– Anh rất bận rộn, hiện tại anh đang cảm thấy như thế nào trong khoảng thời gian này – khi SOUL đã hình thành và dự án SOUL Live Project với bước tiến đầu tiên là vở nhạc kịch The Secret Garden?
– Nhạc sĩ Thanh Bùi: Thanh cảm thấy rất hạnh phúc vì mỗi ngày ước mơ của mình đang từng bước dần trở thành hiện thực. Tại vì ở Việt Nam có một câu là “xướng ca vô loài” – nhưng mục đích của Thanh không phải như vậy. SOUL 4 năm trước như một trường học âm nhạc bình thường nhưng giờ đây, SOUL đã mạnh hơn rất nhiều. Đầu vô phải có đầu ra, đúng không nào? Và đầu ra ở đây chính là ước mơ của Thanh, để SOUL là nơi để xây dựng hình ảnh của một nghệ sĩ chân chính.
Nhạc sỹ Thanh Bùi và Đạo diễn âm nhạc Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
– Vậy SOUL muốn xây dựng hình ảnh một nghệ sĩ thực sự như thế nào?
– Nhạc sĩ Thanh Bùi: Mình không học âm nhạc chỉ vì mình có tài năng, mà bởi vì không có gì đơn giản hơn, hay hơn và hiệu quả hơn cách dùng âm nhạc để giáo dục và hàn gắn cộng đồng, và xây dựng một con người hoàn thiện – khoa học đã chứng minh điều đó.
Bản thân Thanh không hề có một bằng cấp chính quy nào về âm nhạc hết,Thanh chỉ có bằng Bussiness IT thôi. Nhưng những gì cho Thanh có được ngày hôm nay là âm nhạc và nghệ thuật. Qua âm nhạc, qua nghệ thuật, Thanh nhìn thấy cuộc sống này lạc quan hơn, thấy trái tim mình nóng hơn. Quan trọng hơn cả, Thanh thấy mình lắng hơn qua âm nhạc, hay nói cách khác, Thanh được tìm thấy Thanh là ai. Và với SOUL, Thanh muốn gửi gắm lại những gì Thanh cảm nhận được như vậy.
– Khi anh mở SOUL, mọi người đều rất ngạc nhiên đấy! Một ca sĩ, một nhạc sĩ với sự nghiệp thăng hoa như vậy, tại sao anh lại rẽ ngang để dạy nhạc?
– Nhạc sĩ Thanh Bùi: Chắc do Thanh… khùng! (Cười lớn)
Thời gian 4 năm với SOUL là không nhiều, Thanh không cố gắng thay đổi mình qua âm nhạc mà Thanh chỉ đơn giản nghĩ rằng, chính âm nhạc mới giúp làm thay đổi con người. Hãy nghĩ xem, một đứa nhỏ lần đầu tiên gặp rất rụt rè, từ từ qua những buổi giao lưu, những buổi trình diễn, được gặp gỡ và làm việc với những nghệ sỹ như RedOne, những người đã từng làm việc với Lady Gaga, Michael Jackson, Nicki Minaj v..v… và khi các em kết nối được với thế giới, các em cảm nhận được mình không “lép vế”, rằng những người nổi tiếng kia cũng chỉ là con người thôi. Cái hay của họ là họ được là chính mình. Thanh muốn các học sinh của SOUL dần dần cảm nhận được như thế.
Đến thời điểm hiện tại, thầy Mark Bell đã thay Thanh trở thành Hiệu trưởng của SOUL. Vai trò của Thanh bây giờ ư? Thanh muốn mình trở thành người xây dựng lên hình ảnh và nghệ thuật đại diện của Việt Nam, từ đó có thể tự tin nói với các phụ huynh và cộng đồng về tầm quan trọng của việc giáo dục con người qua nghệ thuật, mà ở đây là âm nhạc.
– Dự án sân khấu SOUL Live Project có ý nghĩa như thế nào với anh trong thời điểm này?
– Nhạc sĩ Thanh Bùi: Sân khấu là niềm khát khao rất lớn của Thanh mà cũng là của Anh Tuấn – cũng là của các học viên của SOUL. Bởi vì mình cần những sân chơi lành mạnh, kết nối những tâm hồn đam mê về nghệ thuật và âm nhạc và cùng thưởng thức với nhau. Từ SOUL Live Project Thanh mong muốn sẽ mang đến một hình ảnh khác về sân khấu nghệ thuật, là nơi tôn lên những giá trị chân thực nhất của nghệ thuật sân khẩu ở Việt Nam, nhưng cũng có sự kết nối với nước ngoài để từ đó xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam, để đem Việt Nam đến gần với thế giới hơn cũng như mang thế giới lại gần với khán giả Việt Nam. SOUL Live Project là sân khấu như vậy.
Ca sĩ Thanh Bùi: Mở trường dạy học chắc do Thanh… khùng!
Cũng phải nói thêm rằng, thực sự Thanh xây dựng SOUL Live Project cho Tuấn – một đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam học và tốt nghiệp xuất sắc trường Đại học Âm nhạc Berklee danh tiếng (Boston, Massachusetts, Mỹ) với chuyên ngành chính Soạn nhạc, Viết & Sản xuất Nhạc đương đại; và chuyên ngành phụ là Chỉ huy dàn nhạc.
– Nghĩa là theo như Đẹp hiểu, dự án SOUL Live Project được anh xây cho một cá nhân chăng?
– Nhạc sĩ Thanh Bùi: Bởi vì Thanh không thể một mình điều hành SOUL Live Project được! (Cười lớn) Thanh chỉ có thể có các ý tưởng, những sự kết nối v..v… nhưng cần có một người rất hiểu và đam mê về sân khấu, rất muốn thấy được khán giả có những show nghệ thuật đúng nghĩa. Và Thanh thấy niềm đam mê của Tuấn không chỉ qua nhạc cổ điển mà chính là nhạc kịch. Một điều khá lạ với người trẻ tuổi như vậy, đúng không? Có một chia sẻ nhỏ là, bình thường ngồi trên xe đi làm, mình hay nghe nhạc quốc tế như Adele, Bruno Mars, v..v…, nhưng vô xe của Tuấn chỉ có thể nghe … nhạc kịch.
Hợp tác cùng Nhạc sĩ Thanh Bùi trong việc giảng dạy tại SOUL Music & Performing Arts Academy (SMPAA), Nguyễn Đỗ Anh Tuấn được Thanh Bùi nhận xét là một người làm nghệ thuật có 3 chữ T quan trọng: Tâm, Tầm và Tài. Quan điểm về âm nhạc của Anh Tuấn cũng giống như Thanh Bùi: “Mục tiêu cuối cùng của âm nhạc là chạm đến cảm xúc của người nghe”.
– Như vào một thế giới khác hoàn toàn đúng không, thưa Anh Tuấn? Là một người còn rất trẻ, tại sao anh lại có một đam mê lớn với nhạc kịch đến như vậy?
– Đạo diễn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Vào trong một những thời điểm quan trọng nhất của mình, Tuấn may mắn được ba mẹ cho cơ hội tiếp cận với văn hóa thế giới qua việc đi học ở nước ngoài. Lần đầu tiên mình mới biết được nhạc kịch là như thế nào, chứ trước đó mình có xem cái này xem cái kia nhưng lúc đó mình còn chưa hiểu gì. Năm lớp 11, mình lần đầu tiên được diễn trong vở “Những người khốn khổ” và được tiếp cận với những dự án sân khấu cộng đồng (community theater).
Sân khấu kịch hiện đại cộng đồng là một trong những niềm tự hào về nghệ thuật sáng tạo cộng đồng, xuất phát từ Mỹ. Lễ trao giải Tony Awards mỗi năm được phát trên truyền hình với mục tiêu là giới thiệu với toàn thể người dân những tinh túy nhất của sân khấu, đó là một sự khơi gợi cảm xúc và truyền cảm hứng tới mọi người rằng ai cũng có thể trở thành một nghệ sĩ.
Hai thầy trò: nhạc sĩ Thanh Bùi và đạo diễn âm nhạc Nguyễn Đỗ Anh Tuấn trước thềm sân khấu nhạc kịch The Secret Garden
Tất cả các vở diễn đều quy tụ những nghệ sĩ hàng đầu và thông qua đó giới thiệu những câu chuyện sân khấu, truyền cảm hứng cho các tổ chức sân khấu cộng đồng sản xuất những vở diễn, tạo cơ hội những người không đủ điều kiện đến dự ở các sân khấu lớn, có thể tự tìm hiểu về vở diễn và tự thể hiện lại trên sân khấu của chính họ. Và thực sự Tuấn cũng như anh Thanh, ước mơ rằng sẽ mang được tinh túy của nghệ thuật này đến với khán giả Việt Nam.
– Nhưng chọn nhạc kịch – một loại hình khá kén khán giả ở thời điểm hiện tại. Liệu các anh có liều lĩnh quá không?
– Đạo diễn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Thực sự khi học và hiểu về âm nhạc, Tuấn mới thấy rằng, cái hay của âm nhạc chính là giai điệu và sự kết nối từ chính những giai điệu đó. Nhạc kịch ở nước ngoài cũng giống như tuồng, như chèo, như cải lương ở Việt Nam thôi! Đều là những tinh hoa nghệ thuật của từng nền văn hóa, do cộng đồng sáng tạo ra và bảo tồn qua từng thế hệ.
Tại sao SOUL Live Project không thể học từ các nước như thế? Thông qua cách làm sân khấu cộng đồng, SOUL Live Project hy vọng sẽ góp phần phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu này tại VN, giúp chúng ta hiểu hơn rằng thế giới đã có những thủ thuật như thế nào, đã làm gì để khơi gợi được sự tưởng tượng từ chính khán giả. Tuấn cùng ekip của mình hy vọng sẽ mang những buổi diễn đặc biệt đến cho khán giả Việt. Đó là hướng đi rất dài trong tương lai của SOUL Live Project trong mảng nhạc kịch, bên cạnh rất nhiều những loại hình âm nhạc mà Tuấn, anh Thanh cùng những cộng sự muốn mang đến cho khán giả Việt Nam.
– Như một sự sắp đặt ngẫu nhiên, tại Hà Nội vừa qua cũng công chiếu một vở nhạc kịch của một đạo diễn rất trẻ, và hình như cũng thuộc loại hình sân khấu cộng đồng. Các anh không sợ bị… so sánh hay sao?
– Đạo diễn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Tuấn thì nghĩ là không! Tuấn và anh Thanh cùng tất cả mọi thành viên của SOUL Live Project không hề nghĩ gì về việc so sánh hay cạnh tranh khi quyết định thực hiện dự án này. Đó là câu chuyện về sau này. Tuấn hy vọng rằng, SOUL Live Project sẽ khơi gợi và học hỏi những điều tinh túy nhất trong các loại hình nghệ thuật, bắt đầu từ vở nhạc kịch ‘The Secret Garden’ – từ đó tạo ra những sản phẩm có hình ảnh âm nhạc rất Việt Nam để mang Việt Nam ra thế giới”
– Nói về The Secret Garden – Chọn một vở nhạc kịch được trình diễn bằng tiếng Anh, lại chỉ với mục đích bán vé từ thiện và tập trung những diễn viên không phải chuyên nghiệp, liệu Soul Live Project có mạo hiểm quá không, vì cảm giác như một sự thách thức với khán giả?
– Nhạc sĩ Thanh Bùi: Mình không thử thì làm sao biết? Để có những ngôi sao lớn, những người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, những kiệt tác nghệ thuật làm thay đổi thế giới như The Lion King, như Les Miserables… thì không thể từ ‘zero to hero’ được.
Mình cần phải làm từng bước một, từ những gì nhỏ nhất. Và với riêng nhạc kịch, community theater (nhạc kịch cộng đồng) là một trong những hoạt động được mong chờ nhiều nhất ở nước ngoài, nơi Thanh từng sống. Với SOUL Live Project và The Secret Garden, dàn diễn viên tham gia không phải là những người chuyên nghiệp nhưng Thanh nghĩ, để họ trở thành những người chuyên nghiệp, cần trao cơ hội để họ thể hiện và trở nên chuyên nghiệp. Đúng vậy không? Ở Việt Nam không có một sân chơi như vậy. Chính vì thế SOUL Live Project kết hợp cùng Amberstone Media thực hiện dự án nhân văn này. Ngoài việc tạo sân chơi cho các tài năng trẻ, toàn bộ lợi nhuận thu được từ các buổi công chiếu sẽ được trao tặng cho tổ chức Phi chính phủ Saigon Children’s Charity nhằm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
– Và nội dung của The Secret Garden cũng là câu chuyện kể về những ước mơ?
– Nhạc sĩ Thanh Bùi: Chính xác! Vở nhạc kịch này kể về những ước mơ, những khát khao của những đứa trẻ không đủ điều kiện và may mắn. Thanh nghĩ, tại sao không? Ước mơ sẽ có lúc trở thành hiện thực mà!
– Đạo diễn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Cũng phải khẳng định thêm rằng, khán giả Việt Nam hiện giờ rất giỏi, rất thông minh. SOUL Live Project hy vọng sẽ mang nhạc kịch The Secret Garden như một luồng gió mới và sẽ chạm đến “soul” – tâm hồn mỗi khán giả.
– Xin cảm ơn hai anh về buổi trò chuyện này!
Với hơn 700 xuất diễn trên sân khấu Broadway (Mỹ) và West End (Anh), “The Secret Garden” đã chiến thắng ba giải Tony Award (giải thưởng danh giá dành cho nghệ thuật sân khấu, sánh ngang với Grammy trong âm nhạc và Oscar trong điện ảnh) và vẫn là một trong những tác phẩm kinh điển được yêu thích trong cộng đồng yêu nghệ thuật sân khấu thế giới. Tháng 11 này, tại sân khấu SOUL Live Project, khán giả sẽ được bước vào thế giới nhạc kịch Broadway đầy màu sắc và khung cảnh kỳ diệu của nước Anh những năm đầu thế kỷ 20.
Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán vé và tài trợ sẽ được chuyển đến Tổ chức từ thiện Saigon Children’s Charity, nhằm giúp đỡ các trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn và khiếm khuyết, mang đến cho các em hỗ trợ giáo dục toàn diện và một khởi đầu tốt hơn trong cuộc sống.
Thông tin chi tiết tại đây: The Musical – The Secret Garden
Bài: Huyền Lê
Ảnh: Trung Phạm – Retouch: Dannis Waap