Nhân sâm: “Tiên dược” của phái đẹp

Vô số câu chuyện giữ gìn nhan sắc làm đẹp, từ vóc dáng đến tóc da, từ làn hơi tới nét mặt đã theo thời gian lưu truyền tới tận ngày nay. Nhắc tới nhân sâm, dân gian không chỉ lưu truyền tác dụng tuyệt vời gần như có thể “cải tử hoàn sinh”, người ta còn tỉnh táo nhắc nhau câu chuyện cười “đau bụng uống nhân sâm … tắc tử”, … để thấy rằng nhân sâm rất tốt, nhưng phải biết cách sử dụng nếu không có thể dẫn tới cái chết. Và đương nhiên với những mỹ nữ quyền quý trong cung, nhân sâm ắt là một vị nhất thiết phải có trong kho y dược, mỹ phẩm của cung đình.

Hương thơm từ trong truyền thuyết

Có một truyền thuyết về nhân sâm như sau: “Thưở xưa, có một đền thờ được gọi là đền Vân Mộng trên ngọn núi Vân Mộng (nghĩa là giấc mộng của mây) ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Trong đền có một vị sư phụ và một đồ đệ. Sư phụ đối xử với đồ đệ rất tàn nhẫn khiến cho vị sư trẻ trở nên xanh xao, gầy yếu. Một ngày nọ, vị sư già rời khỏi đó và để đồ đệ làm việc một mình ở trong đền. Một đứa trẻ mặc yếm đỏ không rõ tung tích đã xuất hiện để giúp vị sư trẻ. Kể từ đó, bất cứ khi nào vị sư già rời đi, nó cũng đến và giúp vị sư trẻ làm việc. Cứ khi nào vị sư già trở về thì đứa trẻ lại biến mất.

Thời gian trôi qua, vị sư già nhận thấy đệ tử hồng hào, khoẻ mạnh và có thể hoàn thành mọi việc được giao. Vị sư già bối rối và nghĩ có cái gì đó thật là lạ. Ông ta gọi đồ đệ của mình đến và hỏi anh việc gì đang xảy ra. Vị sư trẻ miễn cưỡng kể cho ông ta nghe sự thật. Vị sư già nghĩ: “Rất ít người sinh sống trên núi, vậy đứa trẻ yếm đỏ từ đâu đến nhỉ? Nó chắc hẳn phải là cây thảo dược huyền thoại (nhân sâm)”. Ông ta bèn lấy một sợi chỉ màu đỏ sâu vào cây kim vào trao cho vị sư trẻ. Ông ta ra lệnh cho đồ đệ phải cắm cây kim vào chiếc yếm đỏ của đứa trẻ khi nó quay lại.

Ngày hôm sau vị sư già lại đi. Vị đồ đệ muốn kể cho đứa trẻ nghe chuyện gì đã xảy ra, nhưng anh ta quá sợ hãi không dám trái lời thầy. Cuối cùng anh ta cắm cây kim vào chiếc yếm đỏ của đứa trẻ khi nó vội vàng biến mất. Sáng sớm hôm sau, vị sư già nhốt đồ đệ vào trong đền rồi cầm cuốc lần theo sợi chỉ màu đỏ tìm đến một cây thong đỏ già. Nơi đó ông ta tìm thấy loài thảo mộc huyền thoại. Ông ta vô cùng sung sướng về khám phá của mình khi cuốc lên được một củ nhân sâm lớn mang hình dạng một đứa bé.

Vị sư già mang cây nhân sâm về ngôi đền và bỏ nó vào nồi nước. Sau đó, ông ta đè một cục đá lên nắp nồi, rồi gọi đồ đệ đến đun lửa nấu lên. Đúng lúc đó, ông ta lại phải rời khỏi ngôi đền vì nhận được lời mời gấp từ một người bạn mà ông ta không thể từ chối. Trước khi đi, ông ta nghiêm khắc dặn dò vị sư trẻ: “Ngươi không được mở nắp trước khi ta trở lại”. Sau khi vị sư già rời đi, chiếc nồi không ngừng toả ra hương thơm vô cùng quyến rũ. Vị đồ đệ hết sức tò mò. Anh ta bỏ ngoài tai lời dặn dò của sư phụ, gỡ cục đá xuống và mở nắp nồi. Hương thơm quyến rũ khiến anh ta không thể không bẻ một miếng ăn thử. Nó có rất nhiều nước và rất ngọt. Thế là, quên hết mọi chuyện trên đời, vị sư trẻ ăn hết củ nhân sâm và nước canh ấy. Vừa lúc đó vị sư già trở về. Vị đồ đệ quá lo sợ không biết phải làm sao bèn bỏ chạy về phía ngôi đền. Đột nhiên anh ta cảm thấy đôi chân của mình nhẹ bẫng, rồi bay lên trời. Khi vị sư già nhìn thấy cảnh tượng đó, ông ta biết rằng đồ đệ của mình ăn hết nhân sâm rồi …”

 

Từ truyền thuyết đi vào cấm cung

Với những mỹ nữ quyền quý trong cung mà chúng ta đã có dịp nhắc tới như Dương Quý Phi, Từ Hi Thái hậu, nhân sâm ắt là một vị nhất thiết phải có trong kho y dược mỹ phẩm của cung đình.

Mỗi sáng sớm, Dương Quý Phi dùng một ít canh sâm. Cách này các triều đại cung đình và các nhà giàu có thường dùng. Theo y án của cung đình thời Thanh ghi lại, mỗi buổi sáng sớm, Từ Hi Thái hậu đều ngậm một chỉ nhân sâm.

“Thần nông bản thảo kinh” liệt nhân sâm vào vị thuốc thượng phẩm, cho rằng nhân sâm có công năng bổ ngũ tạng, an tinh thần, sáng mắt, khai tâm ích trí. Hiện nay con người đã nghiên cứu và chứng minh rằng, nhân sâm có thể nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng để đối phó với các loại bệnh tật, tăng cường khả năng thích nghi với sự thay đổi thời tiết. Nhân sâm thường được dùng với lượng ít để làm khoẻ cơ thể.

Sách sử ghi lại rằng, hàng ngày khi vua Tự Quang đến vấn an Từ Hi Thái hậu đều phải kiểm tra lại xem nhân sâm có đủ dùng hay không, từ đó mà suy thì biết cung đình đời Thanh coi trọng việc dùng nhân sâm thế nào.

 

Dương Quý Phi có lệnh cho người đem trân châu, bạch ngọc, nhân sâm nghiền thành bột, trộn đều với bột sắn dây thượng hạng, ban đêm dùng thoa mặt, thành một lớp mặt nạ rồi rửa đi trước khi đi ngủ. Mặt nạ với bột thuốc hỗn hợp này không những có thể khử vàng, làm cho da dẻ tươi mịn, mềm mại và dồi dào sức đàn hồi, mà có thể hút các chất bụi bẩn trong lỗ chân lông và tế bào chết trên da, làm sạch và duy trì da dẻ trắng nõn.

Một nhân vật tiêu biểu nữa cũng coi nhân sâm là vị thuốc làm đẹp không thể thiếu, đó là Nhân Duệ Vương Hậu ở xứ Cao Ly. Truyền rằng vào năm 1052, thê tử của Văn Tông (1019 – 1046, trị vì 1046 – 1083) – Quốc vương thứ 11 của Cao Ly (Triều Tiên) là Nhân Duệ Vương Hậu (In – ye Wanghu). Nàng là con gái trưởng của Thượng thư Bộ Lễ Lý Tử Uyên (Yi Jayoen). Ngày được tuyển làm vương hậu, nàng không khỏi lo lắng bất an trước việc làm quen từ đầu với các phép tắc luật lệ trong cung, khiến cho nàng mất ngủ, nước da trắng tinh như ngọc trở nên xanh tái. Vì quá căng thẳng và áp lực mà da mặt nàng mọc mụn, để lại những vết nám, sẹo. Tình trạng này khiến cho Bình Kính Đại Phi rất lo lắng tìm cách để Nhậm Duệ khoan tâm, bèn dùng bí thuật chế ra phương thuốc cấp cứu làn da đem đến vương thất cho nàng, đó là một lọ cao bảo vệ da. Đương nhiên thành phần công hiệu nhất trong đó chính là nhân sâm Cao Ly.

Giải mật bí thuật đẹp da nhờ nhân sâm

Công hiệu làm đẹp da của nhân sâm từ lâu đã được giới học thuật uy tín khẳng định, trong nhân sâm có thành phần rất công hiệu là saponin. Saponin là một glicozit tự nhiên thường gặp trong nhiều loại thực vật, chính thành phần này làm nên giá trị của nhân sâm. Sâm càng có nhiều thành phần này thì càng tốt vì vậy, dù có nhiều nước trên thế giới trồng sâm nhưng sâm của Hàn Quốc và Triều Tiên được đánh giá là tốt nhất. Trong sâm tươi có khoảng 10 thành phần saponin nhưng sau khi qua các công đoạn sấy khô thành hồng sâm và bạch sâm, nhân sâm Hàn Quốc có thể tới 35 thành phần saponin.

Nhân sâm được xếp vào loại đầu tiên trong 4 loại dược liệu quý của Đông y, đó là sâm, nhung, quế, phụ. Nhâm sâm có tên khoa học là “Panax Ginseng C.A.Mey.”, họ nhân sâm “Araliaceae”, họ “ngũ gia bì”. Trên thực tế do cách chế biến khác nhau, người ta có được các sản phẩm chế của nhân sâm khác nhau, như hồng sâm, bạch sâm, đại lực sâm …

Nhân sâm được đông y ghi vào loại “thượng phẩm”, nghĩa là có tác dụng tốt mà không gây ra độc tính, được ghi vào đầu vị của dòng “bổ khí” với những công năng tuyệt vời: đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí … Người lớn, có thể dùng riêng, ngày 6 – 8g, dưới dạng thuốc hãm, thuốc sắc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác: nhân sâm 8g, bạch truật, bạch linh, cam thảo, mỗi vị 4 – 6g, ngày một thang, uống liền 2 đến 3 tuần lễ. Cũng có thể sử dụng dưới dạng rượu sâm (40g sâm, thái lát mỏng ngâm trong một lít rượu trắng 30 – 35 độ trong 3 – 4 tuần là có thể dùng được. Tiếp tục ngâm lần 2 với 0,5 lít rượu trong 2 – 3 tuần lễ nữa). Ngày có thể dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 30 – 50ml. Uống trước các bữa ăn, hoặc vào các buổi tối. Với trẻ em gầy còm, chậm lớn, yếu mệt, biếng ăn, có thể dùng với lượng nhỏ hơn, 2-4g/ ngày, dưới dạng thuốc hãm.

Tuy nhiên, khi sử dụng nhân sâm cần có những lưu ý đặc biệt, nhất là với núm rễ của của sâm (còn gọi là lô sâm). Để giữ được các hoạt chất khi chế biến và để tạo dáng cho sâm (giống như cái đầu người), người ta đã giữ nó lại. Lô sâm, không có tác dụng bổ mà còn gây ra cảm giác buồn nôn. Do đó cần cắt bỏ đi, trước khi sử dụng. Người có các triệu chứng đau bụng thuộc “thể hàn”, đau bụng “tiết tả”, tức đau bụng đi ngoài, đầy bụng, trướng bụng …, nếu dùng nhân sâm sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, những người cao huyết áp cũng không nên dùng nhân sâm, những người hay mất ngủ tránh dùng nhân sâm vào buổi chiều và buổi tối. Lúc uống nhân sâm không nên uống trà và ăn củ cải.

Đông Nhan (theo Đang yêu)


From the same category