Nhiếp ảnh thiếu nữ - Tạp chí Đẹp

Nhiếp ảnh thiếu nữ

Giải Trí

Có những buổi hoàng hôn tuyệt vời lãng mạn của Hà Nội, trên đường Kim Mã, thỉnh thoảng người ta lại thấy một vài ông đạo mạo đang thong thả dạo phố bỗng đâm sầm vào vỉa ba-toa hoặc gốc cây rồi văng tục. Thiên hạ nhớn nhác tò mò nhìn quanh tìm lý do rồi tủm tỉm cười cái nguyên nhân, dưới hàng cây bằng lăng tím rực nhan nhản nhiếp ảnh gia ống ngắn ống dài cùng các thiếu nữ áo ngắn áo dài, cạp trễ đang rướn người e ấp với hoa lộ he hé tròn trĩnh dịu dàng ngấn trắng. Hình như phụ nữ khi cống hiến cho nghệ thuật đều có vẻ bâng quơ hớ hênh một cách đoan trang.

Có lần mùa sen tôi lang thang quanh Hồ Tây chợt thấy một dòng thơ viết bằng than nắn nót trên vỉa hè:

“Ba cô thong thả tuốt sen
Có cô yếm thắm, bỏ bùa đời tôi.”

Tôi mơ hồ đảo mắt nhìn quanh đầy cảnh giác, thấp thoáng các nhiếp ảnh gia cùng các tân thời yếm đào tạo dáng hái sen. Tiếp đó tôi lại mơ hồ hoang tưởng vẻ đẹp tội lỗi kia sao không chịu minh bạch. Nhà thơ kia thấy gì nhỉ, yếm thắm hở nách hay vụn vặt eo lưng? Mặc yếm và lúi húi cúi thấp sờ sen chắc chắn là một tư thế động đậy vào loại gợi cảm nhất trong nhiếp ảnh đương đại ngày nay, tôi cho là vậy.

Các nhiếp ảnh gia đa tài người Việt đại đa số là đàn ông, trong “lý lịch” giới thiệu bản thân ngoài các lấp lánh mề-đay giải nhiếp ảnh phải nộp lệ phí thì bên cạnh đó còn kèm theo đằng đẵng “trước đây” nghề nghiệp thông tuệ, ví dụ tu nghiệp MBA, giám đốc ma-két-tinh, kế toán trưởng tập đoàn, giám đốc PR của tổng công ty, giám đốc nghệ thuật tạp chí, giám đốc công ty truyền thông…

Tôi luôn tin họ cũng có một quá trình học hành rất hoành tráng, là những thiên tài văn, toán, lý, hóa nhưng chắc chắn đều nói không với bệnh thành tích. Để rồi “ngộ” lẽ đời thì đắm đuối với nghệ thuật. Họ phẩy tay từ bỏ tuốt tuột vinh quang phú quý, một chiếc máy ảnh số, một vi tính cài photoshop, một chút tự tin, một giấc mơ nghệ sĩ như định mệnh bắt đầu vô cùng giản dị như thế.

 Các nhiếp ảnh gia Việt là những hố đen vũ trụ, họ bẻ cong ánh sáng bằng phần mềm đồ họa, họ biết cách hiện thực hóa tất thảy mọi điều tốt đẹp bằng dàn dựng, họ cống hiến nhan nhản ảnh ảo tinh khôi cho chị em đăng mạng xã hội Facebook.

Họ vĩ đại.

Đàn-ông-nhiếp-ảnh-gia khi “làm nghệ thuật” trước thiếu nữ thường nghĩ gì? Liệu có đôi lúc như tôi hay vẩn vơ mờ đục nghĩ không nhỉ? Họ học rộng biết nhiều ắt tĩnh tâm lắm mới có bản lĩnh sáng tác đến vậy. Nhiều nhiếp ảnh gia khi đang sáng tác được tôi đặt câu hỏi này bật cười tủm tỉm rồi ghé tai thì thầm trả lời.

Rất nhiều chị em nhìn mặt tôi cười nham nhở thì căng tai cố đoán, không nghe được gì thì ra đấm yêu thùm thụp vào ngực anh nhiếp ảnh gia mà kêu lên rằng: “Sao không nói cho em, em đánh anh, em đánh anh”.

Tiện đây tôi xin trả lời hộ luôn tỉ lệ giữa thanh và tục lẫn lộn khoảng “phíp ti pơ sen” (50%, fifty percent). Nếu có một điều ước, tôi không ước đông tiền như quân Nguyên, chỉ cần đông như nhiếp ảnh gia Việt chụp thiếu nữ là quá đủ, phụ nữ được tôn vinh một cách lấp lánh đẹp đẽ nhất. Và nếu có điều kiện cũng xin được ước thêm rằng một lần bị “Yếm thắm bỏ bùa cho ốm tương tư”, có lẽ sẽ phải chết trong sung sướng mất thôi.

Tôi biết nhiều chị em đều đã từng có trải nghiệm rưng rưng cảm xúc khi được xem ảnh mình qua ống kính của các nhiếp ảnh gia để nhận ra rằng mình vẫn còn được yêu thương, được tỏa sáng niềm vui với một phần của thế giới. Đối với đàn ông nói riêng, nếu cái miệng chưa thật khéo léo, nên sắm một chiếc máy ảnh, ống kính xóa phông mộng mị và bắt đầu học cách yêu thương đàn bà qua cái lỗ ngắm nhỏ xíu, đó là một bài học giáo dục tình thương yêu với phái yếu vô cùng gần gũi và có sức lan tỏa lớn.

Một bức ảnh hơn vạn lời nói và bộ môn nghệ thuật này nhàn nhã hơn việc lau nhà lẫn rửa bát.

 
Bài: Cu Trí

logo 

Thực hiện: depweb

04/04/2016, 10:42