Và chuyến đi nghỉ này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời nhiếp ảnh gia trẻ tuổi khi anh cùng ekíp Tạp chí Đẹp thực hiện bộ hình “Ông già và Biển cả”; chính bộ hình đã cùng anh tham gia và vượt qua hơn 500 thí sinh trên toàn thế giới để nhận giải nhất của cuộc thi New Exposure do Tạp chí Vogue Mỹ cùng hãng Red và Bottega Veneta tổ chức. Tạp chí Đẹp đã có một buổi phỏng vấn độc quyền với nhiếp ảnh gia trẻ tuổi tài năng này.
– An Lê đến với cuộc thi New Exposure như thế nào?
– Cuộc thi này có hai vòng. Vòng đầu các thí sinh sẽ nộp những tác phẩm mình đã từng thực hiện từ trước và sẽ có 10 thí sinh được chọn vào vòng chung kết. Hai ngày trước khi vòng đầu tiên của cuộc thi New Exposure kết thúc, một người bạn đã giới thiệu thông tin này cho tôi và tôi đã gửi một số tác phẩm của mình để dự thi. Thông thường để tham gia các cuộc thi, thí sinh phải đóng một khoản phí ban đầu và tôi không thích những cuộc thi như thế. New Exposure thì khác, không mất phí tham gia nên tôi cứ gửi tác phẩm của mình thôi. Cuộc thi này hấp dẫn tôi vì nó hướng tới việc tìm kiếm những tài năng mới, tạo điều kiện để họ được thể hiện bản thân mình.
– Khi tham gia, An Lê có xác định rằng mình phải đạt giải nhất không?
– Lúc nghe nói về cuộc thi này và nộp bài dự thi vòng đầu tiên, tôi đang ở Việt Nam và không kỳ vọng mình sẽ chiến thắng. Tôi hoàn toàn quên bẵng đi việc mình đã nộp bài dự thi cho tới khi nhận thông báo mình được vào vòng chung kết 10 người. Vì cuộc thi này không giới hạn tuổi cao nhất nên tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người với kinh nghiệm dày dặn hơn mình tham gia, nghĩa là tính cạnh tranh của cuộc thi là rất lớn. Khi nhận được tin mình lọt vào vòng chung kết (phải thực hiện một bộ hình hoàn toàn mới với bộ camera Red Epic-X trong thời gian 5 ngày), tôi đã rất căng thẳng vì chưa bao giờ làm việc tại Việt Nam, tôi đã rất lo lắng không biết bộ hình này có thể thực hiện nổi hay không. Không có ê kíp làm việc cùng nên thực sự là tôi lo mất ăn mất ngủ. Nhưng tôi đã từng nói chuyện và làm việc với Hà Đỗ, Giám đốc Sáng tạo của tạp chí Đẹp, cô ấy cùng với ê kíp đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong suốt 5 ngày chuẩn bị và thực hiện bộ hình “Ông già và Biển cả” (The Sea).
An Lê đang chỉ đạo diễn xuất trong một shoot hình của “Ông già và Biển cả”
Những người thực hiện “Ông già và Biển cả”
– Bạn đã từng sử dụng thiết bị này trước đó chưa?
– Thực ra Red Epic-X là một thiết bị quay phim chứ không phải là thiết bị chụp ảnh và ít người dùng Red Epic-X để chụp ảnh. Ánh sáng sử dụng khi dùng máy Red Epic-X là ánh sáng liên tục chứ không phải đèn flash như máy chụp hình khác. Chính vì thế, để thực hiện được bộ hình này tôi đã phải lên trước ý tưởng về những cảnh khác nhau và dùng máy Red Epic-X để quay những đoạn phim từ 5-10 giây rồi lựa chọn ra những khung hình ưng ý nhất cho tác phẩm của mình.
– An Lê có thể kể đôi chút về công việc và quá trình học tập của mình ở bên Mỹ?
– Ở Mỹ, ngoài việc theo học bộ môn nhiếp ảnh tại trường Savannah College of Art and Design tôi cũng tranh thủ tham gia chụp một số bộ ảnh cho các tạp chí, đặc biệt là khi nghỉ hè. Tôi thích chụp ngoại cảnh hơn trong studio, ngay cả khi việc chụp ngoại cảnh ở Mỹ vô cùng khó khăn nhưng tôi không ngại những thử thách đó. Điều thuận lợi khi học tại một trường đào tạo nghệ thuật là tôi được tiếp xúc với những sinh viên theo học bộ môn khác như thiết kế thời trang, thiết kế sân khấu,… tôi rất thích cộng tác với họ và từ đó hình thành được ê kíp làm việc cùng nhau.
Trong thời gian tại New York (khoảng tám tháng) tôi cũng rất may mắn có được ê kíp của mình. Có những buổi chụp hình cần tới 15 người mẫu, và dĩ nhiên, một mình tôi không thể xoay xở được nếu như không có ê kíp của mình. Ở New York, tôi đã làm trợ lý tại studio của Steven Klein, sau đó làm việc tại bộ phận sản xuất của ban Art & Commerce. Đó là lúc tôi có cơ hội được tham gia vào các buổi chụp hình của một nhiếp ảnh gia lớn là Steven Meisel, được chứng kiến quá trình Steven Meisel thực hiện những bộ hình quảng cáo cho Prada, Balenciaga, Lanvin và Louis Vuitton trong chiến dịch quảng cáo Xuân Hè 2012 vừa qua. Bản thân tôi cũng từng “bị” làm mẫu cho Steven Meisel trong một bộ hình đăng trên tạp chí Vogue Italia số phát hành tháng một đầu năm nay. Đó là những kinh nghiệm tuyệt vời mà tôi không bao giờ quên được.
An Lê và ông Ivan Shaw – Giám đốc Hình ảnh Vogue Mỹ
– Khi học tại trường, bạn có được dạy về nhiếp ảnh thời trang (fashion photography) không?
– Không, tại trường dạy về nhiếp ảnh theo góc nhìn của một bộ môn nghệ thuật tạo hình (fine arts). Tôi rất thích kết hợp nhiều yếu tố với nhau và cách tôi đến với nhiếp ảnh thời trang thực ra là do bản thân tôi kết hợp giữa nhiếp ảnh, ngành học của tôi với thời trang, một trong rất nhiều niềm đam mê của tôi. Những bộ hình của tôi luôn mang nội dung với câu chuyện xuyên suốt cùng với những bối cảnh khác nhau. Tôi đam mê văn chương, điện ảnh và rất nhiều thứ khác nữa và tôi muốn thả sức tưởng tượng của mình thật bay bổng, đón nhận những nguồn cảm hứng mới.
– Vậy nhiếp ảnh có phải là cái đích cuối cùng của An Lê?
– Tôi hy vọng là không phải thế. Tôi còn trẻ và ấp ủ nhiều dự định nhưng tôi sẽ thực hiện từng thứ một. Hiện tại, tôi sẽ vẫn tập trung cho nhiếp ảnh thời trang còn sau này, biết đâu đấy tôi lại đứng tên thực hiện một số dự án phim nghệ thuật.
Thực hiện: Tuấn Anh