm nhạc
Đức Tuấn là ca sĩ có rất ít music video (MV) so với vị trí mà cậu đang nắm giữ. Trừ “Tình ca phố” được ra mắt năm 2011 thì cho đến bây giờ, Tuấn vẫn chưa trình làng thêm MV nào. Nhưng Đức Tuấn khẳng định năm 2013 này cậu sẽ có 4 – 5 MV để “chơi”. Sự chơi của Tuấn chẳng phải không có lý do: cuộc thi MV trên MTV sẽ được khởi động, và mỗi MV sẽ được tài trợ 40 triệu đồng. “Tất nhiên, em sẽ bỏ tiền ra thêm nữa!”, Đức Tuấn nói. Không bỏ tiền ra thêm cũng đâu được vì Đức Tuấn thường hợp tác với các nhà sản xuất có tên tuổi như Đức Trí, Thịnh – Tuấn Trinh. Đã muốn “tên tuổi” thì phải tốn kém rồi, làm sao mà khác được.
Là người duy mỹ trong âm nhạc, không khó để nhận ra Đức Tuấn thường lựa chọn các bài có ca từ và giai điệu đẹp. Những bài hát cá tính không dành cho Đức Tuấn.
Thừa nhận không bao giờ là người mở lời trước với người mình yêu thương, cũng không bao giờ có cách quan tâm và thể hiện giống như nhiều người khác sống trong tình yêu, Đức Tuấn mang đậm sự kiêu hãnh của người biết thế mạnh bản thân. Cậu không tin vào sự vĩnh cửu của tình yêu, và vì vậy, luôn tin rằng sự đam mê chỉ có giới hạn một thời gian rồi sẽ hết. Cũng bởi “tất cả khi vào tay em đều được đẩy lên cường độ cao nhất”, nên Đức Tuấn không lái xe. Tuấn đi đâu cũng cần tới tài xế. Cậu sợ ngồi sau vô lăng thì sẽ trở thành tay đua nguy hiểm!