Đua nhau tăng giá
Từ đầu tháng 7 tới nay, 1 loạt các hàng hóa thiết yếu đã được điều chỉnh tăng giá. Cụ thể, điện tăng giá 5% từ 1/7; nước sạch tăng 25% từ 12/7; gas tăng 52.000 đồng/bình từ 1/8; viện phí tăng; học phí tăng và cả truyền hình cáp cũng tăng.
Nhưng tăng nhiều lần nhất có lẽ là giá xăng. Từ ngày 20/7 cho tới gần giữa tháng 8/2012, xăng đã 3 lần tăng. Lần đầu tiên là 20/7 với +400 đồng; lần thứ 2 là +900 đồng (vào 1/8) và ngày 13/8 vừa qua, giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh với xăng thêm 1.100 đồng/lít lên 23.000 đồng/lít.
Giá xăng, dầu và gas tăng gần đây theo khá sát với diễn biến giá thế giới, có tăng, có giảm. Từ đầu năm tới nay giá xăng dầu đã được điều chỉnh liên tục với 5 lần giảm và 5 lần tăng. Tổng mức điều chỉnh giảm là 3.200 đồng/lít, còn tổng mức tăng là 5.400 đồng/lít. Giá gas cũng được điều chỉnh tăng giảm liên tục.
Việc tăng giảm giá liên tục như nói trên là định hướng để đưa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, điều mà không ít người thắc mắc là lúc giá thế giới giảm, tại sao các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không giảm giá nhanh mà khi giá tăng xăng dầu lại được điều chỉnh tăng nhanh như vậy?
Hơn thế, trước đợt tăng giá mạnh hôm 13/8 ba ngày, Bộ Tài chính đã có thông báo yêu cầu các DN đầu mối khi tính giá cơ sở phải theo chu kỳ bình quân 30 ngày của giá xăng dầu thế giới, còn việc tính giá cơ sở theo các chu kỳ khác chỉ mang tính chất tham khảo. Tuy vậy, lần điều chỉnh vừa rồi diễn ra trước lần trước đó chỉ 12 ngày.
Rõ ràng, ở gần dường như các cơ quan chức năng đã để cho doanh nghiệp xăng dầu tự định giá trong bối cảnh thị trường xăng dầu Việt Nam chưa có cạnh tranh thực sự. Họ định giá tăng rất nhanh còn khi giá thế giới giảm thì phải chờ sức ép của chính các cơ quan chức năng và dư luận họ mới giảm.
Với xăng dầu, theo nhiều người, như vậy vẫn còn có thể chấp nhận được bởi giá được điều chỉnh có lên, có xuống. Nhưng với điện, nước, truyền hình cáp, viện phí, học phí… được điều chỉnh tăng trong bối cảnh người dân đang gặp khó khăn, sức cầu suy giảm trầm trọng như hiện nay thì khó có thể gọi là khoan sức dân và kích cầu tiêu dùng được.
Gần đây nhất, người tiêu dùng chưa kịp hết ngột thở với những cú tăng giá ngoạn mục của 1 loạt các hàng thiết yếu như điện, nước, xăng, dầu, gas thì họ lại nhận được thêm thông tin thuê bao Truyền hình Cáp Việt Nam tăng thêm 25% lên 110.000 đồng/tháng, bắt đầu từ 1/9 sau khi đã tăng gần 50% hồi tháng 5/2011.
Từ đó ta có thể thấy, nhìn chung trong các mặt hàng tăng giá gần đây đều thuộc nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đối với cuộc sống của người dân và thuộc nhóm độc quyền hoặc chưa có thị trường cạnh tranh thực sự.
Trong khi hầu hết các mặt hàng khác, trong đó nổi bật là lương thực, thực phẩm, nông sản giảm giá mạnh, thì các mặt hàng độc quyền nói trên dường như đang tranh thủ CPI giảm để tăng giá.
Thời điểm tăng giá cũng rất nhanh và dồn dập nằm trong tháng 7 khi CPI âm và trước thời điểm công bố CPI tháng 8 (mà theo dự báo có khả năng dương, thậm chí tăng mạnh trở lại).
Trông chừng lạm phát
Trong khi hàng hóa đang tồn kho và dư thừa hàng đống, vấn đề đình đốn sản xuất đang được đặt ra thì nhiều người lại đang lo ngại về khả năng lạm phát cao sẽ nhanh chóng quay trở lại – như vẫn thường diễn ra tại Việt Nam.
Giá giảm toàn thấy ở các hàng hóa và dịch vụ của người nông dân. Bao nhiêu ngành như bất động sản, xi măng, than, điện, xăng dầu, sắt thép, đường, ngân hàng… tồn kho, tồn vốn nhiều với lượng tiêu thụ giảm nhưng có chịu giảm giá. Không bán được thì phải giảm giá theo quy luật nhưng thực tế không thấy giảm là bao. Trong khi đó, những mặt hàng bắt buộc phải tiêu dùng hàng ngày thì đua nhau tăng giá.
Một trong những ngành làm ăn khá dễ dàng là ngành than cũng luôn đòi tăng giá bán. Theo họ, giá bán than đang thấp hơn giá thành và nếu không cho tăng giá thì ngành sẽ đẩy mạnh xuất khẩu để bù lỗ cho giá tiêu thụ trong nước. Nhưng thực tế cho thấy, giá chào mua của nhiều đối tượng nước ngoài dường như cũng không khá gì hơn giá trong nước bởi vì họ có nguồn cung cấp từ Úc, Indonexia… với giá rẻ hơn giá của Việt Nam.
Thực tế này cho thấy, mặc dù nền kinh tế đang bế tắc đầu ra và sự giảm giá thực sự của hàng hóa (bao gồm cả các hàng hóa chủ chốt) là cần thiết để thúc đẩy sản xuất, cứu giúp các doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản… thì lại không xảy ra. Không những thế, giá các mặt hàng đầu vào quan trọng này (xăng, dầu, điện, nước…) lại đang tăng trở lại. Đó chính là lý do khiến nhiều người lo lắng lạm phát có thể nhanh chóng chiếm lại vị trí thường có tại Việt Nam.
Theo dự báo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cách đây ít hôm, giá thị trường tháng 8 có xu hướng tăng nhẹ so với tháng 7/2012 sau 2 tháng giảm liên tiếp. Nếu đúng như vậy, mọi lo lắng hồ nghi về khả năng nền kinh tế đi vào giai đoạn giảm phát sẽ bị xóa sạch.
Theo lý thuyết thì đúng là như vậy. CPI giảm trong 1 tháng thậm chí 2 tháng liên tiếp cũng có thể chỉ được coi là thiểu phát, phải âm từ 3 tháng liên tục trở lên thì kinh tế khi đó mới được coi rơi vào giai đoạn giảm phát.
Theo Cục Quản lý giá, có nhiều yếu tố khiến cơ quan này đưa ra kịch bản CPI dương trong tháng 8/2012. Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là chính sách tiền tệ nới lỏng với biểu hiện rõ nét là lãi suất giảm (cho dù tín dụng tăng rất chậm).
Bên cạnh đó, việc mở rộng cửa cho phép các doanh nghiệp trong nước tăng giá một số mặt hàng chủ chốt như xăng dầu, gas, đường, thức ăn chăn nuôi… theo giá thế giới cũng là yếu tố góp phàn cho dự báo nói trên có thể sẽ đúng đắn.
Với 2 lần tăng giá xăng trước đó, 1 lần tăng giá điện… tác động qua 2 vòng lên chỉ số CPI bắt đầu rơi mạnh vào tháng 8 này và các tháng sau đó. Như vậy, nhiều khả năng CPI âm tháng thứ 3 liên tiếp sẽ khó lòng xảy ra và khái niệm giảm phát sẽ bị gạt ra khỏi dư luận cho dù hiện tượng doanh nghiệp tồn kho hàng hóa, khó khăn trong bán hàng có thể còn tăng lên (do chi phí đầu vào tiếp tục tăng).
Không những không còn âm, một số chuyên gia thậm chí còn lo ngại về khả năng lạm phát quay trở lại khi mà giá xăng dầu 1 lần nữa tăng thêm khá mạnh và khả năng tăng mạnh trở lại của giá thực phẩm khi mà giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nông dân bỏ chuồng trại do thua lỗ…
Nếu lạm phát tăng cao trở lại trong năm 2013, thì hẳn niềm tin vào cách thức điều hành kinh tế sẽ xuống thấp hơn bao giờ hết. Khi đó, sự phục hồi sẽ còn khó khăn hơn nhiều.
Theo Vietnamnet