Nhạc sĩ Quốc Trung – Giải thưởng âm nhạc: Trào lưu chưa thấy, chỉ toàn phong trào

– Một nền âm nhạc phát triển luôn có những giải thưởng âm nhạc để tôn vinh. Nhưng nếu chỉ mang tính tôn vinh thì các giải thưởng âm nhạc có nói lên hết được giá trị của mình?

– Tôi nghĩ một giải thưởng âm nhạc dù lớn hay nhỏ cũng phải có thêm tính định hướng. Định hướng ở đây nên hiểu rằng nó mang tính dự báo, định hướng xu thế âm nhạc, xu hướng khán giả, xu hướng thẩm mỹ…  

– Định hướng là điều quan trọng nhưng có những nghệ sỹ được đề cử và ai cũng cho rằng họ xứng đáng được lôi từ bóng tối ra ánh sáng, và cũng xứng đáng cho một xu hướng âm nhạc mới nào đó, indie chẳng hạn, nhưng rồi cuối cùng, một, hai năm trôi qua họ vẫn im tiếng…

– Tôi biết có những nhân vật như vậy. Hải “bột” (Nguyễn Công Hải) của nhóm “Quái vật tí hon” ngày xưa là một nhân vật như vậy. Tôi rất thích âm nhạc của anh ta nhưng Hải lại là một người khép kín. Và cũng đáng tiếc là nhóm đã tan rã quá nhanh, nếu không tôi nghĩ họ sẽ thành công. Sau đề cử Cống Hiến, đã có rất nhiều người công nhận Hải xứng đáng, dù trước đó ai cũng thắc mắc không biết nhân vật này là ai.

 

– Có thể điều này là do quan niệm? Ở Việt Nam ít có quan niệm nào mà không bị “ném đá”, và các giải thưởng âm nhạc cũng vậy. Ngay cả Cống Hiến, cánh báo chí cũng không hẳn 100% đồng thuận…

– Ở Việt Nam tôi thấy ai cũng tự cho mình cái quyền can thiệp một cách thô bạo vào những quan niệm, định hướng, kể cả những sản phẩm âm nhạc. Không chỉ giữa nhà báo với nhà báo, nhà báo với nghệ sỹ mà còn cả nghệ sỹ với nhau, nghệ sỹ với công chúng… Ai cũng tự cho mình quyền được phán. Nếu bạn muốn tôi tôn trọng những quan niệm của bạn thì ngược lại bạn phải tôn trọng những quan niệm của tôi chứ đừng bao giờ áp đặt quan niệm của mình lên người khác.

Nói khía cạnh này để thấy rằng bất cứ một giải thưởng âm nhạc nào, dù lớn hay nhỏ, dù uy tín hay không, thì đều có tiêu chí riêng của mình. Như trong buổi họp báo giải Cống Hiến ở Hà Nội mà tôi tham dự, tôi thấy có nhiều nhà báo đã đứng dậy và chất vấn rằng tại sao không có ca sĩ này, tại sao ca khúc này hay thế mà không được đề cử trong khi cái khác thì lại có… Đến nỗi, cuối cùng ông Phó BTC phải đứng dậy và nói rằng, “Chúng tôi muốn như thế, chúng tôi chịu trách nhiệm về đề cử của mình và uy tín của giải thưởng”. Ông ấy nói đúng đấy chứ, bởi BTC giải thưởng đó có quyền làm thế. Không ai áp đặt được chuyện này. Nếu người khác thấy như vậy là thiếu công bằng thì hãy cứ nói thẳng rằng giải thưởng này được trao không xứng đáng chứ đừng hỏi tại sao thế này tại sao thế kia…

Đây là một ví dụ điển hình mà tôi thấy, rằng luôn có sự thiếu tôn trọng trong các quan niệm, kể cả tiêu chí của từng giải thưởng âm nhạc và đáng tiếc bây giờ chuyện này đã thành một thói quen.

– Với tư cách là một người hoạt động lâu năm trong showbiz Việt thì theo anh các giải thưởng âm nhạc có còn hấp dẫn với các nghệ sỹ hay không?

– Tôi nghĩ nó vẫn còn rất hấp dẫn và điều ấy lại là sự nguy hiểm cho các nghệ sỹ trẻ. Dường như ai cũng cần một giải thưởng để làm màu và họ sẽ chạy theo những cái giả tạo, phù phiếm, háo danh để có bằng được giải thưởng đó… Tôi muốn nói lại rằng, một giải thưởng âm nhạc ngoài chuyện tôn vinh còn phải có tính định hướng. Sự định hướng này phải được nhìn thấy trong các lớp kế thừa. Nhưng bây giờ nhìn vào tôi nghĩ rằng đa phần họ (nghệ sỹ trẻ) đều chạy theo cái hào nhoáng. Muốn có lớp nghệ sỹ kế thừa thì điều đầu tiên là họ phải có máu nghệ sỹ, phải dấn thân, đi tìm và làm những gì thể hiện được cái tôi của mình. Cái đáng sợ là lớp trẻ bây giờ chỉ luôn hướng tới các giải thưởng âm nhạc và nghĩ rằng giải thưởng ấy sẽ tạo cho mình chỗ đứng trong thị trường trong khi bản thân họ lại chẳng hề có một nỗ lực nghệ thuật nào.

– Anh thì nghĩ là hấp dẫn, còn tôi nghĩ là đã bão hòa bởi công chúng dường như chẳng còn mặn mà lắm…

– Chưa hẳn, anh thấy fan này fan nọ cầm hoa, biểu ngữ hô vang đầy trong các lễ trao giải đấy thôi. Những lớp nghệ sỹ như thế tạo ra lớp công chúng như thế, tôi nghĩ là rất đáng lo. Tôi không đặt tiêu chí cao siêu nào cả nhưng với tôi, âm nhạc không thể là thứ dễ dãi được. Đừng bao giờ coi thường âm nhạc một cách dễ dãi như thế.

– Vậy thì các giải thưởng âm nhạc đâu có lỗi khi mà thị trường chỉ có những nhân vật ấy để được tôn vinh?

– Không, như tôi đã nói, cần phải có tính định hướng trong các giải thưởng âm nhạc. Bởi nếu anh không tôn vinh được những giá trị đích thực của người nghệ sỹ thì sẽ không bao giờ tạo ra được lớp kế thừa xứng đáng. Thử hỏi nếu có những giải thưởng sinh ra để bán, rồi thì sao? Thì sẽ có người đến mua. Cuối cùng hai bên cùng có lợi, chỉ có âm nhạc là thiệt.

– Nhưng tôi nghĩ cũng có những giải thưởng đã đem đến một giá trị tích cực cho đời sống âm nhạc đấy chứ?

– Tất nhiên là có nhưng không nhiều. Tôi nghĩ Cống Hiến là giải thưởng âm nhạc ít nhiều không bị chi phối bởi thị trường, dư luận hay các công ty giải trí… Nó có một độ dài thời gian đủ để chứng minh bản lĩnh của mình. Điều quan trọng của một giải thưởng âm nhạc là sự uy tín, tiêu chí đề ra và đi đến cùng mà điều này không phải giải thưởng nào cũng làm được.

– Vậy theo anh, những giải thưởng âm nhạc được trao từng năm có phản ảnh đúng dòng chảy âm nhạc trong năm đó?

– Nếu gom lại hết thì sẽ thấy đúng. Có những giá trị thật được lộ ra, có những giá trị ảo cũng lộ ra. Ý nghĩa của các giải thưởng có uy tín là tạo ra được trào lưu nhưng tôi thấy ở Việt Nam chỉ tạo ra phong trào, tạo ra thói quen mà thôi.

Bài: Cung Tuy – Ảnh: Bobby Nguyễn


From the same category