Nhạc sĩ Trần Tiến: “Đừng đùa với người Việt”

– Được biết, ông xuất hiện trong Giai điệu Tự hào tháng 7 và hát lại bài “Cô gái Sầm Nưa” một đoạn bằng tiếng Lào. Từng là người lính tình nguyện tại chiến trường Lào (1960 – 1962), ông có thể chia sẻ về hoàn cảnh ra đời ca khúc, và những kỷ niệm của ông thời gian viết bài hát?

– Ngày đó tôi mới viết bài hát đầu tay là “Bài ca thanh niên ra tiền tuyến” được Hội Nhạc sỹ và trung ương đoàn trao giải A. Rồi Hội Nhạc sĩ có một chuyến đi Lào cùng với hội Nhà văn và Hội Nhiếp ảnh. Tôi, nhạc sỹ trẻ nhất được đi trong chuyến đó, cũng có lẽ vì kiêm nghề ca sỹ đang nổi tiếng nên làm được nhiều việc. Lúc đó đang sẵn “máu” sáng tác, nên gặp em Nhọt kẹo xinh đẹp là viết bài hát rồi hát tán tỉnh luôn – và bài hát đó chính là “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” (sau đổi thành “Cô gái Sầm Nưa” – PV).

Nhạc sĩ Trần Tiến

– Ông còn có một tên gọi bằng tiếng Lào là Xổm Bun, ông có thể chia sẻ cho chúng tôi: những ký ức về quân tình nguyện Việt Nam và nhân dân Lào khi đó?

– “Cô gái Sầm Nưa” chính là công chúa nước Lào. Cô ấy nghe bài hát rồi xin cha (Hoàng thân Souphanouvong) được đặt tên tác giả bài hát là tôi khi ấy – tên Xổm Bun (tiếng Lào là hạnh phúc vĩnh viễn gì đó). Lúc đó, biên chế của tôi là lính tình nguyện, không được lộ bản chất là người tình nguyện Việt. Nhưng chẳng biết thế nào, một hôm nhạc sĩ Đỗ Nhuận – trưởng đoàn nói với tôi: phía Lào muốn hỏi ý kiến, vì Công chúa Lào muốn cưới, tôi có chịu không. Tôi trả lời: “Em mới 20 tuổi, không biết gì về chuyện này và cũng chưa có tình cảm gì với cô ấy. Viết bài hát thì chỉ là một ước mơ, tưởng tượng thôi, chứ có gì đâu. Cầm tay còn chưa được mà” (cười)

– Đã lâu ông ít xuất hiện trên các sân khấu, ông có nhớ nhiều về thời là người hát rong trong những chuyến “du ca” một thời? Nếu bây giờ được tiếp tục “hát rong”, thì những câu chuyện nào ông muốn được cất lên thành tiếng hát, xoa dịu cuộc đời?

– Nếu tôi còn sức đi hát lang thang thì tôi chỉ hát một câu trong điệp khúc của một bài hát “Không thể khuất phục” chưa công bố trong những đám đông biểu tình về chủ quyền đất nước.

– Ông đã lui về ở biển, nơi ông làm bạn với thuyền thúng và tiếng sóng đêm đêm. Bình yên nơi đó có giúp lòng ông yên tĩnh, khi đất nước dù vắng tiếng súng, vẫn thỉnh thoảng trồi lên những âm thanh chưa thực bình yên?

– Tôi rất buồn vì trong lúc cả nước sôi động về biển Đông, tôi phải nằm viện chống đỡ với bệnh tật tuổi già. Tôi ở vùng biển hoang vu tưởng như xa rời mà lại hoá gần gụi và thậm chí sâu sắc hơn với những biến động của đất nước. Bạn biết đấy, giữa tâm bão thì sóng lặng. Bom rơi ngay cạnh thì không nghe tiếng gầm.

– Những ngày tháng này, ông nghĩ thế nào về những dải đất vùng biên giới? Hình ảnh biên giới trong ông gợi lên điều gì?

– Biên giới chỉ là một cột mốc, một con suối, một nửa con sông hoặc chỉ đơn giản là một khúc gỗ ghi chữ Việt Nam. Đôi khi cũng chẳng có giá trị kinh tế, chính trị gì, nhưng nó là danh dự một giống nòi – như bất cứ một sinh vật nào tự khẳng định chỗ ở của mình bằng một tiếng hót, tiếng hú, tiếng sủa hay thậm chí chỉ là một mùi hương. Đó là bản năng sinh tồn. Đó là sự yên ổn và phát triển. Còn tranh chấp, còn mãi bất ổn. Song chúng ta luôn phải lo lắng vấn đề này vì quá nhiều kẻ dòm ngó nước Việt. Vì bởi, họ thường cậy là nước lớn và giàu hơn, mạnh hơn đòi bắt nạt chúng ta. Tiếc thay cho họ, người Việt chẳng có gì ghê gớm, chỉ có tính bất khất là vĩ đại. Đừng đùa với người Việt.

– Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, đề tài biên giới, nhân dân và các lực lượng vũ trang trên biên giới chiếm một vị trí đáng kể với những âm giai đẹp, tạo được dấu ấn sâu sắc trong công chúng cả nước. Ông có đặc biệt thích một ca khúc nào đó về đề tài này?

– Tôi nghe được hai bài hát về biên giới, hải đảo rất hay và xúc động trong những buổi diễn nào đó, nhưng không nhớ tên bài. Thật xin lỗi.

– Nếu được hát, lúc này, câu hát nào của chính ông muốn hát, cho đất nước này?

– Đó là câu điệp khúc: “Không, không ai được chạm vào danh dự người Việt Nam”

– Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ!

Bài: K.Y.M

Ảnh: Đẹp


logo

                                                                                                                


From the same category