Nhẫn ở đàn bà - Tạp chí Đẹp

Nhẫn ở đàn bà

Sống
Ở những thời đạo đức thì hao hụt, tiền bạc thì lên ngôi, đa phần phụ nữ vẫn thường hiểu nhẫn chỉ là một thứ trang sức đắt tiền được đeo ở ngón tay đàn ông lẫn đàn bà. Thật ra ở đời thực, thỉnh thoảng nhẫn cũng được đeo ở ngón chân, nếu đấy là một ca sĩ showbiz mơ hồ giới tính đang cố nổi, hoặc bọn “tin tin” nữ đang tập tọng sành điệu. Nói chung so với đàn ông, đàn bà đeo nhẫn dường như nhiều hơn, có lẽ do bọn họ ít tính lăng nhăng và không phải làm những công việc tay chân nặng.

Về chất liệu và kiểu dáng của nhẫn thì muôn hình vạn trạng. Dân có tiền thì là kim cương là hồng ngọc là vàng bốn số 9, thậm chí có đứa trọc phú còn đục lỗ cả cục ra để nùng nục đút ngón tay vào. Bọn dân chơi không sợ mưa rơi thì cầu kỳ độc đáo linh tinh dùng đủ loại, hoặc gỗ hoặc nhựa hoặc bạc trắng, cái chính là không đụng hàng.

Đàn ông đeo nhẫn, ngoại trừ một số người chân thành chứng tỏ đang sở hữu một trong trắng hôn nhân, thì tới quá nửa là dịu dàng khoe của. Cách đây chưa lâu, báo chí chính thống trên mạng ồn ào xót xa chuyện một nam danh ca sơ xuất mất cặp nhẫn giá trị 4 tỷ, tương đương gần ngàn con trâu. hình như kể từ đấy, ngay cả lúc hát những bài có “cát xê” cao vút, anh này cũng hiếm hoi vung tay.

Nhẫn ở đàn bà lại khác hẳn, nó thường là kỷ niệm từ một tình cảm của khách quan hoặc là một đầu tư mang đậm sở thích của chủ quan. Gần giống như câu nửa đúng nửa sai “văn tức là người” hay được đám viết lách nồng nặc đạo đức thường xuyên nhắc, thì có vẻ hình thức một chiếc nhẫn cũng phản ánh một nét rất âm tính của người đeo. Ai nông nổi nhạt nhẽo thì nhẫn rắc rối nhiều màu diêm dúa mặt hình vuông, ai cong queo giả dối thì nhẫn trơn tru phẳng phiu hình tròn. Thiếu phụ ngoại tình thường thích đeo nhẫn hình trái tim, nó thiết tha phù hợp với vẻ ngoài giả vờ đoan trang chung thủy. Thiếu nữ đang ngong ngóng săn tìm đại gia thì nồng nàn đeo nhẫn mang hình dây leo, ngấm ngầm đưa thông điệp dựa dẫm. Đại loại, nhẫn là một thứ y phục tương xứng với từng giới hạn “kỳ đức” của từng loại kỳ lạ đàn bà.
 
Bất cứ một thiếu nữ nào khi đã nhận nhẫn từ tay một chàng trai (trừ những đứa thô bạo vồ lấy) thì cũng đều thiêng liêng xác tín là mình đã nhận lời yêu bằng tất cả sự trinh bạch. Bởi thế, đàn bà đeo nhẫn đẹp nhất là nhẫn đính hôn, vì nó vừa trong veo một sự chín tới của ái tình vừa chưa có sự dung tục tha hóa hôn nhân của nhẫn cưới.

Xuất xứ của nhẫn cưới thì cũng có nhiều thuyết và thuyết phảng phất đáng tin nhất bắt nguồn từ chuyện thần Prômêtê bị xiềng. Do lấy trộm lửa mang xuống trần thế cho con người, ông này bị “sếp” xích những ngón tay vào vách đá bằng những vòng sắt nhỏ. ngày ngày có một lũ chim mỏ nhọn hung tợn đến rỉa thịt. Vì là thần nên mỗi sáng ra chỗ thịt bị rỉa đấy lại lành. Nhiều đàn ông bất hạnh vớ phải vợ trắc nết “quạ mổ” (chữ của “phôn cờ lo” Việt) thì thấy mình sao mà giống cái ông “mê tê” kia quá, họ coi cái vòng kim loại đấy là khởi nguồn của nhẫn cưới. Tim gan bị thủng hoác, nhưng con thì nhỏ bố mẹ thì già nên đành nuốt lệ cắn răng mà làm thần.

Chính vì hôn nhân rủi ro như thế nên không phải ngẫu nhiên mà cha xứ trước khi trao nhẫn cưới cho đôi uyên ương ở nhà thờ thường để cặp nhẫn chồng lên nhau. Nếu để chúng nằm cạnh nhau, đương nhiên sẽ hao hao giống hệt chiếc còng số 8. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phép phân ly”, cô dâu vừa hớn hở nghe cha xứ nói vừa gian giảo liếc cặp nhẫn. Chao ôi, khi yêu thì ai mà chẳng mù quáng mê say, chỉ cần bọn chú rể có đôi chút tinh ý và thông minh thì chắc chắn rất ít chú dám phiêu lưu đút ngón tay vào nhẫn.

Tuy nhiên, ngoài những khái niệm “vật thể” như đã nêu, nhẫn còn một nội hàm “phi vật thể” rất khác. Theo từ điển hán Việt của cụ Đào Duy Anh thì “nhẫn” là “lòng không nỡ”, là “nhường nhịn”, một sự từ tâm cao thượng mà vô số gia đình ngày nay đang thiếu. Kẻ viết bài này cũng đã hơn một lần dựa vào đó nông nổi giải thích. “Chữ nhẫn chiết tự ra thì có cái đao đang đâm vào cái tim. Cái tim chắc là đau lắm nhưng vẫn nhăn nhở cười. Vui một cách thảm thiết mang tính định hướng như thế thì gọi là nhẫn” (“Nhà văn thì chơi với ai” – NXB Hội nhà văn, trang 47).

Những cụ đồ tử tế ngày xưa vốn ghét sự bất nhẫn, thường khuyên đám con gái sắp về nhà chồng là “nhẫn nhục phụ trọng”. Vẫn cụ Đào lý giải “người hay chịu được nhục thì mới có thể gánh vác được việc nặng”. Theo học giả Phan Kế Bính thì đàn bà “có thao lược gánh vác cửa nhà, có can đảm mở mang buôn bán” là đang làm việc nặng. Còn “biết giúp chồng trở nên người vẻ vang, biết dạy con nên người tử tế” thì chính là việc cực nặng. Có phải thế chăng mà ở những gia đình sung túc vui tươi đầm ấm hạnh phúc, thì những người mẹ tần tảo hoặc những người vợ thảo hiền đều luôn đeo nhẫn.

Nguyễn Việt Hà

Thực hiện: depweb

07/09/2011, 13:12