Nhạc Việt: Chuyện hái quả & trồng cây - Tạp chí Đẹp

Nhạc Việt: Chuyện hái quả & trồng cây

Giải Trí

Trong gần 10.000 thí sinh khắp mọi miền đất nước, ở mọi lứa tuổi đã tham gia Vietnam’s Got Talent (tuy chưa có con số thống kê chính xác), tỷ lệ của ca nhạc áp đảo các thể loại khác. Tuy nhiên, giải quán quân lại thuộc về tài năng khiêu vũ. Điều này cho thấy tài năng ca hát hiện nay quá hiếm, chưa ai đủ chinh phục khán giả để được mọi người công nhận là tài năng trong một cuộc thi quy mô lớn và kéo dài đến 6 tháng.

Hương Thảo với giọng ca đặc biệt trong cuộc thi Vietnam’s Got Talent.

Nghĩ gì về một thực tiễn?

Không những Vietnam’s Got Talent mà nhiều cuộc thi ca hát khác cũng như thế. Người đoạt giải quán quân đa số không tạo được ấn tượng với công chúng và nhanh chóng mất hút trên thị trường âm nhạc. Điều này quá khác biệt với một số nước trên thế giới dù họ cũng sử dụng cùng “format” cuộc thi như ở Việt Nam.

Quán quân American Idol 2002 Kelly Clarkson, sau khi đăng quang, album đầu tay Thankful (2003) đã nhanh chóng chiếm vị trí quán quân trong US Billboard Hot 200. Năm 2004, album Breakaway đã chiếm vị trí thứ 3 trong Billboard Hot 200 ngay tuần đầu tiên và nhận được nhiều khen ngợi từ giới chuyên môn. Kelly Clarkson đã đạt được rất nhiều giải thưởng âm nhạc. Đáng lưu ý nhất là giải Đĩa đơn của năm (Billboard Music Awards 2002); Album nhạc pop của nămNữ nghệ sĩ trình diễn nhạc pop xuất sắc nhất (Grammy 2006).

Carrie Underwood đăng quang ngôi vị quán quân American Idol 2005. Ngay trong năm đó, album đầu tay Some Hearts lọt vào Billboard 200, giữ ngôi vị số 1 ở Top Country Album và được ghi nhận là album country bán chạy nhất trong lịch sử. Nhiều single, album của cô làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng. Và năm 2007, cô đoạt giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất của Grammy.

Gần đây nhất là hiện tượng Susan Boyle với bài I Dreamed A Dream (tại Britain’s Got Talent 2009). Sau khi được tung lên YouTube, bài hát này được đánh giá là “hay đến ngỡ ngàng” và đạt gần 50 triệu “hit” trong vòng một tuần. Sau đó, Susan Boyle trở thành gương mặt hot, xuất hiện trên nhiều tạp chí, chương trình truyền hình nổi tiếng.

Ngoài ra còn rất nhiều những gương mặt nổi bật khác… Đó là thực tiễn mà Việt Nam không có được, dù chúng ta cũng dùng chung “format” của Idol, Got Talent… như ở các nước khác.

Vì sao thế?

Chưa có một công trình nghiên cứu nào để có thể trả lời tại sao tài năng ca hát ngày càng hiếm. Sao mai – Điểm hẹn chất lượng năm sau luôn thấp hơn năm trước. Tìm cho được tài năng như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Lưu Hương Giang… như mùa đầu là nhiệm vụ quá khó của cuộc thi. Vietnam Idol trong 3 mùa giải thì chỉ có Uyên Linh tạo được hiện tượng ngay trong cuộc thi, nhưng giờ đây cô vẫn chưa bật lên được. Vietnam’s Got Talent vừa kết thúc và tài năng ca hát không thể đăng quang.

Có thể nói, chúng ta đang có rất nhiều người đi “hái quả” mà không có ai chăm chú việc “trồng cây”. Cộng thêm vào đó, có quá nhiều cuộc thi “càn quét” khu vườn cây ăn quả dù khu vườn ấy đã không có ai vun vén, chăm sóc. Từ Vietnam Idol, Sao Mai – Điểm hẹn, đến Sao Mai, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường, Vietnam’s Got Talent… toàn những cuộc thi với quy mô toàn quốc, tài năng ca hát cạn kiệt có lẽ không có gì khó hiểu!

Nhìn vào thực trạng của hệ thống đào tạo ca hát chuyên nghiệp của đất nước hiện nay mới thấy, các nhạc viện, học viện, trường văn hóa nghệ thuật của ta chưa có nơi nào có khoa nhạc nhẹ đúng nghĩa, dù nhạc nhẹ là loại nhạc đang thịnh hành trong đời sống âm nhạc đại chúng hiện nay.

Nền tảng về nhận thức thẩm mỹ chung của công chúng âm nhạc còn thấp. Hệ thống đào tạo âm nhạc đại trà ở các trường phổ thông chưa hoàn thiện, chưa thật sự dạy cho học sinh biết thưởng thức một tác phẩm âm nhạc. Mặt bằng chung của thị trường âm nhạc là những ca khúc thiếu cảm xúc, giai điệu cũ mòn. Ca từ được cho là ngớ ngẩn, trần trụi, gây sốc. Ca sĩ thì đa số gây sự chú ý bằng scandal chứ không dựa vào tài năng ca hát. Công luận trong một thời gian dài chán ngán với những kiểu gây sốc và hát nhép của ca sĩ, đạo nhạc của nhạc sĩ… Thị trường âm nhạc cùng quẫn để nhiều ca sĩ phải quay lại với nhạc xưa, nhạc “sến” với thẩm mỹ âm nhạc cách đây hàng nửa thế kỷ.

Nếu chúng ta không bắt tay xây dựng để thoát ra những tình cảnh như trên thì với một “phong trào” ca hát như thế, một nền tảng xã hội như thế, khó lòng xuất hiện những tài năng mà khi họ cất cao giọng hát có thể làm rung động hàng triệu con tim của công chúng âm nhạc hiện tại.

Chân lý rất đơn giản: Muốn hái quả thì phải trồng cây. Nhưng vì lý do nào đó mà những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc hiện nay, ít ai hiểu hoặc cố tình không hiểu?

 

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xã hội nào thì con người đó

Nhạc sĩ Dương Thụ đã thực hiện rất nhiều dự án âm nhạc với các nghệ sĩ nổi tiếng. Anh cũng là thành viên hội đồng thẩm định chương trình Bài hát Việt trong nhiều năm liền.

Nhạc sĩ Dương Thụ đã có cuộc trò chuyện ngắn với OK! về một số vấn đề liên quan đến tìm kiếm tài năng ca hát.

– Theo nhạc sĩ, tại sao thời gian qua có nhiều cuộc thi ca hát trên truyền hình như Vietnam Idol, Sao Mai – Điểm hẹn, Ngôi sao tiếng hát truyền hình…?

Theo tôi, bây giờ có nhiều chương trình là do có nhiều người cần quảng cáo. Các nhà sản xuất thực hiện chương trình văn hóa với mục đích kiếm tiền, với những “format” chương trình mà nước ngoài có sẵn, không phải lao tâm khổ tứ xây dựng kịch bản. Nhưng kiếm tiềm bằng văn hóa nên đôi lúc yếu tố văn hóa bị chi phối, những người nổi tiếng được huy động vào cũng chỉ là một công cụ kiếm tiền.

– Tại sao chúng ta có nhiều cuộc thi ca hát nhưng vẫn không phát hiện ra nhiều tài năng?

Việc có phát hiện ra tài năng hay không còn nhiều vấn đề cần bàn luận. Nhưng không phải cứ có nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát thì sẽ xuất hiện nhiều tài năng.

– Thế thì tại sao, thưa nhạc sĩ? Có phải tài năng được hình thành từ nền tảng kiến thức, thẩm mỹ chung của xã hội?

Xã hội nào, con người đó. Tài năng cũng phản ánh thực trạng của xã hội. Văn hóa nếu ngày càng xuống dốc thì lấy đâu ra tài năng? Sự nổi tiếng bây giờ thành kèm theo tai tiếng. Tài năng âm nhạc bây giờ giỏi về kỹ thuật, còn cái tâm và cái tầm văn hóa thì còn thiếu. Phương Tây cũng vậy, nhưng họ có nền tảng văn hóa tốt nên cân bằng được điều đó. Chúng ta cũng đừng kỳ vọng quá nhiều vào những cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát, bởi cái chính thực lực của xã hội có là cơ sở vững chắc để xuất hiện nhiều tài năng hay không. 

Theo OK!

Thực hiện: depweb

16/06/2012, 16:00