Nhân viên thẳng tay “tẩn” sếp vì bị nợ lương

Than trời vì bị nợ lương

Chị H.Đ, làm tại một công ty truyền thông ở Cầu Giấy, Hà Nội, than thở: “Tôi bị cho nghỉ việc từ tháng 5/2012 nhưng công ty chưa thanh toán tiền lương 2 tháng (hơn 6 triệu đồng). Sau nhiều lần đến hỏi tôi được hẹn là Tết dương sẽ được thanh toán nhưng nay Tết âm đã cận kề vẫn chưa có tín hiệu gì”.

Chị Điệp cho biết thêm, vừa bị mất việc lại bị nợ lương nên cuộc sống của gia đình chị vô cùng khó khăn.

Tất cả chi phí sinh hoạt trong gia đình cho 2 vợ chồng và một con nhỏ từ tiền thuê nhà, ăn uống…đều trông chờ vào lương chồng. Còn vợ lại tiếp tục điệp khúc gọi điện đòi nợ lương và chờ qua Tết Nguyên Đán để đi nộp đơn xin việc.

Anh Lê Hà (Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Công ty đã nợ lương của chúng tôi từ tháng 8/2012. Chúng tôi đã hẹn nhau đến gặp Giám đốc để hỏi tiền lương nhưng giám đốc chỉ trả lời hú họa: “Lúc nào có tiền thì trả”.

Nhân viên S-Fone đòi nợ lương

Anh Phan H., kỹ sư xây dựng đang làm việc tại Thái Bình, cũng chia sẻ: “Công ty mình cũng nợ lương triền miên. Mình vừa cưới vợ nên có lý do để xin lấy lương đúng hạn chứ như nhiều anh em khác cũng chỉ nhận được câu thông cảm với tình hình của công ty”.

Trên một diễn đàn mạng, thành viên Foreverht cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự: “Mình nghỉ việc ở công ty cũ được 3 tháng và công ty còn nợ mình mấy triệu tiền lương. Nhưng khi mình đến đòi thì họ cứ hẹn lên hẹn xuống mà không chịu trả, bạn nào có cách nào đòi được lương tư vấn giúp mình”.

“Nhận được lương đúng hạn là tốt lắm rồi nói gì đến chuyện thưởng Tết”, là câu trả lời của rất nhiều người trong năm nay.

Trên VietNamNet, độc giả Anhvan42 cũng chia sẻ: “Công ty chúng tôi bây giờ còn chưa trả lương tới tháng 9/2012 chứ chẳng dám nghĩ tới thưởng Tết, chúng tôi thậm chí còn không có tiền về quê ăn Tết nên phải ở lại công trường”.

Muôn kiểu đòi nợ lương

Ngày Tết đã cận kề với nhiều khoản phải chi nên bị nợ lương được coi là nỗi ám ảnh lớn nhất của các nhân viên.

Anh Hoàng, nhân viên một công ty ở Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết: “Đi đòi lương mà như đi vay nợ, vừa thấy mặt mình lấp ló ngoài cửa là các bà hành chính lại “tua” ngay: Chưa có lương đâu”.

Đặc biệt, nhiều nhân viên văn phòng còn phản ánh: “Phổ biến nhất là chuyện tìm sếp hỏi lương thì sếp đổ cho kế toán, tìm kế toán thì lại bảo đi hỏi sếp, cuối cùng vừa mất thời gian mà tiền cũng không lấy được”.

Thậm chí, có trường hợp các công ty cũ đã cắt giảm hết nhân sự, khi người lao động gọi điện cho những kế toán cũ để hỏi lương nợ thì họ đã nghỉ việc còn kế toán mới thì không biết gì. Gọi cho giám đốc thì điện thoại ò í e…

Chị Hoài A. một nhân viên văn phòng lại cho biết: “Công ty làm ăn thua lỗ, đóng cửa, không có tiền trả lương cho nhân viên. Bọn mình chỉ có cách lấy sản phẩm, lấy đồ của công ty về rồi bán hoặc không thì để dùng. Cũng may mình lên mạng bán được ít đồ coi như bù vào tiền lương bị mất”.

Chị A. còn kể thêm: “Bạn mình cũng bị công ty quỵt tiền lương. Sau nhiều lần hẹn lên hẹn xuống mà giám đốc cứ lấy cớ bận, bạn mình đã nhờ thêm một lão mặt mày băm trợn đến ngồi chầu chực cả ngày ở công ty”.

Cuối cùng bạn chị A. cũng được trả 2/3 số lương bị nợ.

Một nhân viên khác lại có cách đòi nợ lương khá hữu hiệu, đó là chị này nhờ các em ở phòng kế toán khi nào có tiền về công ty thì báo.

“Cứ chờ lúc có tiền về là tớ điện đòi. Kiên trì, nhẫn nại…. tớ cũng đã đòi được tiền”.

Chị này còn chia sẻ thêm: “Tớ nghĩ là nên thiết lập quan hệ với phòng kế toán và những người có tiếng ở quanh sếp (nếu không dễ gần với sếp) để đề phòng những trường hợp như thế này”.

Nhân viên vác ghế “nện” sếp!

Không phải nhân viên nào cũng có thể cảm thông cho tình hình khó khăn của các công ty, nhiều người đã “mạnh tay” trong việc thúc giục lấy lương.

Họ đều cho rằng, rất thông cảm cho hoàn cảnh của công ty, nhưng đó là số tiền được bỏ ra từ mồ hôi công sức của họ và đặc biệt là thông cảm cho công ty khó khăn thì ai lo cho gia đình họ?

Gần đây nhất là trường hợp, trong lúc tranh cãi việc chậm trả lương theo hợp đồng, 2 nhân viên của một công ty trên đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cùng người nhà đã thẳng tay dùng ghế, gậy vụt thẳng vào người Giám đốc công ty.

Được biết, công ty này đã nợ lương gây bức xúc cho nhân viên. Vì vậy, chiều 23/1, 2 nhân viên của công ty và người nhà đã đến gặp lãnh đạo công ty để giải quyết.

Quá bức xúc, 3 người này đã dùng gậy nhôm và ghế đánh thẳng vào người giám đốc và 1 nhân viên khác trong công ty.

Trước đó, vào ngày 17/1/2013, 30 nhân viên cả cũ lẫn đang còn hợp đồng với S-Fone cũng đội mưa kéo đến chi nhánh SPT Hà Nội để gây áp lực yêu cầu lãnh đạo công ty phải trả nợ lương, bảo hiểm và các khoản trợ cấp cũng gây xôn xao dư luận.

Trong lúc người lao động đang bất bình với câu trả lời của lãnh đạo SPT, thì một nhân viên do quá bức xúc đã ngất xỉu.

 

Công nhân của công ty CP luyện cán thép Gia Sàng (Thái Nguyên) đình công vì không được trả lương đúng hạn 

Vào ngày 29/12/2012, do không được trả lương từ nhiều tháng nay, hàng loạt công nhân của công ty CP luyện cán thép Gia Sàng (Thái Nguyên) cũng đã đình công.

Doanh nghiệp này đã nợ lương công nhân từ nhiều tháng nay khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, cùng quẫn vì không có thu nhập.

Khi không đòi được lương, nhiều lao động đã phải đe dọa thuê luật sư kiện hoặc ăn chầu nằm chực ngay ở công ty, các công ty sợ mất uy tín với khách hàng nên cuối cùng một số lao động cũng đã được thanh toán phần nào tiền lương bị nợ.

Thậm chí, sau nhiều lần năn nỉ, ngọt nhạt mà vẫn không đòi được lương, chị H., một nhân viên ở quận Tây Hồ, Hà Nội, đã phải nhờ chồng giả vờ là “xã hội đen” nhắn tin đến số máy của giám đốc và kế toán để đe dọa.

Đồng thời chị H. cũng đã “bắn tin” đến đồng nghiệp cũ là đã thuê người đòi nợ và sẽ trích 50 % số tiền lương đòi được trả cho nhóm đòi nợ thuê.

“Mình chỉ dọa thế thôi chứ chả dám dính dáng gì đến đòi nợ thuê. Tết đến nơi rồi có mấy đồng lương cũng không được trả thì lấy gì tiêu Tết”, người phụ nữ này than thở.

Theo Vietnamnet

From the same category