À đừng hỏi vì sao mình phải chờ người khác mở cửa văn phòng, mình mới vào được bàn làm việc của mình. Mình không có bất kỳ một chiếc chìa khóa văn phòng hay nhà, hoặc tủ áo, két sắt nào trong tay. Mình vua đãng trí, nên chìa khóa với điện thoại là hai thứ luôn làm khổ mình đi tìm, và chìa khóa lại còn không biết reng chuông để báo vị trí nữa chứ! Nên mười năm qua mình không hề có một cái chìa khóa nhà nào! Đi đâu về, ngồi chờ ngoài cửa là thường!
Tính ra năm qua, mình có khoảng năm mươi buổi sáng không kiếm ra quán cà phê mở sớm.
Ông xã thường nói, mình đãng trí tới mức, chỉ có cái gì gắn trên người thì mới không quên.
Cho nên thỉnh thoảng, ông ấy lại lẩm bẩm, nhẫn cưới của vợ đâu ấy nhỉ?
Thường các gia đình khác, các ông chồng hay lén vợ giấu nhẫn cưới đi, để ra vẻ ta đã tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh, MBA = married but available! (Tiếng Việt có thể hiểu nôm na là: Anh đã trót cưới, nhưng anh vẫn sẵn sàng dấn tới!). Nhà mình thì ngược lại, việc gì phải lén lút tháo? Bởi nhẫn cưới tự rơi ra khỏi tay mình.
Ông xã sau vài năm lấy vợ, phải tháo bỏ nhẫn cưới vì đã mập lên dăm bảy ký. Mình cũng vậy, mình mập lên. Nhưng nhẫn cưới, không hiểu sao, luôn tự rơi ra khỏi ngón tay mình. Thời gian đầu tiên, mình rất hoảng sợ! Vì mình duy tâm, nghĩ đó là điềm không lành cho cuộc hôn nhân này. Thời ấy, mình nghĩ hôn nhân tan vỡ là bi kịch sâu sắc của một phụ nữ trẻ.
Tòa soạn nhìn đâu cũng thấy báo cũ xếp chồng chất, mỗi lần rơi nhẫn thật khổ sở đi tìm. Tòa soạn nhìn đâu cũng thấy văn sĩ, mỗi lần rơi nhẫn là một lần thị phi, ví von ám chỉ, trêu chọc hoặc nói kháy vài câu. Đến lần mang bài báo qua ban bên cạnh, đưa cho người phụ trách – một nhà văn xem bản thảo thì cái nhẫn tuột theo lăn mất đâu. Ông nhà văn xếp bằng tròn trên sập, dỗ mạnh cái ống điếu thuốc lào, cười khẩy. Vì cái cười khẩy ấy mà mình đã vứt chiếc nhẫn cưới vào một chỗ nào đó.
Mình biết, một chiếc vòng tay hay một chiếc nhẫn về bản chất là một thứ ràng buộc bản tính con người, hơn là một đồ vật trang sức. Mình cũng nhạy cảm với mọi ràng buộc tới mức, có thể cảm nhận nó ngay cả khi, người đối diện không định ràng buộc mình. Chỉ là mình tự dưng tới gắn bó với họ, tặng họ một chiếc ghế bắc ngay giữa trái tim mình.
Có những chiếc ghế trống, người đi qua chỉ đi qua mà thôi, đâu ngồi xuống một lần nào với mình, mà sao mình cứ giữ mãi cảm giác về họ ở trong trái tim mình, rưng rưng.
Có phải những cảm xúc buồn bã ấy đã gỡ chiếc nhẫn cưới ra khỏi ngón tay mình, một cách vô thức? Nhưng cũng sẽ gỡ cả những bàn tay nắm tay mình, gỡ những đôi môi hôn, gỡ những cái ôm khắc khoải ra khỏi đời mình?
Cuộc đời một người phụ nữ, được bao nhiêu lần yêu, được bao nhiêu lần ngoái lại khắc khoải, đã già?
Mình không hề biết. Và thời gian trôi qua, mình bây giờ tin rằng, hôn nhân tan vỡ vẫn mãi là bi kịch sâu sắc, nhưng bi kịch hơn gấp bội với một phụ nữ già!
Mình có một người bạn, bạn bỏ vợ khi sáu mươi tuổi.
Chiếc nhẫn cưới gỡ mãi không ra, như đã là một phần của da thịt anh bạn. Chiếc nhẫn lâu năm đã bó chặt lấy ngón tay áp út của anh, và cuộc hôn nhân lâu năm cũng đã làm biến dạng những khao khát của anh. Đến mức, khi người đàn ông nhận ra là cần tình yêu, cần khao khát, cần một phụ nữ đích thực phụ nữ, thì bạn mình đã già! Đã không thể làm tình lâu, không thể yêu người phụ nữ anh yêu, càng không thể sống cuộc sống độc thân tự do vui sướng như đáng lẽ anh có thể.
Còn bạn? Hay bạn thử bỏ nhẫn cưới ra, một hôm thôi, đến quán cà phê sáng cầm tay tôi?
Trang Hạ