Một quan chức của Nhật nói với AFP ngày 12-3: “Đây là lần đầu tiên trên thế giới có thể lấy khí metan từ methane hydrate dưới lòng biển”.
Bộ Công nghiệp – thương mại – kinh tế Nhật cho biết nhóm nhà khoa học trên tàu khoan Chikyu đã lấy thành công khí đốt từ lớp methane hydrate nằm sâu 300m dưới lớp trầm tích ở đáy đại dương. Dùng một mũi khoan đặc biệt và phương pháp giải nén, đội khoa học đã biến methane hydrate ở bên dưới đáy biển thành khí metan và băng để đưa lên mặt đất.
Đội khoa học sẽ tiếp tục việc khai thác trong vòng 2 tuần tới và phân tích xem sẽ thu được lượng khí metan là bao nhiêu.
Trong thời gian 5 năm tới, Chính phủ Nhật hướng tới việc tìm ra kỹ thuật sản xuất “băng cháy” để đưa vào sử dụng thực tế.
Những nghiên cứu gần đây cho biết “băng cháy” không chỉ nằm dưới lớp đất băng vĩnh cửu mà còn có mặt ở dưới lớp trầm tích ở đáy biển. Một nghiên cứu của Nhật cho biết có khoảng 1,1 triệu tỉ m3 “băng cháy” dưới lớp trầm tích ngoài khơi nước này. Lượng “băng cháy” này đủ để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Nhật trong vòng 1 thập kỷ.
Nhiều quốc gia khác như Canada, Mỹ và Trung Quốc cũng đã tìm cách khai thác “băng cháy” dưới đáy đại dương nhưng Nhật là quốc gia đầu tiên thành công, nhờ vào sự đầu tư hàng trăm triệu USD từ đầu những năm 2000.
“Băng cháy” được hình thành từ các phân tử khí metan và nước. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc khai thác được “băng cháy” sẽ giúp Nhật – quốc gia vốn phải nhập khẩu phần lớn nguồn năng lượng – giải quyết được phần nào vấn đề năng lượng, nhất là các nhà máy điện hạt nhân của họ đã phải đóng cửa sau sự cố tại nhà máy Fukushima.