Nhan sắc, trí tuệ hay giàu có?

Trong tản văn “Rãnh ngực và tiệc đêm” (được lấy làm tiêu đề cho tập sách mới nhất của Trang Hạ), có đoạn như sau: “Không phải bỗng dưng phụ nữ thèm muốn điên cuồng phát huy cái sức hấp dẫn chết người của giới tính nữ tới thế. Ai mà chẳng biết phụ nữ sinh ra chỉ cần đẹp là nàng đã đỡ khốn đốn vất vả, và đỡ gian nan lập thân gấp đôi phụ nữ xấu. Có người nói, đàn bà chỉ cần đẹp đã được coi là thành đạt. Nên giữa trí tuệ sâu sắc và rãnh ngực sâu của một nhan sắc đẹp đẽ, nhiều người chọn rãnh ngực chứ không chọn trí tuệ thông minh. Người phụ nữ thông minh thì sẽ trả lời uyển chuyển hơn: Tôi chọn nhan sắc chứ không chọn trí tuệ, bởi tôi chọn thứ tôi thiếu. Nhưng tựu trung, vẫn là chọn cái Đẹp, dù họ là ai”.

Tôi vốn ghét phải trả lời các câu hỏi mang tính lựa chọn, đặc biệt là trong những trường hợp ta không có khả năng lựa chọn. Xinh đẹp hay trí tuệ, hay giàu có thì trời sinh ra thế. Trời cho thứ gì xài thứ nấy chứ chọn sao được bây giờ. Đâu phải giống như vào hàng phở sáng mà hỏi chọn phở bò hay phở gà. (Nếu tôi ở vị trí những cô bé thí sinh 18 tuổi đang bị hàng dài ban giám khảo tra tấn sau khi vừa trình diễn xong bikini, thế nào tôi cũng sẽ trả lời như thế. Hoặc chí ít cũng thực thà rằng “Em chọn nhan sắc vì có nhan sắc em mới được đứng đây để trả lời câu hỏi của ban giám khảo”. Cuộc sống đôi khi rất buồn cười. Có những điều hiển nhiên mà nếu nói thật với nhau thì không sao, nhưng nói thật trên sân khấu thì thế nào hôm sau cũng được xuất hiện trên khắp các mặt báo, từ chính thống cho đến lá cải).

Mọi phạm trù trong cuộc sống đều có tính hai mặt. Dù bạn có thiếu thứ gì thì cũng vẫn có lắm cái lợi. Tỉ dụ như bạn rất thông minh, nếu chẳng may bạn hơi đẹp tí, chỉ cần hơi đẹp tí thôi, vậy là bạn đã trở thành hiện tượng. Có bận tôi đọc báo, thấy một cái tít giật gân “Một nữ tiến sĩ xinh đẹp như J.Lo làm đảo điên cánh mày râu Mỹ”. Là bài báo này viết về nữ tiến sĩ Melissa Fredham, 34 tuổi, một nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ NASA, ba lần được bầu chọn là nhà khoa học xuất sắc nhất Hoa Kỳ.

Tôi ngắm kỹ bức ảnh của Melissa thì thấy cô cũng đèm đẹp, nhưng sao nước Mỹ có hàng vạn cô gái có số đo chuẩn hơn nữ tiến sĩ Melissa, khuôn mặt kiều diễm và gợi cảm hơn rất nhiều thì chả thấy ai ỏ ê, thậm chí có xuất hiện trên những pano quảng cáo lớn ở giữa ngã tư đường thì cũng chẳng ai thèm liếc nhìn. Trong khi người được đặt biệt danh “J.Lo của những người đàn ông thông minh” thì cứ mỗi lần bước chân vào phòng họp lại được tất cả các đấng mày râu đứng ngây ra nhìn (là trong bài báo miêu tả thế). Bà Yulia Tymoshenko, nữ thủ tướng Ukraine, và Hillary Clinton cũng gây ra sự ngạc nhiên không kém. Mặc dù tôi không nghĩ họ thực sự là những người phụ nữ đẹp theo quan niệm của các trang tạp chí dành cho phái đẹp hàng đầu thế giới.

Lại nữa nhé, nếu bạn cực kỳ xinh đẹp mà chẳng may hơi thông minh tí thôi thì thế nào cũng được ngợi ca hết lời. Tôi từng đọc một mẩu báo có đưa tin giật gân rằng theo một điều tra mới nhất, người ta đã khẳng định được rằng ngôi sao quá cố Marilyn Monroe, quả bom tình dục của nước Mỹ, thời còn trẻ đã từng… đọc sách. Đấy, bạn có đọc cả thư viện cũng chẳng ai quan tâm đâu, nhưng một người đẹp lừng danh đọc sách thì được đưa tin trang trọng trên trang nhất của những tờ báo hàng đầu.

Người đẹp đọc sách đã thế, người đẹp viết hẳn được một cuốn sách, hoặc vài mẩu chuyện thôi, thì còn khủng khiếp hơn. Thi thoảng vẫn thấy báo chí thi nhau đưa tin cô ca sĩ này, cô người đẹp kia viết văn, làm thơ. Trong khi hàng năm các nhà xuất bản in không biết bao nhiêu vạn cuốn sách của các tác giả thì chẳng mấy nhà báo muốn ỏ ê.

Tất nhiên, trong đời thực cũng có nhiều người chả cần phải chọn cái gì sất, vì trời cho họ cả ba thứ. Nhắc đến Marilyn Monroe, người mà hồi tôi còn nhỏ, đã bỏ công sưu tập không biết bao nhiêu ảnh của nàng, bất chấp việc nàng có bao giờ đọc sách hay không, thì không thể không nhắc đến hai người đàn bà tài sắc (hoặc có cả ba thứ) có liên quan đến tổn thương bị gây ra bởi quả bom tình dục M.M. Tất nhiên là Yves Montand “tình giả hóa thật”. “Let’s make love” thành ra cũng thực hiện thật. Simone là một người phụ nữ rất thông minh. Điều này chẳng cần căn cứ vào các giải thưởng lúc lỉu nàng mang về cho nước Pháp mà chỉ cần nghe câu trả lời của nàng khi báo chí cứ châu vào phỏng vấn Simone sau khi câu chuyện Marilyn và Yves Montand vỡ lở: “Si, Marilyn est amoureuse de mon mari, cela prouve qu’elle a bon gout” – “Đúng, Marilyn là người tình của chồng tôi. Điều này chứng tỏ gu của cô ta cũng được đấy”.

 

Có một bộ phim mang tên “My week with Marilyn” vừa được công chiếu cuối năm 2011, kể về mối quan hệ của Marilyn và Simone trong thời điểm này. Simone luôn là người ứng xử thông minh và khôn ngoan trước báo giới trong khi có lẽ lòng nàng đau như cắt. Và sau khi Marilyn ra đi trong một cái chết bí ẩn (không rõ là do ám sát hay tự sát), giữ lại khuôn mặt xinh đẹp và thanh xuân vĩnh viễn, Simone đã viết trong cuốn hồi ký: Cô ấy đã ra đi, mà không hề biết rằng tôi luôn đeo chiếc khăn quàng lụa màu rượu sâm panh mà cô ấy từng cho tôi mượn. Giờ nó hơi bị sờn một tí, nhưng khi quàng, nếu tôi khéo gấp thì vết sờn sẽ không lộ ra”.

Còn đối với đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, thì cũng có vô số giai thoại. Không như Marilyn và Simone, xuất thân từ một gia đình công dân hạng ba và công dân hạng hai, Jacqueline xuất thân từ tầng lớp thượng lưu, là con gái một chủ tịch ngân hàng, được học cưỡi ngựa từ nhỏ và có nhiều bằng đại học. Nếu như Marilyn có một vẻ đẹp gây sốc, vừa ngây thơ vừa gợi tình, Simone đẹp một cách sắc sảo và quyến rũ thì Jacqueline tinh tế, thanh lịch và sang trọng. Tuy nhiên, ông chồng tổng thống của nàng vẫn rơi vào tay Marilyn.

Có một câu chuyện rằng khi Marilyn gọi điện đến Nhà Trắng và Jacqueline nhấc máy, nàng nói với tình địch rằng: “Cô muốn trở thành người tình của chồng tôi. Được thôi, vậy thì cô hãy bỏ cái trò đóng phim vớ vẩn ấy đi”, đấy là ý coi thường nghề nghiệp của Marilyn. Sở hữu cả nhan sắc, trí tuệ, sự giàu có và quyền lực bậc nhất, nhưng Jacqueline là một phụ nữ bất hạnh. Chỉ ít lâu sau khi nhậm chức, tổng thống Kennedy đã bị ám sát với một viên đạn vào đầu. Sau đó, con trai Jacqueline cũng bị chết thảm trong một lần tự lái máy bay trên biển. Sau đó ít lâu, ông chồng thứ hai là tỷ phú Onassis cũng qua đời, để lại cho Jacqueline kho tài sản kếch xù. Nhưng suốt cả cuộc đời, Jacqueline lúc nào cũng lo bị ám sát sau khi em chồng là Robert F. Kennedy cũng bị ám sát nốt.

Giờ thì tất cả những nhân vật liên quan đến Marilyn cũng đều đã trở thành người thiên cổ. Nếu như ông Trời cho một người nào đó cả ba thứ, thì lại lấy đi của họ thứ khác để bù lại. Cứ mỗi bận thấy có ai gặp may điều gì, mẹ tôi lại hay bảo “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ” hoặc “Ngu si hưởng thái bình”. Âu cũng là triết lý đúng vậy. Bạn không giàu có thì bạn không lo mất trộm. Không có nhiều thứ để mất, ắt sẽ sống an lành.

Bài: Di Li

 


From the same category