Mỗi một hành trình cách ly đều để lại nhiều giá trị cuộc sống quý giá cũng như những trải nghiệm khó quên cho mỗi người trong cuộc. Bất chấp những quy định nghiêm khắc để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly, câu chuyện cách ly của nhiều người đã chứng tỏ một điều, quan trọng vẫn là giữ tinh thần luôn thư thái, suy nghĩ tích cực.
Trở về từ chuyến du lịch Phuket (Thái Lan), Miss Nhi (tên thật là Nguyễn Thị Kiều Mi) được yêu cầu thực hiện quá trình cách ly tập trung 14 ngày khi vừa hạ cánh trở về nước. Không quen với nếp sống tập thể, sinh hoạt chung với nhiều người, cô gái đang làm việc trong ngành làm đẹp cho biết: “Lúc đầu nhận giường, tôi giữ thái độ im lặng, chọn sống theo kiểu của mình vì không quen biết ai, không biết có làm ảnh hưởng đến ai không. Tôi tự hỏi những ngày này đến khi nào sẽ kết thúc“.
Sống tập thể còn ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng bởi không thể biết ai đang mang mầm bệnh trong người, vì vậy, tâm lý bất an ban đầu là hoàn toàn dễ hiểu. Vốn có cá tính mạnh mẽ và luôn suy nghĩ tích cực, Nhi đã sớm hòa nhập với cuộc sống mới, kết bạn, trò chuyện với nhiều bạn mới (và vẫn tuân thủ các quy định cách ly), tập nhảy, tập thể dục mỗi ngày, “bật nhạc vui vẻ với mọi người, mỗi ngày làm điều khác nhau cho thú vị, dần dần tình cảm tập thể đi lên, được các bác sĩ và bộ đội chăm sóc tận tình tôi cũng thấy an ủi“.
Mặc dù trong môi trường cách ly, Nhi vẫn duy trì những thói quen tốt hằng ngày. “Mỗi sáng, tôi tìm chỗ nào có thể tập thể dục được và thấy có một cái sân nhỏ cho mọi người. Tôi chạy 20 vòng, tập các bài squat. Tôi thường ở bên ngoài hoạt động cơ thể nhiều hơn ngồi trong phòng, sau đó chơi bida, bóng bàn, còn các môn thể thao tôi không biết chơi thì học, sau đó tập cho các em nhỏ nhảy, kể những câu chuyện hài và động viên mọi người nên tập thể thao nhiều hơn thay vì chăm chú vào chiếc điện thoại cùng những dòng tin tức dễ gây hoang mang“.
Đến với môi trường cách ly nhiều điều bỡ bỡ, điều kiện sinh hoạt hạn chế, nhưng nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ tình nguyện, những người thuộc diện cách ly cũng cảm thấy thoải mái, an ủi nhiều. “Thật ra người làm nhiệm vụ là người khổ hơn mình rất nhiều, họ phải tiếp xúc với nhiều người, mặc những bộ đồ bảo hộ rất nóng, hay cái kính mỗi lần thở làm mờ hết cả kính, nhưng họ vẫn làm rất tốt nhiệm vụ, chu đáo và tận tình“, Nhi cảm thấy trân trọng sự nỗ lực và tấm lòng của các “chiến sĩ thầm lặng” không quản ngày đêm chăm sóc những người thuộc diện cách ly.
Cuối lời, Nhi gửi lời động viên tinh thần những người thuộc diện cách ly cũng như lời khuyên vô cùng hữu ích. “Mọi người nên bỏ qua những đòi hỏi cá nhân cũng như buộc các chiến sĩ tình nguyện phải phục vụ như sinh hoạt như ở nhà. Hãy thực hiện việc cách ly như một nhiệm vụ, trách nhiệm đối với đất nước. Đi cách ly tốt hơn khi ở ngoài tự cách ly, vì mình kiểm soát được sức khỏe và bảo vệ cộng đồng cũng như bảo vệ chính mình. Hãy nghĩ mình được nhà nước quan tâm chăm sóc, không có tư tưởng đi cách ly như đi tù. Hãy đồng cảm và tự tạo cho mình niềm vui. Hãy hòa đồng và chia sẻ hoàn cảnh cùng nhau, không kì thị, không sống theo tính cách của mình mà quên những người xung quanh và đòi hỏi quá nhiều“.