Không chỉ là mùa xuân ở ngoài kia, đời sống âm nhạc cũng có chút gì của mùa xuân đấy. Chút gì đó là những dấu hiệu cho thấy sinh hoạt âm nhạc đang chuyển biến tích cực…
Sự phân hóa trong người nghe
Công chúng âm nhạc trước kia là một khái niệm rất chung chung, nay chia ra thành nhiều nhóm nghe khác nhau, nghe theo sở thích rõ ràng. Nghe chia làm hai loại: công chúng nông thôn thích dân ca, nhạc quê hương (mà những tác phẩm yếu kém của nó thường được gọi là nhạc sến), thích nhạc kháng chiến và cách mạng. Công chúng đô thị (chủ yếu là giới trẻ) thích nhạc trẻ (mà những tác phẩm yếu kém của loại này thường được gọi là nhạc thị trường). Nghe theo sở thích rõ ràng cũng chia thành nhiều loại. Có loại nghiền một phong cách hay thể loại âm nhạc nào đó như Rock, Jazz… cùng với các biến thể và pha trộn, nghiền nhạc cổ điển (Classic Music), nhạc đương đại (Contemporary Music)… Nhóm nghe này là lớp trí thức trẻ đô thị từng du học nước ngoài hoặc thường xuyên tiếp xúc với văn hóa Phương Tây, là dân chơi nhạc, sinh viên nghệ thuật và cánh văn phòng. Họ được xếp vào loại công chúng văn minh. Còn loại khác nghiền nhạc lãng mạn kiểu tiền chiến và Sài gòn cũ, hoặc tổng hợp lại thành “lãng mạn Hà Nội mới”. Nhóm nghe này thường là người lớn tuổi, người của một thời và quá yêu quá khứ, song có thể là những người thành đạt, doanh nhân mới nổi đang muốn dùng âm nhạc để hoàn thiện cho sự sang trọng mà đẳng cấp mình phải có.
Với việc phân chia này, người viết thực sự đã nhìn thấy công chúng của mình, bớt đi được câu tự vấn nản lòng: Viết cho ai nghe? Người hát dễ lựa bài, lựa nơi diễn và chương trình diễn. Dân phát hành chia được thị phần và có cơ sở để đề ra những chiến lược tiếp thị đúng. Vật nào chỗ nấy, là trật tự cần thiết cho sự phát triển. Tuy thế, bề ngoài bất ổn của đời sống âm nhạc hiện nay có thể đã che lấp dấu hiệu tích cực này, khiến nhiều người vẫn còn lo lắng.
Tự làm mới mình
Trước Ngày không mưa Hồng Nhung có dấu hiệu chững lại. Tôi hỏi cô còn muốn hát, muốn làm nghệ thuật nữa không? Cô trả lời dứt khoát: Có. Nhưng để hát thì dễ, mà làm nghệ thuật lại không dễ. Công chúng giải trí đông lắm, song công chúng thưởng thức nghệ thuật đâu có nhiều. Phải diễn ở chỗ nhỏ hơn có nghĩa là giá vé sẽ đắt hơn. Người xem ít, tiền ít, tiếng vỗ tay ít, “người của công chúng” như Nhung liệu có đủ tự tin và thấy buồn không? Có, là một câu trả lời dũng cảm. Từ Ngày không mưa đến Khu vườn yên tĩnh, Album mới phát hành trong tháng 12/2004, Nhung đã có những lúc chùng lại. Cô đã tự làm album theo kiểu cũ (tập hợp bài của những tác giả nổi tiếng đang ăn khách trên thị trường). Dao động ấy cũng là tự nhiên. Bây giờ thì đã ổn. Nhung mạnh dạn tuyên bố trước báo giới, “Album Khu vườn yên tĩnh có thể không đại chúng lắm, nhưng nó là tâm hồn tôi. Khi thu xong tôi cảm thấy mình vô cùng hạnh phúc”. Nhung hiểu nghệ thuật phải chân thực, phải bắt đầu từ mình, không thể giả dối, không thể hát theo những áp đặt tự bên ngoài (đã là ngôi sao thì hát cái gì mà chẳng được ư?).
Người thứ hai tôi biết là Thanh Lam. Album Mây trắng bay về là một đỉnh cao trong sự nghiệp của cô, nhưng cô đã rời bỏ nó. Không chấp nhận dừng lại, trong cơn khủng hoảng Lam vẫn muốn nhờ tôi và Quốc Trung làm một album mới với mong muốn được hát nhẹ lại, đằm thắm và sâu sắc hơn trên nền nhạc đệm ít nhạc cụ và ít âm thanh điện tử. Tôi đã bỏ thời gian viết cho Lam 6 bài hoàn toàn mới, còn Trung 2 bài. Và theo yêu cầu, tôi chọn thêm 2 bài của Lê Minh Sơn. Album đã thu xong phần nhạc. Trong sự toan tính đổi mới, người mà cô yêu cầu bỗng dưng trở thành một lối rẽ. Rất nhanh, cô bỏ tất cả để đến với một sự kết hợp mới. Và Nắng lên với những lời tuyên bố làm bối rối cả những người vẫn coi cô là thần tượng. Cô nói rằng bây giờ mình mới được hát 100% năng lượng còn trước kia chỉ là 30%! Tôi không ngạc nhiên vì biết Lam là thế, người đàn bà hát mà như đang yêu, còn yêu lại như đang hát. Có thể Lê Minh Sơn chưa phải là điểm dừng. Tôi đã nghe đĩa Thanh Lam thu ở Châu Âu với Lan Doky (Nghệ sĩ Jazz rất nổi tiếng người Đan Mạch gốc Việt), tôi thấy có lẽ đấy mới là nơi Thanh Lam cần đến. Đã thay đổi, lại thay đổi. Thế cũng hay chứ sao.
Mỹ Linh, hiền lành nhất trong ba cô, lúc nào cũng cứ chìm chìm, ấy thế lại là người có những đổi mới táo bạo nhất. Từ Mỹ Linh đoan trang sang cả, tươi thắm bản sắc Việt trong Trên đỉnh phù vân, Chị tôi… sang Mỹ Linh trẻ trung hiện đại của phong cách nhạc Funky, R&B trong Tóc ngắn, Made in VietNam. Năm ngoái cô làm bước đột phá khi ký hợp đồng với một hãng thu âm Hoa Kỳ, thu một album mới trong đó có một số bài theo phong cách Hip-hop của tác giả Mỹ. Cùng lúc ở Việt Nam, Linh chuyển sang hát những giai điệu cổ điển semi Classic trong một Album có cái tên khá ấn tượng Chat với Mozart. Chờ xem Mỹ Linh sẽ làm như thế nào? Với cô, đâu mới là đỉnh cao, đâu mới là điểm dừng?
Sự xuất hiện một thế hệ mới?
Mỹ Linh sắp bước vào tuổi 30, còn Thanh Lam, Hồng Nhung đã quá băm rồi. Đành rằng tuổi hát trẻ lâu, song cũng phải thừa nhận các sao này đã là một thế hệ khác. Trước có Linh chị thì nay có Linh em. Cô em Khánh Linh với đám bạn bè cùng lứa, ồ ạt trình làng ở các giải Sao Mai và trên các quầy đĩa vốn xưa nay chỉ dành cho các đàn anh, đàn chị và các ngôi sao nhạc thị trường. Cùng với Linh là Tùng Dương, Ngọc Khuê, Lê Hiếu, Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương… Những nhân vật xuất sắc nhất của thế hệ này cũng chung đặc điểm với các sao lớn thế hệ trước: có học, có khát vọng làm nghệ thuật chứ không phải chỉ mơ ước thành danh và kiếm được nhiều tiền. Họ xuất hiện không phải để lật đổ ai, chẳng lấp vào chỗ trống của người khác để lại. Họ là một thế hệ mới, không dính đến chiến tranh, chẳng phải sản phẩm thời hậu chiến. Họ là “tuổi 20 yêu dấu” (cách nói của Nguyễn Huy Thiệp). Rồi họ sẽ hát những gì, sẽ mang lại cho âm nhạc những gì? Điều ấy còn phải chờ đợi, nhưng chẳng lẽ cái sẽ hát, sẽ mang lại vẫn là cái cũ? Không bao giờ! Bởi tôi biết rằng họ chính là mùa xuân./.
(Nhạc sĩ Dương Thụ)