Là một nhiếp ảnh gia Việt hiếm hoi được đào tạo bài bản ở nước ngoài, Harry Vũ thể hiện góc nhìn có chiều sâu về văn hóa – nghệ thuật nước Việt của thế hệ trẻ hiện đại thông qua các dự án nhiếp ảnh của mình.
Chào Harry Vũ! Con đường đến với nhiếp ảnh của Harry Vũ có gì đặc biệt?
Vào thời điểm tôi nhận ra mình hợp với cách diễn giải ngôn ngữ và nghệ thuật của mỹ thuật trong thời đại công nghệ số. Tôi nghĩ đến việc đi du học và ra sức thuyết phục gia đình. Ban đầu khi vừa qua Úc, tôi khá chới với nhưng rất vui vì được tiếp cận những gì mình thích. Trong lúc làm đề án tốt nghiệp thì mỗi sinh viên phải chọn 3 môn năng khiếu, tôi đã chọn 3 môn là nhiếp ảnh truyền thống, xử lí ảnh trong phòng tối và tư duy nhiếp ảnh. Và có lẽ đó là nhân duyên đầu tiên của tôi với nhiếp ảnh, khi tôi thật sự say mê vào việc chụp ảnh và xử lí ảnh trong phòng tối, nhiều đến mức kết quả của những môn học này đem lại một phần học bổng hấp dẫn để tôi có thể học thêm nhiếp ảnh một cách chính quy.
Anh mất bao lâu để “tái hòa nhập” với văn hóa và gầy dựng công việc tại Việt Nam?
Trong khi tôi đang làm quản lý cho một doanh nghiệp lớn ở Úc, tôi nhận ra ước mơ của mình với nhiếp ảnh vẫn chưa thành hiện thực. Tôi nghĩ ít nhất một lần thử với ước mơ của mình, bất luận có thành công hay thất bại. Tôi quyết định quay về Việt Nam để dùng chính ngôn ngữ nghệ thuật của mình làm nên những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Mục đích thứ nhất của tôi là muốn mọi người biết văn hoá là như một chất liệu tốt để khai thác. Văn hóa Việt Nam đâu chỉ gói gọn quanh những địa điểm du lịch. Văn hóa và nghệ thuật mà chúng ta đang có là từ các thế hệ đi trước gửi lại cho quê hương để lớp con cháu sau này thụ hưởng những tinh hoa quý giá này. Mục đích thứ hai hơi tham vọng là tôi muốn đồng nghiệp… “chê” các tác phẩm của tôi nhiều hơn để tạo động lực cho tôi làm tốt hơn nữa. Sau đó thì dịch bùng phát nên đành “ngủ đông”.
Vì sao anh chọn dấn thân vào chủ đề về văn hóa dân tộc, vốn là một địa hạt không mấy dễ dàng và rất nhiều thách thức?
Tôi có 3 vấn đề trăn trở bấy lâu: làm sao chúng ta – thế hệ trẻ lan tỏa văn hoá Việt đến những vùng đất xung quanh và xa hơn nữa, sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam ở thế kỉ 21 và khao khát được công nhận giá trị bản thân. Về văn hoá, tôi cảm nhận rõ nhiều điểm không đồng nhất. Đặc biệt, khi Internet du nhập quá nhanh đã khiến chúng ta chưa đủ thời gian nghiên cứu nền tảng đã phải học cái mới, và mọi thứ chồng chéo lên nhau. Tôi nghĩ Việt Nam trong mắt chúng ta đẹp hơn thế rất nhiều. Tôi muốn làm những việc nhỏ và lớn để hỗ trợ cả cộng đồng cùng phát triển một cách chỉn chu và lành mạnh.
Vậy anh đang gầy dựng một nền nhiếp ảnh mang chất Việt Nam ra sao?
Nghe có vẻ lớn lao nhưng đó thật sự là suy nghĩ trong đầu của tôi, và chắc chắn, một mình tôi không thể làm nổi. Nhưng nếu có sự chung tay, chắc chắn điều này sẽ thành hiện thực. Tôi nghĩ điều kiện đầu tiên đó là cần có một cộng đồng lành mạnh. Tôi muốn làm điều gì đó cho cộng đồng vì thích niềm vui được chia sẻ hơn là bản thân tự cảm thấy hài lòng. Tôi lấy giá trị chân thiện mỹ làm kim chỉ nam để làm nghề. Hy vọng trong tương lai gần, những gì tôi nghĩ trong đầu sẽ dần hiện ra một cách rõ ràng và hoàn thiện hơn đến khán giả.
Sự giao thoa giữa thiết kế và nhiếp ảnh, liệu đó có phải là thứ khiến phong cách chụp ảnh của anh thêm đặc biệt?
Tôi quan niệm một tấm hình phải “đủ” thông tin và thông điệp. Sau khi có “đủ” thì sẽ đến “đẹp”, điều khiến người ta dừng lại để xem, và đó là sợi dây liên kết tôi với mọi người qua hình ảnh. Và cuối cùng là phải “độc đáo”, đúng thuần phong mỹ tục. Tôi vẫn chưa đẩy nó ra giới hạn “độc đáo” nhưng từ hôm nay, tôi sẽ bắt đầu thể hiện điều đó vì tôi biết đã đến thời điểm tôi tìm được các cộng sự trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ mình.
Anh từng thừa nhận là người khó tính trên studio, cách để anh “dung hòa” với mẫu, giám đốc sáng tạo và cả các thành viên khác trong ekip ra sao?
Điều quan trọng tôi nghĩ là “điểm tiếp xúc”, đôi khi nhìn sản phẩm chưa chắc biết được quá trình người nghệ sĩ làm ra những thứ tuyệt vời này như thế nào, cũng như thông điệp chính xác họ muốn truyền tải qua cái “đẹp”. Do đó, tôi muốn trao đổi để hiểu nhau hơn và lắng nghe ý kiến của các đồng nghiệp và cộng sự để cho kết quả tốt nhất.
Đâu là dự án thử thách nhất mà anh từng đảm nhận?
Có lẽ là bộ ảnh sản xuất tập cuối của cuộc thi “Việt Nam Why not?”. Trong tập của tôi, có một thử thách là các đội chụp một poster đơn và một poster nhóm trên một chiếc thuyền xoay 360 độ. Các đội phải tự chọn góc và tạo dáng nhanh. Quá trình làm cực kì căng thẳng nhưng rất vui. Shoot hình thử thách ở chỗ là trong tích tắc mình phải chọn được góc chụp đẹp mà vẫn phải tôn vinh được nét đẹp của người phụ nữ Việt cũng như thiên nhiên Việt Nam chúng ta.
Những dự định sắp tới của anh sẽ là gì?
Riêng bản thân tôi đang muốn hoàn thiện “danh xưng” của mình – một nhiếp ảnh gia. Xa hơn một chút thì tôi muốn xây dựng một chuẩn mực, không chỉ của riêng bản thân, mà của chung ngành nhiếp ảnh Việt Nam để mình dựa trên đó bảo vệ những ý tưởng, bảo vệ chất xám của người Việt Nam trong ngành nhiếp ảnh, để có thể đi đúng và đi xa hơn ra khỏi phạm vi trong nước.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!