Nhiều phim, lắm kịch vẫn như… phở mậu dịch

Chả mấy “mủi lòng”, chuyện nghe quen quen, lâu rồi, nay nhá thêm tý, có gì mà ầm ĩ.

Ồn là cái vụ phải đút 100 triệu đồng để mong thi đỗ công chức quèn. Mấy hôm rày, nghe nói bị dí hoài, vẫn chưa lòi. Thôi thì cứ là đồn, thổi về một cái dường như ai cũng biết mà chả ai biết.

“Chuyện gạ tình, gạ tiền không phải hiếm nhưng cũng không đến mức trắng trợn, vì đạo diễn còn nghĩ đến bộ phim – đứa con tinh thần của mình” – lời vừa là thừa nhận, vừa giải thích.

Đấy, làm nghệ thuật phải biết hy sinh. Bỏ ngần ấy tiền, tình, không phải để ngồi dài cạo giấy, âm mưu “ăn uống”, mà chỉ làm có một phim, đổ mồ hôi sôi con mắt ngày đêm, cát xê bèo, sướng gì.

Thế tại sao cứ đâm đầu vào? Rồi cạp gì mà lấy lại vốn? Dấn thân vì nghệ thuật, tất cả vì vai chính, được õng ẹo, nhõng nhẽo lên màn bạc để đời. Nổi tiếng rồi tiền khắc đến, thiếu gì gương từ màn bạc bước ra, cất giọng oanh vàng có mà mang túi ba gang đi vợt khẳm.

Đời, túm lại có hai mồi nhử: danh và lợi. Xơi cái nào thì xơi, nhưng thói thường cứ thích xơi cả. Có danh rồi, mài ra kiếm lợi. Có lợi rồi, quăng tiền mua danh.

Thời nay có cò, quản lý lo tất, tự động móc nối, gạ gẫm. Một đạo diễn vừa tiết lộ: “Khi tôi làm đạo diễn một bộ phim truyền hình, quản lý của cô diễn viên nọ đặt vấn đề sẽ đưa tất cả cát-xê đóng phim cộng thêm 100 triệu đồng cho tôi. Ngoài ra, người này còn bỏ nhỏ sẽ sắp xếp cho tôi đi khách sạn với cô diễn viên này”.

Tức là có divu, có nghề, mánh, mồi, chuyên nghiệp hoá các công đoạn. Đạo diễn nọ bảo không nhận vì “cô ta chẳng có tài cán gì”, cò bèn “làm việc” với nhà sản xuất, chủ đầu tư, ép nhận …

Có giá theo thị trường, một diễn viên khác được gợi ý thò 100 triệu đồng để lấy vai diễn… Lại có người chấp nhận giá thấp, “lại quả”, đổi tình… cạnh tranh đâu kém phần khốc liệt. Không hiếm trường hợp vai vừa khớp đã bị đá, vì bỗng dưng có người thích hợp hơn…

Nhiều việc vô tri vô giác khác, khô khan đổi chác là xong, còn cái việc thổi hồn này, mua bán xong, ưỡn ẹo cười nói đấy mà hồn bay phách lạc. Thảo nào, như các cụ vài chục năm trước hay đổ đồng “Phở mậu dịch, kịch ti vi”. Vắng khán giả, thừa trò lộ làng để câu kéo…

Tết này, ti vi chiếu phim, diễn kịch gì? Màn nào toàn các cậu mợ đông tiền quăng ra để nhào lên múa may, hẳn ngon cỡ phở xưa, mậu dịch.

Trần Giang Phương


From the same category