Nhãn cảm

Không nói! – Ai biết?
 
Đó là một kết luận khó chịu, khi các bà vợ, ông chồng cảm thấy “đối tác” bỗng trở thành “người bí ẩn”. Hãy “xem xét” các bà vợ trước, vì phụ nữ hay tự hào khi có đôi mắt tâm lý, có thể hiểu được ông xã mình muốn gì, cần gì… Thế nhưng, không ít bà vợ lại thường hay gặng hỏi ông xã: “Anh còn muốn sao nữa?”. Thực tế, tại các trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình, nhiều bà vợ chung sống với chồng gần chục năm, mà chẳng thu thập được nhiều thông tin về ông xã để “khai báo” với các chuyên viên tư vấn. Những nội dung nằm ngoài các cuộc “hỏi đáp” giữa hai vợ chồng, các bà đều mù tịt, hoặc đoán mò, thậm chí có ông chồng nói ra rồi, mà bà vợ cũng lơ mơ “Ông ấy nói vậy nghĩa là sao?”.
 
Trong những lúc “trà dư tửu hậu”, cánh đàn ông không chỉ bàn luận về thời sự quốc tế, hay bóng đá khu vực… mà hay còn ngậm ngùi “tố cáo” những “mụ vợ làm khổ đời ta”. Vì sao mà ra nông nỗi thê thảm vậy, đâu phải vì các bà phá tiền, hay ngoại tình, mà chỉ vì không thấu hiểu “ý tại ngôn ngoại” của các ông.
 
Anh Lâm Hà, một kiến trúc sư trẻ, rất thích chụp phong cảnh, nhưng cứ mỗi lần nâng ống kính lên ngắm nghía, đến lúc bấm máy là thấy vợ “hiện” lên trước màn hình. Biết bà xã thích “lên hình”, anh đã “bắn” hàng loạt kiểu rồi, nhưng chị không tinh mắt để nhận ra, có những góc máy, ông xã chỉ muốn chiêm ngưỡng thiên nhiên. Có lần, anh “rình” mãi mới có một tấm ảnh thiếu nữ mảnh mai, tóc thề đi dưới hàng liễu rủ của một khu du lịch Đà Lạt, vậy mà vợ anh lại bóng gió chua chát: “Chắc anh muốn thành nghệ sĩ nhiếp ảnh để ngắm người đẹp? Chụp ảnh cho vợ con, làm sao có cảm hứng… Sao anh không nói cho tôi biết…”. Những lần gặp chuyện không vui ở cơ quan, đi làm về với tâm trạng mệt mỏi, thấy vợ đang ngồi xem tivi, anh muốn tránh sự ồn ào, nên đi thẳng lên lầu. 

Điều anh cần sau những phút thinh lặng, là những cử chỉ âu yếm của vợ, đợi bàn tay của bà xã bóp vai, xoa lưng chồng, nhưng thay vào đó là tiếng bà vợ the thé gọi chồng xuống ăn cơm, rồi cằn nhằn: “Anh cứ như khách ở trọ”. “Sao bà xã không trông thấy sự bất an và nhu cầu cần được chia sẻ của mình?”, anh tự hỏi. Đôi khi anh nghĩ, đòi hỏi của mình có quá đáng không, có vượt quá khả năng làm vợ của người yêu thương anh. Rồi anh lại nghĩ, “tại sao mình không nói ra, còn trách bà xã”… Nhưng chẳng lẽ vợ chồng sống bên nhau chỉ hiểu nhau qua những gì nói ra bằng lời thôi sao?
 
Những chuyện ngỡ như vặt vãnh, nhưng làm cho vợ chồng ngày càng nhìn nhau như người lạ, đẩy người chồng ra khỏi nhà với câu: “Hôm nay, anh không ăn cơm”. Các bà vợ bảo vệ gia đình bằng cách tăng cường kiểm tra giờ giấc của ông xã. Các chị hỏi nhiều hơn, và bắt ông chồng phải nói nhiều hơn. Bà hay nói với chồng: “Ông cứ im im, tôi mà hiểu, chết liền!”.
 
Mỗi lần bà mẹ ở quê vào thăm là anh Quốc Hưng, một kỹ sư ngành điện lạnh, lại lo. Vợ anh tốt tính, không tính toán tiền bạc, nhưng lần nào bà cụ cũng đòi về sớm vì cái kiểu “dở hơi” của cô con dâu. Có lần, cậu con trai mua cho mẹ cái áo mới, bà cụ rất vừa ý, nhưng khéo bảo con: “Con để tiền mà sắm cho vợ con…” Nghe chưa hết câu, cô con dâu đã cười lớn: “Con già rồi, có chồng con rồi, ra đường ăn diện với ai…” Bà cụ thở dài với con trai: “Vợ anh xem mụ già này là con gái mới lớn chắc…” Còn cô vợ thì giận lẫy: “Anh mua gì, mẹ cũng ăn hết, còn em nấu gì cũng còn nguyên, chứng tỏ mẹ không ưa em.”.
 
Thật ra, cô vợ đâu hề biết, trong hàm răng đều đặn của mẹ chồng răng giả nhiều hơn răng thật, không thể nhai nổi những món ăn con dâu nấu không chín nhừ, nhưng bà không dám nói, sợ làm phiền con. Khi nghe chồng tiết lộ thông tin, cô con dâu chép miệng: “Người nhà cả, mà cụ cứ làm như khách”. Những ngày mẹ chồng cùng chung sống, vợ chồng trẻ cũng dễ bất hòa. Cô vợ ngậm ngùi: “Mẹ mua cho anh chục cái áo, cái nào anh cũng thích, còn áo em mua, có cái chẳng bao giờ anh dùng đến. Có mẹ anh ở đây, em như người thừa trong nhà”. Có người vợ kém tinh tế, tâm lý, không hiểu ý chồng, anh còn chịu được, nhưng con dâu không hiểu những điều mẹ chồng không nói ra, lại khiến anh xót xa, thương mẹ. Mỗi lần, anh nhắc nhở vợ, thì vợ anh lại tự ái: “Anh cứ đi tìm cô nào tốt hơn tôi, để làm vui lòng mẹ anh”.

Các ông chồng không có “con mắt thứ ba” cũng thuộc loại khá phổ biến. Có một vị giáo sư ngành văn hóa, khi giảng bài về nhãn cảm đã đặt một câu hỏi vui cho các nam học viên đã lập gia đình: “Các anh thấy bà xã chuẩn bị đi đâu đó một mình, có cần ôm vợ tạm biệt không?…” Các anh chồng ngẩn người suy nghĩ rất lung, nhiều người không quen với tình huống này, người thì bảo cần, người bảo không. Câu trả lời của nữ học viên thì như một lời trách: “Đa số các ông, lúc vợ cần một sự chia sẻ, động viên, thì không ôm, đến lúc vợ không cần vì đang vội, đang gấp, thì lại xông vào ôm.” Mắt thường khó biết được tâm trạng của vợ, nên nói các anh phải có nhãn cảm là thế.
 
Có không ít chị vợ lại khẳng định chồng mình có bồ, dù chẳng có bằng chứng cụ thể. Họ dựa vào linh cảm. Linh cảm là một kiểu gọi khác của nhãn cảm. Và thực tế, nhiều bà đã thành công trong việc “nghi đâu, trúng đó”. Như chị Thúy Vinh, một tiểu thương chợ An Đông, sau khi được linh cảm mách bảo, đã bỏ việc để “rình” ông xã, và phát hiện ra cái tổ ngoài luồng của ông. Bà tự khen mình: “Thấy chưa, linh cảm phụ nữ mà, có nói oan cho ổng đâu”. Thế nhưng, đó không hề là linh cảm, khi biểu hiện của ngoại tình đã có thể trông thấy bằng mắt thường, linh cảm thật sự phải nhận biết được kiểu ứng xử nào, dù rất nhỏ, nhưng có thể làm vợ chồng xa nhau. Bởi thế, khi gặp chuyên viên tư vấn, bà đặt câu hỏi như với… thầy bói: “Chừng nào ảnh quay về nhà? Tôi có nên đi sửa cái mũi để bớt xui không? Tôi không biết là ảnh muốn ăn gì để nấu đây? Đàn ông muốn nghe chuyện gì…”
 
Chinh phục trái tim
 
“Người có nhãn cảm tốt luôn làm chủ được tình huống, hiểu được bản chất sự việc, nên có cách ứng xử nói năng, hành động phù hợp để chiếm trọn cảm tình của người khác, tạo được thành công cho mình và sự hài lòng cho cả mọi người xung quanh.” Đó là định nghĩa về nhãn cảm của giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Thêm trong một khóa tập huấn về Hàn Quốc học. Những người thành công trong sự nghiệp, trong hôn nhân không thể thiếu "con mắt đặc biệt". Người con gái Hàn Quốc khi lấy chồng được mẹ ruột “huấn luyện” kỹ về “bí quyết” này, để lấy lòng mẹ chồng, và để được ông xã sủng ái. Trong hôn nhân, yếu tố nhãn cảm quan trọng không kém tình yêu. Và điều này, cũng là “bửu bối” chung của tất cả các bà vợ muốn liên tục chinh phục trái tim chồng.
 
Không phải những gì không nghe được, không nhìn thấy được là không hiện hữu. Có biết bao nhiêu sự kiện xảy ra, mà giác quan giới hạn của con người không thể cảm nhận được, vì thế, người thành công trong sự nghiệp, trong cuộc sống hôn nhân phải khai mở các giác quan khác.
 
Ai cũng muốn nghe, muốn hiểu “Lời trái tim của ông xã (bà xã) muốn nói”. Chỉ đơn giản nghe bằng tai, lời nói của nhau, đâu thể biết hết “ruột gan” của nhau. Muốn chinh phục được trái tim, phải biết những điều bí mật trong trái tim. Con đường hôn nhân không thể chinh phục nhau một lần là đủ. Chinh phục nhau để cùng nhau gửi thiệp cưới không gian nan bằng chinh phục để sống bên nhau hạnh phúc. Các bà vợ luôn khao khát là người thấu hiểu ông xã.
 
Nhãn cảm do trời phú, đó chỉ là một phần. Học hỏi, rèn luyện là chuyện thường xuyên. Giới tâm lý học đưa ra công thức: “Bạn càng làm cho ông xã (bà xã) hài lòng, bạn càng biết được những bí mật trong tim của người đang chung sống".
 
Nhưng làm sao bạn có thể làm cho người khác hài lòng? Hài lòng với bản thân là nền tảng để hài lòng với mọi người xung quanh, mà gần nhất là người trong gia đình. Nếu bạn không hài lòng điều gì đó, với ông xã, bà xã thì bạn đang có xung đột nội tâm, đang bực bội với chính mình, bởi thế, bạn không thể chuyển hóa chuyện to thành chuyện nhỏ, không thể nghe thấy những thanh âm và tâm trạng mà người bạn đời không muốn bộc lộ ra ngoài.
Kinh nghiệm sống và những trải nghiệm qua nhiều trạng thái cảm xúc cũng giúp cho bạn tăng cường độ sáng của nhãn cảm. Tìm hiểu kiến thức về tâm lý giới cũng tăng lên giúp người ta hạn chế những sai lầm trong ứng xử. Một bà vợ yêu cầu ông xã đưa đi siêu thị. Ông xã gắt gỏng: “Mệt lắm không đi…” Đôi mắt thường của bà vợ nhìn thấy nhu cầu chính đáng của mình không được đáp ứng, thấy sự lười nhác hoặc vô trách nhiệm của ông chồng. Nhưng với nhãn cảm, bà vợ có thể nhìn thấy "bản chất của vấn đề”, hiểu được sự mệt mỏi của ông xã, để có những đáp ứng hợp tình, hợp lý. Không thể đơn giản chia các ông chồng thành hai loại tốt và xấu, bởi có những ông chồng thật tốt, nhưng đôi khi lại làm những việc tồi tệ, lén lút và những ông chồng thật tệ, cũng không phải là xấu xa trọn vẹn. Các bà vợ phải có nhãn cảm và lòng khoan dung thì mới biết mình đang sống với ông chồng như thế nào.

 Phước Chung


From the same category