Nhiêu khê giấy phép: Thủy điện “chết khô” - Tạp chí Đẹp

Nhiêu khê giấy phép: Thủy điện “chết khô”

Tin Tức
Khi được hỏi về nguyên nhân nào thì ông Đặng Văn Hồng, chủ đầu tư một dự án thủy điện nhỏ cho biết, ông đang nẫu ruột vì vướng vào mấy cái giấy phép khiến cho nhà máy của ông xây dựng rồi mà đang bị treo, không thể phát điện, đẻ ra tiền tiền ông mong đợi.

Đã khởi công xây dựng cách đây mấy năm, được địa phương ủng hộ, đầu tư nguồn lực lớn, những tưởng nhà máy ông đã xây xong, chạy thử, vận hành trơn tru. Đang mùa mưa, nước đầy ắp, máy điện chạy thì fòng tiền cứ “tuôn chảy như nước Sông Đà”, cứ thế gặt hái, sao lại có chuyện chỉ một cái giấy phép mà “treo” cả nhà máy đã đầu tư mấy trăm tỷ được.

Ông Hồng than thở, không đơn giản như mọi người nghĩ đâu, để có đồng tiền phức tạp lắm ông ơi!. Dù thủy điện vừa và nhỏ thuộc dạng năng lượng tái tạo được, khuyến khích đầu tư nhưng vẫn còn chuyện phiền phức. 

Ông Hồng trần tình, hiện nay các dự án thủy điện vừa và nhỏ (đến 30MW) sau khi hoàn thành đều phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp phép khai thác sử dụng nước mặt.

Cụ thể, quy hoạch về thuỷ điện thì do Chính phủ phê duyệt. Theo đó cả nước có 1.097 dự án thủy điện được triển khai với công suất 24 nghìn MW. Hiện đã có 195 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động, công suất 12 nghìn MW, đáp ứng 35% sản lượng điện quốc gia, tương đương 41 tỉ kWh. Quá trình lập bổ sung và phê duyệt quy hoạch nhà máy thuỷ điện do UBND tỉnh các địa phương trình Bộ công thương xin ý kiến trước khi giao chủ đầu tư. Theo quy định khi các dự án hoàn thành muốn bán được điện phải có “Giấy phép khai thác nước mặt”.

Ông Hồng cho biết, giấy phép này lại được quy định bởi Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT V/v hướng dẫn thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ-CP quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Theo luật, trong thời hạn ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường khi cần thiết, nếu đủ căn cứ cấp phép thì trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân xin phép và thông báo lý do không cấp phép.

Luật là vậy, nhưng khổ nổi, mỗi lần nộp hồ sơ, mỏi mòn chờ đợi cấp phép, đến ngày thứ 29, đánh xe về Bộ Tài nguyên môi trường hồi hộp nhận giấy phép thì được thông báo là còn một vài chỗ trong hồ sơ cần phải chỉnh sửa. Cứ thế, hết lần này đến lần khác, có khi phải mất cả năm trời vẫn chưa xong.

Đầu tư cả trăm tỷ đồng, xây xong nhà máy, chạy thử, phát điện nhưng chưa thể ký hợp đồng bán điện chỉ vì cái giấy phép này khiến chủ đầu tư khóc dở, mếu dở vì những khoản lãi hàng tháng phải trả NH. Đó là chưa nói đến các chi phí thường xuyên phát sinh cho việc vận hành nhà máy.

Chia sẻ với chuyện nhiêu khê này, ông Trương Đình Lam, một doanh nhân ở Sơn La cho biết: Muốn bán được điện, theo Luật Điện lực phải có “Giấy phép hoạt động điện lực” do Cục điều tiết điện lực cấp. “Giấy phép hoạt động điện lực” lại phụ thuộc vào “Giấy phép khai thác nước mặt” do Bộ Tài Nguyên môi trường cấp. DN muốn bán được điện và thanh toán tiền phải có giấy này. Không chỉ riêng ông, các nhà đầu tư thuỷ điện thường ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Mỗi lần về Hà Nội là mỗi lần mòn mỏi chờ đợi.

Ông Lam không ngần ngại tiết lộ: “chính vì sự đi lại quá tốn kém nên không ít chủ đầu tư phải phải thuê trung gian 300 triệu đồng để lấy giấy phép, giờ vẫn chưa xong”.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, bắt đầu từ năm 2004, VN ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc với giá 5,8 cent/kWh. Từ đầu năm 2012, giá mua điện tăng lên 6,08 cent/kWh. (tương đương khoảng 1.300 đồng/kWh).
Trong khi đó, giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong nước chỉ khoảng 800 – 900 đồng/kWh, giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 1.280 – 1.300 đồng/kWh và giá mua của điện chạy dầu là 5.500 – 6.000 đồng/kWh.

Hiện, các doanh nghiệp ngành thuỷ điện đang được nhà nước áp dụng giá mua rẻ hơn giá nhập từ Trung Quốc khoảng 400 – 500 đồng/kWh. Mua điện với giá rẻ, cho vay với lãi suất cao (15%/năm), giấy phép phiền hà nhiêu khê… Doanh nghiệp không chết mới là chuyện lạ.

 

Thủ tục hành chính vẫn quá chậm
Trong một lần đối thoại mới đây với Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu, Ba hiệp hội ngành hàng xuất khẩu lớn là thủy sản, dệt may, da giày tiếp tục bày tỏ thất vọng vì thủ tục hành chính còn rườn rà, xử lý chậm chạp, đi quá giới hạn chịu đựng, làm mất dần tính cạnh tranh của họ trên thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Dũng chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho biết, vấn đề về kiểm soát lượng kháng sinh trong thời gian qua liên tiếp là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp thủy sản vì số hàng bị trả về tương đối nhiều. Thông thường khi lô hàng bị trả về thì chúng tôi không phải đóng thuế. Tuy nhiên thực tế thuế cho các lô hàng này doanh nghiệp cũng phải chịu thuế khi hàng qua hải quan. Hàng bị trả về đã là thiệt hại lớn những lại phải xoay hàng mấy trăm triệu để đóng thuế là quá sức doanh nghiệp. Cơ quan quản lý cần cho chúng tôi thêm thời gian để chứng minh lô hàng trên bị trả về để không phải đóng thuế.
Đại diện công ty thủy sản Gió Mới chia sẻ: “Trong nhiều trường hợp bị đóng thuế bất ngờ như vậy doanh nghiệp không có tiền nộp vào thì phải nhờ đến ngân hàng bảo lãnh. Chi phí cho việc này cũng không phải là nhỏ. Ngoài ra việc hàng ứ đọng tại kho sẽ tăng thêm chi phí lưu giữ của doanh nghiệp. Trung bình mỗi container lạnh cần 60USD tiền điện để duy trì và thêm 40USD kho bãi là khoảng 100USD/ngày thiệt hại. Doanh nghiệp có thể sẽ lỗ nặng thêm vì lô hàng trên không thanh lý được.”
Nhiều doanh nghiệp còn cho rằng thủ tục hành chính còn quá nhiêu khê trong cả việc thực hiện các quyền lợi mà doanh nghiệp được hưởng. Điều này nhiều khi cũng khiến doanh nghiệp ngán ngẩm và nhụt chí kinh doanh.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận: “Đề án 30 công cuộc cải cách thủ tục hành chính đc thực hiện trong nhiều năm nhưng thành tích đạt được không nhiều. Từ Đề án 30 có tới 25 nghị quyết của Chính phủ để các ban ngành đề xuất những thay đổi. Hiệp hội cũng chờ các DN đưa ra ý kiến để thay đổi, trong đó có những phản ánh tích cực nhưng cũng có những phản ánh phức tạp hơn. Tuy nhiên Ngoài những phản hồi về việc vận hành thông quan điện tử chưa đạt hiệu quả thì cơ quan quản lý vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc cải cách thủ thục hành chính.”

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

30/07/2012, 08:00