Nhiều bạn trẻ thủ đô viết đơn xin nhập ngũ

Sáng 25/2, cùng với cả nước, 16 quận huyện của TP Hà Nội tổ chức giao nhận quân. Từ sáng sớm, trụ sở các phường đã chật ních người thân và chiến sĩ đến tập trung. Tại sân vận động Quần Ngựa, nơi tổ chức giao nhận quân của quận Ba Đình, hàng nghìn người bịn rịn tiễn đưa chiến sĩ.

Đứng trong hàng ngũ, Nguyễn Minh Hoàng (phường Trúc Bạch) cười tươi rói. Đối với chàng trai sinh năm 1994 này, đây là lần đầu tiên cậu phải xa gia đình, tự lập cuộc sống. Dù ở nhà mọi việc đều phải nhờ mẹ giúp đỡ, nhưng vừa đủ 18 tuổi, Hoàng đã nộp đơn tình nguyện đi bộ đội.

“Hành trang em mang đi chỉ là vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân do người bác cũng là bộ đội chuẩn bị. Em không mang điện thoại vì muốn hoàn toàn cách ly với bố mẹ, người thân, thoát khỏi sự bao bọc của gia đình để rèn luyện và trưởng thành”, Hoàng nói.

 

Với quân trang gọn gàng, thanh niên thủ đô sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Anh Tuấn 

Mẹ em, chị Bạch Thị Hòa cho biết, từ bé đến lớn Hoàng đều tâm sự với mẹ, riêng việc đi bộ đội là em tự quyết định. “Thi đại học không được là nó viết đơn tình nguyện đi bộ đội ngay. Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ con”, chị tâm sự.

Ở hàng trên, Nguyễn Duy Khánh (Phúc Xá) đang nhờ mẹ lấy bớt quần áo ra khỏi chiếc balo bộ đội. Em cho biết, mấy ngày nay mẹ đã chuẩn bị đồ, vì lo em lạnh nên mẹ để rất nhiều áo ấm vào. “Mẹ không biết rằng em sẽ được phát quân phục ba bộ cho mỗi mùa”, Khánh cười.

Cũng chưa bao giờ đi xa mà không có người thân ở bên, nhưng Khánh cho biết không cảm thấy buồn và lo lắng. Môi trường quân đội em đã được xem trên tivi, học trong sách vở nên không quá bỡ ngỡ. Khánh chia sẻ, em sẽ cố gắng rèn luyện để được phục vụ lâu dài trong quân ngũ.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị dặn dò tân binh trước giờ xuất phát. Ảnh: Anh Tuấn.

Xin phép lính gác được vào dặn dò cháu Nguyễn Đăng Hoài, bà Nguyễn Thị Bôn nắm lấy tay cháu dặn “nhớ giữ gìn sức khỏe, rèn luyện tốt và thực hiện đúng kỷ luật quân đội nhé”. Công tác ở Mặt trận tổ quốc của phường, bà Bôn cho biết, rất quý Hoài vì cậu ngoan ngoãn, lễ phép.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh, chàng trai sinh năm 1989 này vừa đi làm được vài tháng. Nhưng khi nhận giấy gọi lên đường nhập ngũ, Hoài đã gác lại công việc để làm nghĩa vụ. “Mỗi công dân đều phải thực hiện nghĩa vụ của mình với tổ quốc. Em cũng luôn tâm niệm và ghi nhớ câu hát ‘đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay'”, Hoài tâm sự.

Trong số 80 thanh niên quận Ba Đình lên đường nhập ngũ, có 12 em viết đơn tình nguyện. Nguyễn Đức (phường Liễu Giai) dù đỗ cao đẳng song vẫn xin phép gia đình không đi học mà được tòng quân. Ông ngoại em, cụ Hoàng Văn Xuyên đã 82 tuổi lên phường đăng ký cho cháu đi bộ đội từ tháng 9/2012.

 Ảnh: Anh Tuấn.

Cái bắt tay của hai người lính – cựu chiến binh Hoàng Văn Xuyên và tân binh Nguyễn Đức (cháu ngoại ông Xuyên). Ảnh: Anh Tuấn. 

“Tôi đã có 37 năm là lính, từng chiến đấu ở khắp các chiến trường ba nước Đông Dương, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Gia đình tôi có ba thế hệ là bộ đội, vì vậy tôi luôn động viên và ủng hộ con cháu đứng vào hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam, bởi đó là trường học tốt nhất hiện nay”, ông Xuyên chia sẻ.

Ông cho biết, năm ngoái ông cũng tiễn cháu nội là Hoàng Trung Hiếu (sinh năm 1992), khi đó đang là sinh viên, lên đường nhập ngũ. Sau khi học lớp tân binh, Hiếu được chọn đi học lớp hạ sĩ quan. Thời gian này em được lựa chọn kết nạp Đảng và hoàn thành xuất sắc lớp cảm tình. Hiếu được giới thiệu về Sư đoàn 312 (quân đoàn 1) và đang chuẩn bị được gửi đi đào tạo sĩ quan.

Thường nghe ông kể chuyện chiến trường, nghe bác và anh kể về hiện đại hóa quân đội hiện nay, chàng trai Nguyễn Đức quyết định tiếp nối truyền thống gia đình. Trao bằng khen của mình cho ông giữ, Đức hứa: “Cháu sẽ luôn nhớ lời dặn của ông, chưa hoàn thành nhiệm vụ thì cháu chưa về”.

Thắp ngọn lửa truyền thống, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã dặn dò và gửi những bó hoa động viên chiến sĩ mới. Đến giờ xuất phát, năm chiếc xe tiến vào nơi làm lễ, đón chiến sĩ mới. Trong số 80 tân binh, 50 em sẽ về sư đoàn không quân 371 (Sóc Sơn, Hà Nội), 30 em về sư đoàn 390 (quân đoàn 1, đóng tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa).

Đeo ba lô, mặc quân phục, tay ôm hoa, những chiến sĩ mới dáo dác tìm người thân để nói lời tạm biệt. Trong vòng vây của gia đình, chiến sĩ Nguyễn Nhật Trường vẫn giữ nụ cười tươi. Cậu bắt tay người bạn thân và chào “hẹn ngày tái ngộ”. Chị gái của em vỗ vai khen “em mặc bộ này đẹp lắm” kèm lời dặn “chăm chỉ rèn luyện nhé”.

Theo VnExpress

From the same category