Nhạc Việt: tồn tại có ý thức

Thị trường nhạc Việt vừa khởi sắc đã lâm vào cơn lốc của kỷ nguyên số hóa cùng thảm kịch kinh tế thế giới 2012. Trong khi đó, nhà sản xuất quốc doanh gần như tồn tại chỉ để… bán giấy phép và cho thuê mặt bằng! 

Chết có ý thức

Ca sĩ cả thế giới kêu gào thảm thiết fan và người yêu nhạc hãy… mua album xịn, nhưng so với thập niên trước, những con số tiêu thụ đĩa nhạc vẫn sụt giảm nghiêm trọng. Đừng nói chuyện nước ngoài, “nước trong” cũng rất thê thảm. Năm 2012 hầu như thiếu vắng album riêng của các ngôi sao – họ không còn rầm rộ tự sản xuất đĩa hát như trước nữa. Giờ tổng chi phí ra một album 10 bài audio dao động từ 300-500 triệu đồng, bán 1.000 bản còn ì ạch suốt năm, trong khi sức sống cho một bài “hit” nhạc trẻ bây giờ chưa tới 1 năm. Ca sĩ làm album nói chung là lỗ. Thay vì đầu tư kiểu cũ này, ca sĩ cũng nhanh nhẹn hơn, họ chuyển qua làm single online. Tức là đầu tư sản xuất thật tốt 1-2 bài để tung lên mạng phát tán qua các kênh âm nhạc miễn phí, cho không các kênh truyền hình âm nhạc để quảng bá hình ảnh và bài mới.

Một thực tế được ghi nhận tại các hãng phát hành và cửa hàng âm nhạc: doanh số các đĩa nhạc trẻ ngày càng giảm và tuổi thọ ngày càng ngắn… Lý do là các sản phẩm thời thượng này được phát tán quá nhanh, quá nhiều và… quá sớm trên mạng. Hơn nữa, số lượng ca sĩ nhạc trẻ ngày càng nhiều và các sản phẩm âm nhạc lại… na ná nhau. Những sản phẩm gây cơn sốt thực sự hầu như không có. Cũng trong ghi nhận này, một điều khá bất ngờ là các sản phẩm âm nhạc bán chạy gồm: 1 – nhạc âm hưởng dân ca, 2 – nhạc đỏ và nhạc xưa, 3 – các sản phẩm cao cấp của các nghệ sĩ lớn – các album được đầu tư về chất lượng âm nhạc. Các CD nhạc trẻ hầu như bày trên sạp đĩa cho có, bán rộ lên trong vòng 1 tuần phát hành, sau đó lại nhường cao trào cho CD của các nghệ sĩ khác… Nó hoàn toàn khác với các sản phẩm âm nhạc của những tên tuổi, điển hình là các album của bốn diva Việt vẫn bán lai rai đều kể cả những album được phát hành cả chục năm trước… Trường hợp điển hình là hai album đã hết từ lâu gồm “Tự sự – Thanh Lam” và “Nhật thực – Trần Thu Hà”… luôn được dân sành nhạc săn lùng vì độ hiếm và độ độc đáo của nó!

Chiếc CD đang mất dần giá trị của nó? Giờ đây người ta bắt đầu nói đến tốc độ lan truyền một bài “hit” trên mạng xã hội, số lượt nghe trực tuyến… nhiều hơn nói đến những con số ít ỏi tiêu thụ thực tế của album ngoài thị trường… Nhưng âu cũng là chuyện thời thế! Hãy nhìn chiếc Macbook Air thời trang ra đời năm 2010 của hãng Apple. Ổ đĩa CD Rom đã hoàn toàn bị thay thế, ban đầu người ta chỉ cho rằng đây là việc cực chẳng đã để chiếc laptop này mỏng nhất và nhẹ nhất có thể. Nhưng không phải, chiếc Macbook Pro 2012 Retina ra đời cũng vậy, không có chỗ cho chiếc CD. Giờ đây, mọi việc liên quan đến chiếc đĩa CD và DVD đều đã thuộc về sở thích cá nhân còn xu hướng đại đa số đều tiến tới số hóa. Đây là một bước tiến của lịch sử, cái chết của chiếc CD nói chung và những CD nhạc nói riêng là điều đương nhiên. Nó chẳng khác nào “cuộc chia ly màu đỏ” của người yêu nhạc với chiếc băng cassette, băng video, chiếc máy CD Walkman kinh điển ngày nào… Sự tồn tại của từng chiếc máy hát, chiếc đĩa nhựa hay cái băng cassette, băng video chỉ giống như một sự hoài cổ, một thú chơi đồ vintage mà thôi…

Nghe có ý thức


Quay trở lại với thông điệp “Nghe có ý thức” và thị trường âm nhạc Việt Nam. Khá nhiều người bình phẩm rằng “Nghe có ý thức” (được khởi xướng từ hai nhà sản xuất Quốc Trung và Huy Tuấn) nghe khá tối nghĩa. Nhưng khoan hãy bàn tới chuyện tối và sáng, Quốc Trung và Huy Tuấn suy cho cùng không phải vĩ nhân hay là những nhà quản lý đại tài, họ là nhà sản xuất. Lời hiệu triệu “Nghe có ý thức” giống như tiếng chim trong bụi mận gai thốt lên trước khi sự sáng tạo của họ bị bóp chết bởi Internet mà thôi. Thị trường âm nhạc của chúng ta vừa kịp khởi sắc đã lâm vào cơn lốc của kỷ nguyên số hóa và thảm kịch kinh tế thế giới 2012. Nhà quản lý văn hóa của chúng ta quá bối rối và ngộp trước làn sóng thời đại số tràn vào. Họ không biết ứng xử sao trong việc quản lý chồng chéo của hàng chục những khái niệm mới “báo mạng”, “mạng xã hội”, “diễn đàn”… chứ đừng nói đến các việc làm xa hơn là “kinh doanh âm nhạc qua mạng”, “kinh doanh số”…

 

“Nghe có ý thức” là tiếng vĩ thanh dành cho chính chúng ta, người yêu nhạc… Làm sao để mọi người cùng chia sẻ một tinh thần tôn trọng sự lao động và thưởng thức của cả đôi bên? Trách nhiệm cứu rỗi thị trường âm nhạc hiện giờ không còn là của những người làm âm nhạc. Đã một thời gian dài họ vẫn phải làm nghề trong một bối cảnh nhiều luật lệ nhưng lại nhiều lỗ hổng trong quản lý. Họ làm nghệ thuật tốt chứ họ không thể quản lý tốt. Họ làm nghệ thuật định hướng xã hội chứ họ không làm quản lý xã hội.

Sống có ý thức


Số phận của những bản thu âm Việt Nam rồi sẽ ra sao? Đương nhiên người nghe chúng ta không có lỗi vì nghe trên mạng, khi mà mọi thứ được lan truyền rộng rãi. Biết là “ăn cắp trí tuệ” đó, nhưng nói cùn thì rõ “đâu phải mình ăn cắp đâu”… Nói viển vông, chừng nào người Việt coi việc không có bản quyền tự thân là một điều đáng xấu hổ – khi đó là đỉnh điểm của sự văn minh xã hội. Nhưng đạt được vậy là kết quả của cả một hệ thống giáo dục đi kèm với những lề lối về luật pháp chặt chẽ. Còn nói chung, vấn nạn vi phạm bản quyền qua internet là của toàn thế giới, và chúng ta lại nằm bên cạnh thị trường hàng lậu kinh hoàng nhất thế giới – Trung Quốc.

Bài toán lúc này rõ là cần một phương thức thông thương khác dành cho các sản phẩm âm nhạc. Số hóa là điều đương nhiên, tiện dụng thế thì rõ phải đưa ra các hệ thống cung cấp và kinh doanh mang yếu tố thời đại. Hoàn thiện những lề lối và bộ máy này là điều cấp thiết phải làm để cứu rỗi âm nhạc Việt Nam. Suốt nhiều năm qua, những phát biểu của hầu hết các nhà sản xuất rằng họ không thể cho không biếu không, họ cần phải được tái tạo sức lao động và tài chính… Vậy tài chính thu từ đâu? Chỉ có thể bằng những hot views, hot downloads… mà thôi…

Một vài nghệ sĩ Việt đã tự thân gửi gắm sản phẩm âm nhạc cho Itunes để kinh doanh, nhưng vẫn chỉ là những hành vi đơn lẻ không đồng bộ khi sản phẩm của họ vẫn bị truyền trên mạng một cách ngang nhiên. Hiếm hoi lắm mới có một vụ kiện tụng tiền tỉ như của Lệ Quyên với hàng loạt trang web âm nhạc. Hiếm hoi lắm mới có một sự đồng lòng như cộng đồng khán giả yêu Mỹ Tâm: Họ không phát tán MV thần tượng tràn lan mà tập trung tại một địa chỉ Youtube để cô hưởng lợi quảng cáo quốc tế từ kênh phát tán âm nhạc miễn phí hợp pháp này.

Từ trường hợp nghe có ý thức của Fanclub Mỹ Tâm mới cho thấy, người nghe hoàn toàn có thể đi đúng hướng nếu họ có người dẫn đầu thuyết phục. Ca sĩ hoàn toàn có thể có những chiến lược phát triển hình ảnh và thu lợi nhuận nếu biết cập nhật và hòa mình với dòng chảy thời đại.

Qua rồi thời trông chờ vào doanh số nhỏ bé của từng album tâm huyết (vài năm mới có thể ra đời một chiếc tử tế!). Hỡi các ngôi sao và nhà sản xuất đương thời, nếu bạn muốn có tiền, đừng vội vàng tung hô ảo trước mắt mà hãy biến những giá trị “ảo” đó thành “thật” thông qua những hợp đồng ràng buộc pháp lý. Nếu trong nước chưa có, có thể trông đợi vào quốc tế như một giải pháp tức thời!

Thay lời kết, xin quay lại vài lời trước khi tiễn biệt những chiếc CD. Có lẽ chúng ta đang dần rời xa nó mất rồi… Nó đang dần bị thay thế – đương nhiên – bằng những file âm thanh số chuẩn mực… Nhưng tạm biệt thôi, tôi tin nó vẫn không bao giờ biến mất nếu như tự nó phải biết dựng lên những giá trị không thể thay thế: giá trị chất lượng âm nhạc vượt thời gian, giá trị bao bì và mỹ thuật xứng tầm lưu trữ.

Bài: Chu Minh Vũ


From the same category