Nhận diện và xử lý ngộ độc

Cách đây không lâu, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM tiếp nhận một ca ngộ độc rượu methanol. Bệnh nhân T.V.Q (46 tuổi, Q10) trước đó đã uống nhiều rượu, rơi vào trạng thái ngủ li bì nhưng gia đình tưởng chỉ bị say rượu như bình thường. Khi được đến bệnh viện, bệnh nhân đã bị mù mắt, tổn hại nghiêm trọng các cơ quan khác trong cơ thể. Theo BS. Phan Văn Ngọc, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, ngoài ngộ độc rượu, bệnh viện còn tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc khác. Dưới đây là một số hình thức thường gặp:

 

Ngộ độc thức ăn

Dạng ngộ độc này xảy ra khi ăn phải thức ăn nhiễm độc tố, vi khuẩn do bảo quản không hợp vệ sinh, ăn thức ăn để quá lâu…

Dấu hiệu: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Cách xử lý: Lập tức ngưng tiếp xúc với thực phẩm nhiễm độc, tiêu hủy chúng để người khác không ăn phải. Nếu bệnh nhân có phản ứng nôn tự nhiên, đặt bệnh nhân nằm nghiêng, sau khi nôn nên cho súc miệng bằng nước khoáng hoặc nước đun sôi để nguội. Sau đó cho uống Oresol từng ngụm nhỏ tùy theo nhu cầu để bù nước, bù chất điện giải đã mất. Lưu ý là không tự ý gây nôn vì có thể thức ăn sẽ bị sặc vào đường hô hấp, gây ngạt thở. Trường hợp nặng nên đưa đến bệnh viện.

Ngộ độc thuốc

Thường gặp nhất là ngộ độc paracetamol. Có thể do người già uống nhầm hoặc do người lớn để thuốc trong tầm với của trẻ và trẻ uống phải.

Dấu hiệu: Mệt mỏi, lờ đờ, khó thở, nôn…

Cách xử lý: Khi nghi ngờ, phát hiện người nhà uống thuốc quá liều, cần lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiến hành súc ruột. Không nên tự xử lý ở nhà.

 

Ngộ độc khí CO

Đây là dạng khí sinh ra khi đốt than trong phòng kín hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá, khí gas.

Dấu hiệu: Tím tái môi hoặc đầu các chi, khó thở, đau đầu, thay đổi tình trạng thị giác.

Cách xử lý: Đưa bệnh nhân ra khỏi không gian nhiễm độc, để nằm nghỉ ở môi trường thông thoáng. Nếu không có dấu hiệu thay đổi tích cực, nên đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngộ độc hóa chất gia dụng

Đó có thể là nước rửa chén, xà phòng, sữa tắm, chất tẩy rửa bồn cầu, nước rửa kính, thuốc tẩy… do trẻ em vô tình uống phải.

Dấu hiệu: Lở loét môi, miệng, đau rát họng…

Cách xử lý: Nếu bệnh nhân cảm thấy đau rát có thể cho uống nước lạnh, lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Mang theo sản phẩm hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc để bác sĩ có hướng xử lý phù hợp. Tuyệt đối không được gây nôn bởi hóa chất gia dụng có tính axit và kiềm hóa cao, dễ gây bào mòn niêm mạc họng, mũi.

Ngộ độc rượu

Hai dạng thường gặp là ngộ độc methanol và ethanol. Trong rượu bình thường đều có chứa ethanol, tuy được phép dùng để pha chế nước giải khát nhưng bản thân ethanol là chất có thể gây độc. Methanol nguy hiểm hơn, có thể dẫn đến tử vong, vì là một chất cồn công nghiệp.

Dấu hiệu: Rối loạn tâm thần, khó thở, đau đầu.

Cách xử lý: Tuyệt đối không để bệnh nhân tiếp tục uống rượu. Hãy cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu, nhất là trong trường hợp nặng, bệnh nhân có biểu hiện co giật, thở không đều, chảy máu ngả tai, mắt, loạn nhịp tim.

Theo Thế giới gia đình

From the same category