Đôi mắt với sắc ghi nghi hoặc chẳng có gì chung với bộ đồ thô màu mắm tôm nhạt rất an tĩnh ông đang mặc. Những cây đàn dân tộc bâng khuâng trong không gian của một phòng thu hiện đại. Những miếng ghép tưởng như không bao giờ khít đó lại ăn khớp với nhau dưới sự kết hợp của kỹ sư âm thanh Nguyễn Nhất Lý.
Nguyễn Nhất Lý sang Pháp khi cuộc sống bao cấp trong nước chưa đến những ngày ngột ngạt cuối cùng. Lúc đó, cuộc sống của nghệ sĩ biểu diễn còn là những ngày xin-cho dài. Họ trang điểm bằng phấn son nhà nước cấp với mùi nồng và hắc đặc trưng, đàn hát những bài ca hùng tráng, viết những tác phẩm ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng của văn học, sân khấu Xô Viết – người anh cả tốt bụng của các nước xã hội chủ nghĩa.
“Tôi đã không được chứng kiến những ngày tưng bừng của nghệ thuật thời đổi mới, thời của Lưu Quang Vũ”, tựa lưng vào chiếc ghế tre dài nâu bạc, ông nói. Đó là thời nghệ sĩ thấy dần, vỡ dần bài học về sức mạnh của một nền kinh tế tự chủ. Phe vé xuất hiện, điều tiết nhu cầu của những người muốn bán vé lấy tiền đong gạo và người muốn thưởng thức nghệ thuật.
Đó cũng là thời thị trường đóng dần dấu ấn của nó lên sáng tác của các nghệ sĩ. Đạo diễn với kiểu tóc đuôi ngựa Doãn Hoàng Giang khi đó chia sẻ, những đoạn hay nhất là những đoạn phe vé khen nhất. Khen vì hay, và khen vì khách chịu mở ví mua vé vì nó. Nghệ thuật của những ngày đổi mới vẫn là những câu chuyện giữ gìn phẩm giá, nhưng cũng là câu chuyện rằng nghệ sĩ cần phải được trả lương ổn hơn để có thể sống mà sáng tạo, mà toàn tâm toàn ý với nghề.
Giờ đây, khi Nhất Lý trở về quê, thị trường đã “át vía” nghệ thuật phần nào. Sân khấu cười nhiều suất diễn hơn chính kịch. Ca sĩ thị trường sống khỏe hơn những diva. Những đêm diễn nhạc kịch phần lớn phải có yếu tố nước ngoài hoặc chịu lỗ vốn mới chạy nổi. Còn nghệ thuật cổ truyền không thể có những buổi diễn thường xuyên. Thậm chí, có những đêm, nghệ sĩ hóa trang rồi lại tẩy đi vì quá ít khách xem nên phải hủy vé.
“Tôi không muốn nói chương trình nghệ thuật nào chán, chán ra sao, nhưng nhìn chung là chất lượng thấp. Và tôi không thể thỏa mãn với chất lượng ấy của chương trình, mức lương ấy của nghệ sĩ”, ông lộ rõ vẻ không hài lòng trong nhịp dồn dập của lời nói. Quan trọng hơn, ông không cam chịu…
Riêng một góc làng
Bây giờ Nhất Lý đã là một phần của đời sống văn nghệ nửa bao cấp nửa thị trường trong nước. Thực ra, ông còn ở ngay sát lằn ranh phân chia đời sống văn nghệ đó. Đứng từ bên tự do và thị trường, ông kéo những người có khả năng bước vào thị trường mà “chu du thiên hạ để học rùng mình”. Trong số những người từng ngấp nghé nay đã bước sang thế giới của thị trường nghệ thuật giá cao có nhóm nghệ sĩ xiếc đã tham gia vở xiếc “Làng tôi”.
Từ giã quần áo xiếc với kim sa óng ánh, với những nhịp trống dồn và âm nhạc minh họa phừng phừng qua loa chất lượng xấu, nhóm nghệ sĩ rơi tõm vào một thế giới màu sắc bình dị mà tinh tế hơn rất nhiều. “Có lẽ thẩm mỹ về trang phục biểu diễn của họ đã thay đổi nhiều”, họa sĩ Doãn Hoàng Kiên – một người cũng góp công góp sức với vở diễn bằng thiết kế mỹ thuật cho biết.
Trong “Làng tôi”, diễn viên mặc trang phục nâu sòng. Màu nâu trầm chứ không ngả đỏ phơi phới như phục trang của người nông thôn trên điện ảnh truyền hình. Họ không còn khoe ra những cơ, những múi mà với trang phục xiếc thường ai ai cũng nhìn thấy nữa. Cũng không còn những đạo cụ hoặc kim loại sáng lạnh hay viền xanh đỏ. Chỉ còn màu vàng nhạt của tre.
Và trong không gian vốn đã kiệm màu ấy, âm nhạc đương đại mang âm hưởng nhạc dân tộc – phần “đóng dấu ký tên Nhất Lý” nổi lên vô cùng day dứt. Ở những cao trào của một tiết mục nhỏ nhạc rộn rã nhưng không gợi kịch tính. Một hội làng đâu cần kịch tính như những vở diễn châu Âu. Xem vở diễn còn thấy được cách Nhất Lý cùng nhóm chuyên gia sáng tạo nghệ thuật Sân khấu Việt của ông đã Việt hóa xiếc như thế nào. Những phô diễn kỹ thuật được chuyển tải êm nhẹ như thể xiếc cũng là một phần của những niềm vui thường nhật.
Nhưng cũng chính điều đó khiến “Làng tôi” từng bị “phê” ít chất xiếc quá.
“Tôi nghĩ kỹ thuật xiếc không phải là điểm nhấn nổi trội của ‘Làng tôi’”, nghệ sĩ Nhất Lý nói. “Nếu chỉ cố tình phô diễn kỹ thuật, thi đấu kỹ thuật thì trên những sân khấu quốc tế, chúng ta khó mà cạnh tranh được với người ta. Ở đây, ‘Làng tôi’ bằng xiếc tre đã mở được một lối đi riêng và đã giúp cho nghệ thuật xiếc Việt được nâng giá”.
Lối đi riêng đó đã mở đường cho xiếc Việt đi khắp các nước châu Âu trong một hợp đồng dài tới ba năm mà vẫn có thể tiếp tục được gia hạn. Đương nhiên, cả giá vé lẫn tiền cho diễn viên đều cao.
Mở lối cho… Tiền
Trở về Việt Nam, Nhất Lý tham gia xây dựng nhiều chương trình. Âm nhạc có, xiếc có. Nhưng chúng có ba đặc điểm chung. Một là mới, hai là có ảnh hưởng của nhạc truyền thống. Điều cuối cùng – rất quan trọng – nó luôn ẵm được… tiền, dù nhiều dù ít. Những thử nghiệm nhạc dân tộc với Đỗ Bảo được giải thưởng. “Làng tôi” xuất ngoại nhiều lần, lương diễn viên lên tới hai ngàn đô la mỗi tháng.
“‘Làng tôi’ hoàn toàn có thể diễn trong nước”, nghệ sĩ chia sẻ về chương trình cho tới giờ vẫn chủ yếu đi Tây này. “Vở diễn chưa về chẳng qua là do chúng tôi muốn khi ở Việt Nam, chương trình cũng phải có chất lượng như tất cả những lần nó xuất hiện trên sân khấu nước ngoài. Nhưng làm đủ chất lượng ở Việt Nam lại rất khó”.
“Cái khó không chỉ bắt đầu từ nhà rạp, phương tiện âm thanh ánh sáng mà còn khó cả ở khán giả. Nó đâu phải chương trình mà người xem vừa xem vừa thoải mái oang oang nói chuyện điện thoại”.
“Và nó còn có cái khó nữa do ngộ nhận về việc nghệ sĩ là phải phục vụ nhân dân.
Cơ chế trước đây, nghệ sĩ phục vụ với giá vé thấp vì nhiệm vụ chính trị. Khi ‘Làng tôi’ sang Pháp, có người yêu cầu chúng tôi diễn miễn phí cho Việt Kiều. Tôi không chịu. Bắt nghệ sĩ phải phục vụ miễn phí là một thói quen xấu”.
“Hiện nay tôi đang tích cực tìm các đối tác để tổ chức biểu diễn ‘Làng tôi’ tại Việt Nam và tôi sẽ chỉ để cho họ khai thác chương trình một khi các nghệ sỹ được hứa trả thù lao xứng đáng. Còn giá vé thích hợp cho chương trình này ở Việt Nam ư, theo tôi sẽ rơi vào khoảng sáu trăm ngàn một vé. Tôi đang làm việc với các nhà đầu tư và khai thác tư nhân Việt Nam để ‘Làng tôi’ trở về trong một ngày gần nhất”.
“Tôi nghĩ rằng nếu ta đã dám mở cửa cho thị trường để có một nền kinh tế phát triển thì giờ cũng đã đến lúc ta nên dám mở cửa cho các hoạt động và tư duy sáng tạo nghệ thuật. Có thế mới dần dần có những tác phẩm tốt cho khán giả, mà khán giả nhờ tác phẩm tốt mới có trình độ thưởng thức tốt hơn”.
Đi tìm khuôn mặt riêng
Dưới góc độ sản phẩm của văn hóa nghệ thuật, “Làng tôi” là một thành công. Nhưng Nhất Lý chưa dừng ở đó. Phòng thu của ông sát hồ Tây giờ đang “ủ” những ý tưởng mới.
“Phòng thu của tôi có tên là Phù Sa. Tôi đặt tên thế bởi muốn các nghệ sĩ nhiều thế hệ, nhiều vùng miền, nhiều quốc gia, nhiều dân tộc về đây làm giàu cho mảnh đất này. Ngày hôm nay tôi tương đối hài lòng vì việc đó đang xảy ra. Nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ trong nhiều phong cách âm nhạc đã tới đây để cùng nhau trao đổi nghề và cùng nhau biểu diễn. Đó là cụ Kim Đức, anh Xuân Hoạch, chị Thanh Bình, anh Ngọc Đại, ca sỹ trẻ Lê Cát Trọng Lý, ca nương trẻ Phó Hà Mi, Nguyễn Khánh Linh, nghệ sỹ đàn môi Đức Minh, nhóm nhạc jazz Phù Sa và một vài nghệ sỹ nước ngoài.
Trong những buổi hòa nhạc của chương trình Luala Xuân Hè 2012, ban nhạc Phù Sa đã cho thấy cách các jazzman Việt Nam thuyết phục khán thính giả người Việt và du khách quốc tế như thế nào. “Cá nhân tôi, tôi tin rằng phong cách Việt trong jazz của họ sẽ gặt hái được nhiều thành công về nghệ thuật cũng như về doanh thu từ khán thính giả Việt Nam và quốc tế. Cũng chính những tài năng này mà chơi nhạc jazz giống hệt người phương Tây thì chắc họ sẽ chẳng thu nhận được mấy kết quả, cho dù họ chơi rất hay. Ban nhạc Phù Sa chúng tôi hy vọng giới thiệu được những âm hưởng đẹp của âm nhạc các dân tộc Việt bằng ngôn ngữ jazz và được đông đảo khán thính giả ủng hộ và chia sẻ”,
Về cái đích mình hướng tới ông nói, “Sẽ là những khuôn mặt riêng, những logo mới là các nghệ nhân”.
“Nhiều nghệ nhân cổ nhạc sống, thực hành văn hóa của họ nhưng họ chưa hề có sản phẩm riêng và chưa có thu nhập tốt. Không giống như các diva nhạc pop như Tùng Dương, Thanh Lam, Mỹ Linh… có bộ mặt và kiếm được nhiều tiền bằng các loại hình nghệ thuật đại chúng.”
Bài: Trinh Nguyễn
Ảnh: Passion/361Studios