Nhạc sỹ Phú Quang: Gừng càng già càng… kiêu

Nhạc sỹ Phú Quang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Phú Quang có còn mới? Xem ra, câu “nghe nhạc đoán chương trình” đúng mọi nhẽ, với riêng “ca” này, rõ ràng là “bình cũ rượu cũ” nhưng ba đêm hay sáu đêm thì đều “cháy vé.” Thế mới tài!
Không ăn theo… “Catinat cafe sáng”
– Cái mới nhìn thấy được trong chuỗi ba đêm nhạc “Những nẻo đường anh đã đi qua” lại hơi yếm thế, là có ca khúc “Catinat cafe sáng” – “bổn cũ ” lâu lắm mới được “soạn lại.” Xem ra, ông cũng biết chớp thời cơ để mình “thời sự” hơn đấy chứ?
– Nhạc sỹ Phú Quang: Nói tôi ăn theo vụ lùm xùm đạo thơ “Catinat cafe sáng” là dở. Tôi chẳng bao giờ ăn theo ai, thậm chí cứ cũ nhưng năm nào ba đêm nhạc của tôi cũng kín chỗ.
“Catinat cafe sáng” là bài hát tôi phổ nhạc từ thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Số phận của nó cũng như biết bao ca khúc phổ nhạc khác, thậm chí ít nổi tiếng hơn.
Trước đây, bài hát này đã nhiều lần xuất hiện trong các đêm nhạc của tôi. Hôm nay, người ta nhắc thì mình bỗng thấy nhớ. Kasim Hoàng Vũ sẽ hát, như một tri ân của tôi với tác giả thơ.
Kasim Hoàng Vũ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Trong thành tựu sáng tác của tôi, có công lao của các nhà thơ. Có bài tôi giữ nguyên phổ nhạc như “Tình khúc 24” của Dương Tường, hay “Khúc mùa Thu” của Hồng Thanh Quang, nhưng cũng có bài tôi chỉ lấy một câu như “Hà Nội ngày trở về,” “Mẹ”… để thấy sự kết nối, hội tụ và chắp cánh về tinh thần giữa thi sỹ và nhạc sỹ. Tôi luôn cố gắng tạo cơ hội để khán giả nhớ tới họ. So với tôi, họ thiệt thòi hơn.
– “Những nẻo đường anh đã đi qua”còn có thêm những thước phim minh họa “không đầu, không cuối” của đạo diễn Phạm Việt Thanh. Xem ra, không chỉ giỏi “dụ” vợ bạn (nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh làm MC) khá nhiều lần trong các đêm nhạc, ông còn biệt tài “thôn tính” cả chồng làm hình ảnh sân khấu?
– Nhạc sỹ Phú Quang: Chúng tôi là những người bạn lâu năm của nhau. Tôi và Việt Thanh chơi với nhau từ khi ông này còn cưa cẩm Lê Khanh cơ mà. Vì vậy, những ám chỉ, nghi ngờ tôi yêu Lê Khanh là rất… thô thiển.
Sự hiện diện của Lê Khanh từ giọng nói đến những ý nhị, tinh tế luôn là lựa chọn hợp lý, làm tôi thấy yên tâm và ấm áp nhất. Các cụ nói, “giàu vì bạn” có phải không?
Cũng như Lê Khanh, đêm nhạc lần này, với sự hàm xúc của nó, những thước phim của Việt Thanh là rất cần thiết. Tôi nhé, không phải ai muốn cũng được tôi mời làm cùng. Đơn giản ở đây là đẳng cấp. Có anh bạn thân lắm, trách tôi, “mỗi năm mày làm mấy đêm nhạc mà không cho tao xuất hiện một lần cho oai.” Tôi phá lên cười, động viên bạn, “mày cứ ngồi đấy, để tao làm, được bao nhiêu tiền tao chiêu đãi mày.” Thế cho nhanh, tôi ấy!


Nghệ sỹ Lê Khanh đảm trách MC cho đêm nhạc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sáu đêm nhạc một năm sao lại là nhiều?
– Thường thì ba đêm, đột biến như năm nay là sáu đêm nhạc, nhưng tới lui từng ấy cái tên, mặt người, từng ấy ca khúc… MC luôn là Lê Khanh, ca sỹ “đinh” không ai khác ngoài Ngọc Anh 3A. Công thức “bình cũ rượu cũ” này, khiến ối kẻ ngả nón trước biệt tài “nhai lại” của Phú Quang đấy?
– Nhạc sỹ Phú Quang: Ô hay, một nhạc sỹ như tôi hay một ca sỹ như Ngọc Anh 3A mỗi năm xuất hiện 6 lần, sao lại là nhiều nhỉ?
Đôi khi tôi cũng thấy buồn cười trước sự hà tiện của người đời. Nghệ sỹ, họ sáng tác là để âm nhạc phải được cất lên, được đến với khán giả. Họ phải sống chứ. Bạn nghĩ xem, một năm chúng ta sống 365 ngày, đêm nhạc của tôi chỉ là con số lẻ nhỏ bé nhất, vậy là quá ít chứ.
Người làm nhạc như tôi, khán giả còn thương, còn thích thì còn sống. Thậm chí, càng ngày, được nhấp nháp thứ rượu cũ, lâu năm, còn khiến con người ta say đấy nhé. Men rượu như men nhạc, càng ủ càng nồng, càng nhâm nhi càng đượm.
Còn sòng phẳng mà nói về sự cũ-mới trong nghệ thuật nhé, tại sao chúng ta lại cho mình quyền nhấc lên đặt xuống hạn sử dụng của tác phẩm và tác giả nhỉ? Một bài hát, một giọng ca đã có giá trị, và sức sống qua thời gín thì chỉ cần được nghe thôi đã thấy bồi hồi, sung sướng. Mới mà không hay, chỉ là điều vô nghĩa.
Ai nói tôi “nhai lại” cũng chẳng sao, tôi còn tự hào. Quan trọng là khán giả còn thích, còn muốn nghe, thì nhai lại càng nhuyễn và bùi. Khán giả không còn thương, nửa đêm nhạc cũng đừng mơ.
Ca sỹ Ngọc Anh 3A. (Ảnh: Hải Bá)
– Xem ra, lý do “khán giả thương” là quá khiêm tốn với đẳng cấp “gừng càng già càng… kiêu” của Phú Quang?

– Nhạc sỹ Phú Quang: Ừ, tôi kiêu đấy! Khán giả còn thương thì dù mình già, vẫn kiêu. Mà bạn tưởng, được công chúng sành tai như nhà mình thương lâu thế mà dễ đấy (cười)!

Chủ trương… nhạt

Ngoài giá trị âm nhạc, khán giả thường bị xao xuyến bởi lối đặt tên những đêm nhạc rất giàu tính thơ của ông. Từ “Hà Nội và em khi Thu chớm Đông sang,” “Tháng Ba cho em cơn mơ chiều nắng nhạt”… cái tên “Những nẻo đường anh đã đi qua” có vẻ… nhạt?
Nhạc sỹ Phú Quang: Tôi chủ trương… nhạt, thật! Chẳng hiểu sao, càng ngày tôi càng thích những điều giản dị. Chắc, tôi già rồi!
Nhưng tôi thấy tên này nói được nhiều điều đấy chứ. Không phải những con đường, mà là “Những nẻo đường anh đã đi qua.” Nghệ sỹ bọn tôi, cũng lắm nẻo khó nói ra được lắm, đành giấu hết vào nhạc (cười).

Nhạc sỹ Phú Quang và đạo diễn Việt Thanh tại buổi họp báo chương trình tại Hà Nội. (Ảnh: Hải Bá)
– Chủ trương nhạt, nhưng tôi thấy ông vẫn dùng mãi mánh “câu khách” kiểu gì thì kiểu cũng són ra một bài hát mới và tự hát trong các đêm. Có bao nhiêu % sự thật trong sự thật những bài đang “nằm trong ngăn tủ” ấy! Ối kẻ bán tín bán nghi, để bớt cũ, Phú Quang viết mới một bài. Liệu Phú Quang có dám thử một lần nói ra đừng… kiêu?
Nhạc sỹ Phú Quang: Đó là bài “Tự khúc mưa” và đúng là đã nằm trong ngăn tủ khá lâu rồi. Và như thường lệ, tôi sẽ là người hát bài hát đó. Bởi, một bài hát cũ, gắn với một ký ức thì chỉ tác giả hiểu rõ nhất.
Tôi làm đêm nhạc như kỷ niệm cho tôi và bạn bè, khán giả. Tôi không chủ đích làm hoan hỉ tất cả. Ai tin cứ tin, ai nghi ngờ cứ thế nghi ngờ.

Sống đến từng này tuổi, có người khen tôi khôn, nhưng cũng có người vẫn chửi tôi dại. Cuộc đời biết thế nào là khôn, là dại. Nếu được chọn, tôi muốn mình khôn. Còn hiểu mình, thật, tôi chỉ thấy mình liều.

Theo VietnamPlus

From the same category