Nhảm - khi ngai vàng rơi vào tay đám đông - Tạp chí Đẹp

Nhảm – khi ngai vàng rơi vào tay đám đông

Review

Một người bạn của chúng tôi, người tự nhận là nhân vật có số má trên Facebook, một ngày nọ viết status kêu than rằng: Nhận thức nhiều làm cái (…kiểm duyệt…) gì! Ba tháng trước người Việt xôn xao chuyện gì, thì bây giờ họ đang nói lại y hệt chuyện ấy, ví dụ như chuyện Việt Nam không làm được con ốc vít cho điện thoại, như một nhận thức mới toe, như kiểu ôi giời ơi ngạc nhiên chưa. (Có thể thay “ba tháng” bằng bất cứ khoảng thời gian nào, cũng như “ốc vít” và “điện thoại” có thể thay bằng bất cứ thứ gì).

Tháng sau mọi thứ cũ rích kia sẽ lại như mới – bạn tôi dự đoán.

Nhìn rộng ra thì tất nhiên dưới ánh mặt trời không có gì mới cả, nhưng nhìn hẹp lại thì liệu truyền thông và công chúng có dễ đoán đến thế?

Chùm bài “Thời đại găng tơ – mát – hài” chính là chia sẻ của những người thực hiện về một số khám phá nho nhỏ về chủ đề này.

Tổ chức và thực hiện: Đinh Trần Tuấn Linh – Đinh Phương Linh


– Buôn ruộng đất lãi mấy lần? 
– Mười lần. 
– Buôn châu ngọc lãi mấy lần? 
– Một trăm lần. 
– Buôn vua lãi bao nhiêu? 
– Vô số. 

Đây là đoạn đối thoại trong “Chiến quốc sách” giữa Lã Bất Vi, một thương nhân người Dương Địch và cha mình. Mấy nghìn năm đã trôi qua, nhưng chẳng cứ ở thời Lã Bất Vi, ở thời đại nào thì vua cũng là hàng hóa mang lại lợi nhuận đặc biệt. 

Trong thế giới Internet, người ta nói rằng Nội Dung chính là vua. Theo thống kê, người dùng Internet vẫn đang dành hơn 50% thời gian online cho tiêu thụ nội dung số. Ngay cả khi giao tiếp với nhau trên các trang mạng xã hội, người ta vẫn phải dành tới 25%  thời gian để nói về nội dung. 

Sự ngu dốt của tôi = sự uyên bác của bạn 

Quan sát sự chuyển đổi của mạng xã hội Việt Nam từ thời blog Yahoo 360 tới Facebook, có thể thấy sự chuyển đổi của nội dung, ứng với hai loại thỏa mãn tâm lý khác nhau. Đây là một trào lưu không thể cưỡng lại, với những thay đổi hoàn toàn về tốc độ hưởng thụ, nhịp điệu sống, tốc độ tạo ra và tiêu thụ thông tin/nội dung. Đi cùng với sự thay đổi này, tính kiên nhẫn của người dùng cũng giảm.

Thời của Yahoo 360 là thời của những nội dung dài, sâu sắc, hướng nội, giúp người viết được thỏa mãn nhu cầu tự sự và giãi bày. Thời của Facebook, Youtube, 9gag, Guu, Mann Up,… là thời của nhu cầu hướng ngoại và gây chú ý. (Và những người bi kịch nhất của thời đại này là những người lên Facebook để viết những status dài ngoằng đậm tính chia sẻ và mong đợi sự cảm thông). 

Như đã nói ở tiêu đề bài viết, vấn đề của thời đại này phải chăng là vì ngai vàng đang rơi vào tay số đông? Trong bài viết “Cái chết của sự tinh thông” (The Death of Expertise), tác giả Tom Nichols tổng kết rằng ngày xửa ngày xưa, cụ thể là trước những năm 2000, tất cả mọi người đều có vẻ hiểu rằng có sự khác biệt giữa các chuyên gia và những người thường. Khi đó, công luận hầu hết đều chỉ là khán giả. Nhưng bây giờ là thời của đám đông, thời mà quyền bình đẳng có nghĩa rằng tất cả đều ngang bằng về khả năng, hay ngang bằng về kiến thức. Hiểu đơn giản, ở thời này, sự ngu dốt của tôi cũng tương đương với sự uyên bác thâm sâu của bạn. 

“Tôi thích thế kỉ 21, và tôi thích sự dân chủ hoá về kiến thức và sự tham gia rộng mở của công chúng. Nhưng sự đông đảo đó đang bị đe dọa bởi việc nhại đi nhại lại rất vô lý rằng mọi ý kiến đều có trọng lượng ngang nhau… rằng chúng ta đều có xuất phát điểm về tri thức là một mớ hỗn tạp như nhau. ” – Tom Nichols viết (trong bài  “The Death of Expertise” với bản dịch của Trương Huyền Đức)

Khi ngai vàng rơi vào tay số đông, thì con đường để buôn vua cũng thú vị không kém. Lưu Bang và Hạng Vũ giành thiên hạ theo hai con đường khác nhau, cũng giống như buôn vua có hai hướng: vương đạo và bá đạo, hiểu nôm na rằng vương đạo là đi theo hướng tử tế, chính luận; còn bá đạo là găng tơ – mát – hài. 
Chẳng cần quan sát lâu, chỉ cần dành 10 phút lướt qua một loạt các báo điện tử, ai cũng dễ dàng nhận ra găng tơ – mát – hài chính là ba đặc điểm giúp một nội dung được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng ở Việt Nam hiện nay. 
Găng tơ ở đây là tính bạo lực: “Hung thủ ‘đâm chồng, hiếp vợ’ vốn có máu dâm loạn”; “Kẻ giết bác dâu lĩnh án tử hình”; “Yêu nhầm ‘ác quỷ’, người thiệt mạng, kẻ lĩnh án tử hình”; “Em chồng mất vàng, chị dâu tự thiêu?”… những tin tức này phủ dày đặc trên các báo mạng. Điều này không có nghĩa là “luân thường đảo ngược, phong hóa suy đồi, con mắng cha, vợ giết chồng, dâu chửi bà già” (Phan Khôi)… mà chỉ cho thấy rằng những nội dung găng tơ luôn thu hút người đọc. 
Yếu tố thứ hai: Mát, tạm hiểu là những thông tin gợi cảm. Các nhà báo của ta đã “chế ra nhiều kiểu rất tân tiến… Nào là Ngây thơ, Chinh phục, Lưỡng lự, Chờ một phút, Ỡm ờ, Ngừng tay, nhiều kiểu lịch sự lắm” (Vũ Trọng Phụng): “Ngọc Trinh diện crop top chụp ảnh trên tầng cao”; “Ngọc Trinh lép vế trước Elly Trần phồn thực”; “Bắt chước cha mẹ, bé trai 12 tuổi dâm ô hàng xóm”… hoặc những tâm sự rất éo le: “Nếu cưới chồng, tôi sẽ phải hạn chế gặp anh bồ của mình”; “Thà cô ấy nói thật đã từng lên giường với người cũ…”. 

Và yếu tố cuối cùng: Hài. Có thêm hài, tất cả các nội dung đều trở nên có sức công phá cao gấp nhiều lần.  (Xin lưu ý: Người viết bài không kết luận rằng cứ nội dung găng tơ – mát – hài là nhảm nhí.) 

“Cư dân mạng xôn xao vì…”

Ngoài ba đặc điểm này, nội dung của thời ngai vàng rơi vào tay đám đông quẩn quanh trong một nhúm đề tài (mà một anh bạn người Canada của người viết đã tổng kết thành “50 đề tài thiêng liêng của truyền thông và mạng xã hội Việt Nam”: yêu nước, biển Đông, ngồi lên sách, ăn thịt chó, còn trinh và mất trinh, sống thử, đồng tính, mẹ chồng nàng dâu, người Hà Nội và người Sài Gòn…). Với tần suất và nội dung có thể đo đếm và dự báo được, quá trình xuất hiện của nội dung này (thường xuất hiện trên các trang thông tin điện tử sau dòng chữ “Cư dân mạng xôn xao vì…”) cũng có thể đo đếm và dự báo được. 

Vòng đời của một chuyện ồn ào trên mạng thường kéo dài hai tuần. Hãy thử lấy chuyện lùm xùm của một cô gái 27 tuổi, xuất hiện trên báo với phát ngôn – theo cá nhân người viết – không mới mẻ và cũng không đặc sắc: “Với tôi trinh tiết là một trong những thước đo chuẩn mực làm nên giá trị của Con người bao gồm cả Người đàn ông và Người phụ nữ. Nếu một người luôn nói rằng tôi làm theo bản năng, theo ham muốn của mình, sẵn sàng sex với bất cứ ai mà họ có thấy hứng thú, vậy thì con người cũng không khác con vật là bao, bởi Con người là động vật bậc cao, chúng ta hơn các loài vật khác ở điểm là chúng ta có ý thức”.

Bài báo ngay lập tức khiến “cư dân mạng xôn xao…”. Xin ví dụ một số bình luận phổ biến: “Em có thể giữ đến năm 87, thậm chí đến năm 107 tuổi. Mọi người sẽ ủng hộ em hết mình”, “Hàng ế. Sản phẩm tồn kho. Lên báo để xả hàng tồn kho”; “… Vấn đề ở đây là nếu em nó muốn sex trước hôn nhân thì ai là người muốn sex với em ý…” 

Giai đoạn tiếp theo của chuyện ồn ào là “cư dân mạng sẽ xôn xao” về những cư dân mạng đã xôn xao trước đó: “Em đang tự hỏi là nếu người nói câu đó là một cô gái xinh đẹp thì liệu có sự phản đối kịch liệt như vậy không?”; “Em đang nghĩ mấy ba mấy má bình luận chị Mèo như vậy nhan sắc có hơn không? Hay là không tự đưa ra những quan điểm thẳng thắn như chị Mèo, rồi ghen ăn tức ở…”; “Chó cứ sủa người cứ đi”; “Ngậm mồm vào và sống cuộc sống của  mình đi. Chị Mèo vững tin nhé”…

Rồi sau đó, “cư dân mạng lại xôn xao” rằng tất cả những xôn xao này là vô nghĩa: “Bài của Mèo Xù, nếu đọc kỹ sẽ chẳng thấy có gì ồn ào, vì cơ bản đây là quan điểm cá nhân của cô ấy”; “Chẳng có gì đáng cười cả, mỗi người một cuộc sống, một định kiến riêng, Mèo Xù nói đúng với một số người; sai với một số người, vì chẳng ai sống cuộc sống giống nhau cả”. 

Và cuối cùng, “cư dân mạng sẽ xôn xao” để chấm dứt chuyện xôn xao này bằng những câu có thể dùng để tổng kết lại bất cứ cuộc xôn xao nào: “Về cơ bản, cô Thắm đã rất thành công trong khâu quảng bá sách của mình”, “Xỏ mũi dân tình thật dễ như bỡn”… 

***

P.S: Lời nhắn của người viết bài với cô Thắm (người có phát ngôn ở trên): “Em đừng sợ scandal – ở xứ này, ba ngày sau sẽ có một cái scandal to hơn của đứa khác dìm scandal của em xuống thôi”

(Thay “cô Thắm” bằng bất cứ nhân vật nào tùy thích)

Bài: Đinh Trần Tuấn Linh – Đinh Phương Linh 


logo

>>> Có thể bạn quan tâm:  câu hỏi nào sẽ hợp lý hơn: Có nên đọc ngôn tình hay không? Hay:Làm thế nào để chọn một quyển ngôn tình hay? Tôi thích câu hỏi thứ hai hơn. Bởi nếu biết cách chọn ngôn tình, nhiều khả năng bạn cũng sẽ chọn được một người tình hay ho và đảm bảo chất lượng.

Thực hiện: depweb

08/09/2014, 11:22