Khi tôi còn đang nằm nướng trên sofa, “người bạn già” Valia đã lịch kịch trong bếp. Vừa “chào buổi sáng” xong là nàng rủ tôi uống trà, mỗi ngày nàng rủ cả chục lần. Mà uống trà kiểu Nga thì luôn đính kèm đủ loại bánh, kẹo, mứt, v.v… Thế nên trong nửa tháng sống ở làng Karpova cùng Valia, lượng đồ ngọt mà tôi nạp còn nhiều hơn 5 năm cộng lại!
Irina, con gái Valia cứ vài ngày lại từ thành phố về chuẩn bị khi thì nồi súp to, khi thì cả chảo gà rán. Ngày ngày “hai bạn già” chỉ việc lôi ra hâm nóng lên ăn. Cứ đến bữa ăn lại chạy ra vườn hái rau quả, rửa qua loa rồi ăn luôn nhưng vẫn ngon. Tôi thậm chí bị nghiện hành lá nhà trồng. Bữa nào không ăn vài cọng là cứ thấy thiếu. Còn một món cũng “gây nghiện” không kém là váng sữa. Trại bò sữa ngay gần nhà nên có thể ra đó mua thứ váng sữa vừa “ra lò” về dùng luôn. Thú thật là chưa có thứ sơn hào hải vị nào “mê hoặc” tôi hơn váng sữa làng Karpova!
Buổi sáng bọn tôi ra vườn thu hoạch rau củ, cắt cỏ, tưới cây, v.v… Valia làm gì tôi đòi làm nấy mặc cho nàng xua đuổi, mắng yêu tôi là “đồ hooligan”. Thỉnh thoảng chúng tôi vào rừng hái mâm xôi, lấy nước từ một mạch ngầm. Valia bảo nước này rất tốt cho sức khỏe, và chúng tôi cứ thế uống “tươi”, không cần nấu. Nước sinh hoạt thì guồng lên từ cái giếng cũ trong vườn. Phòng tắm của Valia cũng có tuổi đời trên 20 năm, được làm theo kiểu cổ với 3 lớp cửa, 1 lò đun củi. Muốn tắm phải xách nước từ giếng vào và đun lên. Nhưng tôi lại thấy may mắn vì đã kịp sử dụng trước khi nó “tuyệt chủng”.
Valia không có ý định xây nhà tắm kiểu mới. Nàng cũng chẳng thiết lên thành phố, chỉ thích quanh quẩn ở ngôi làng nhỏ xíu với vài chục nếp nhà. Xasa, anh con trai Valia tuy phải ra thành phố kiếm sống nhưng luôn mong được về Karpova nghỉ dưỡng. Anh thậm chí còn đang dựng cho mình một căn nhà gỗ ngay cạnh nhà mẹ.
Hàng xóm ở đây coi nhau như người nhà. Hàng rào giữa vườn nhà Valia và láng giềng có cánh cửa bỏ ngỏ. Cần rau quả gì họ có thể mở cửa qua hái trước rồi về nói với chủ nhà sau. Có cậu người làng “nát rượu” thi thoảng vẫn ghé nhà Valia lè nhè, nàng không những không đuổi mà còn vui vẻ mời ăn uống.
Theo nguyện vọng của tôi, Valia đã ngưng cắt cỏ ngoài sân để mặc chúng mọc lan man, nở đầy hoa. Chiều chiều, tôi thường ra đấy nằm hóng mát còn bà thì loanh quanh trong vườn, thi thoảng quẳng cho tôi một quả mọng tìm được dưới lùm cây. Cũng có lúc bọn tôi ngồi ăn kem, cùng kể chuyện “đời mình”, hoặc xem các album với nhiều bức ảnh đã ngả màu của Valia.
Ngày nào tôi cũng viết nhật ký bằng tiếng Nga rồi đưa cho Valia đọc, sửa lỗi. Nàng là “gia sư” tận tình nhất mà tôi từng biết. Ngược lại, tôi làm “đốc tờ” cho nàng – nhắc nàng uống thuốc đúng giờ, thi thoảng mát xa cho nàng nữa.
Karpova không có internet. Thứ duy nhất kết nối chúng tôi với bên ngoài là tivi. Nhưng tôi xem tivi thì ít mà thì ngắm Valia “phản biện” thì nhiều. Khi thì nàng phẫn nộ kêu lên: “Crưm là của chúng tôi, rõ chửa?” Khi nàng lại rơm rớm nước mắt: “Cô không phải là người mẹ, cô không có trái tim!”.
Trước khi chia tay, tôi rửa tặng Valia một bộ ảnh chụp Karpova. Valia thích lắm nhưng cứ băn khoăn vì chẳng có gì tặng lại. Tôi bèn nói rằng nàng đã tặng tôi quá nhiều – tặng sofa êm ru, tặng phòng tắm ấm sực, tặng khu vườn rực rỡ, tặng cả thái độ sống an nhiên. Và tôi sẽ cho bạn bè xem ảnh để họ tha hồ ghen tị với “bà cụ đáng yêu nhất Karpova” (chứ không phải “nghèo nhất” như nàng vẫn tự nhận).
Thế là bà cười phá lên và bảo cứ mời họ đến Karpova. Bà tuy nghèo (lương hưu chưa tới 3 triệu tiền Việt!) nhưng bà có 5 căn phòng với 11 cái giường sẵn sàng đón khách. Vì sao bà có nhiều giường thế ư? Bà phần cho con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, bạn bè, vân vân để bất kỳ ai về Karpova cũng sẽ có chỗ của mình.