Đây là kết quả nghiên cứu được công bố ngày 2/7 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences của Mỹ.
Hệ miễn dịch của con người khi còn trẻ được tăng cường ở mức cao nhất, nhưng đến một độ tuổi nhất định sẽ giảm đi và khi đó cơ thể chúng ta sẽ khó chống lại những bệnh nhiễm trùng mới.
Nhằm tìm cách “trẻ hóa” hệ miễn dịch của người lớn tuổi, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm tiêm virus cytomegalo (CMV). Loại virus này ảnh hưởng đến hơn 50% dân số và chủ yếu mắc phải từ khi còn trẻ.
Do chưa có phương pháp điều trị, người bệnh sẽ mang theo loại virus này suốt đời dù không có triệu chứng.
Các nhà khoa học tưởng rằng loại virus này sẽ khiến những con chuột dễ bị nhiễm bệnh khác hơn vì hệ miễn dịch của chúng phải hoạt động liên tục để chống lại CMV.
Trái lại, những con chuột già mang CMV trong cơ thể lại chứng tỏ khả năng chống vi khuẩn hình que (listeria) không kém so với những con chuột già không nhiễm CMV.
Sau đó, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu các tế bào T (các tiểu quần thể giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm) của những con chuột này, và phát hiện những nhóm chuột già hơn có nguồn tế bào T đa dạng hơn. Cơ thể càng có nhiều loại tế bào T, càng có nhiều khả năng chống lại các bệnh truyền nhiễm hơn.
Nghiên cứu mới cho thấy các tế bào T ở những con chuột già có độ đa dạng gần như tương tự những con chuột con.
Trong nhiều năm qua, nhiều nhà khoa học tưởng rằng độ đa dạng của tế bào T giảm khi con người già đi, một trong những lý do mà người lớn tuổi hơn thường dễ mắc bệnh hơn.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu phát triển một loại vắcxin có thể giúp tạo ra khả năng phản ứng miễn dịch tốt ở những người lớn tuổi cũng như bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh truyền nhiễm.