Nhạc sĩ Quốc Bảo: Tự dưng mà tôi yêu

1. Tôi yêu Hà Nội, tự dưng. Chắc vì tôi mê phở. Một tháng rưỡi bay ra bay về Hà Nội – Sài Gòn, tôi toàn ăn phở, từ những nồi phở xập xệ hè phố đến tiệm bàn ghế khang trang, ăn đủ loại đủ kiểu đủ vị, ăn trong cái giá lạnh lâm thâm những chiều mưa, ăn trong cái nóng hầm hập bỏng rẫy giữa trưa. Chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội canh cánh một nỗi nhớ: nhớ phở.

Có thế mà làm nên tình yêu với một vùng đất.

Tự dưng mà tôi yêu những con phố ven hồ Halais, nơi tôi đi dạo, thường là một mình, nhiều buổi chiều liên tiếp. Những đoạn phố thẳng hàng, song song, bờ hè rộng thênh, nắng trải đều mênh mông và trên đầu mây rất thấp. Mẹ tôi bảo, mẹ muốn về quê Thái Bình rồi vòng lại Hà Nội vài hôm, thích hồ Halais lắm, thích những con phố ấy hơn khu phố cổ nhiều. Mẹ tôi xa Hà Nội đã sáu mươi năm mà còn nhớ hồ Halais, và tất nhiên, nhớ phở.

Tự dưng mà tôi yêu Hà Nội cũng như tự dưng tôi yêu mến vô hạn những người bạn Hà Nội. Chúng tôi thân thiết đã lâu, vào những năm tôi không ra Bắc lần nào. Chúng tôi thân nhau qua mạng xã hội, qua những tin nhắn, những lần gặp mặt ngắn ngủi ở Sài Gòn. Câu lạc bộ Leica Việt Nam thân tình như anh em một nhà, giờ tôi mới có dịp cùng họ đi đó đây, hồn nhiên tụ bạ vỉa hè, hòa cùng cái nóng cái lạnh của thời tiết, nói những câu chuyện chẳng bao giờ đi đến đâu, như vun một cái cây mình biết chẳng bao giờ lớn. Chỉ để vui. Chỉ để thấy ấm lòng khi ta có thể gìn giữ được một tình thân trong đời sống quá nhộn nhạo, ô nhiễm này.

Tự dưng mà tôi yêu những đêm ngủ khách sạn, một mình, mặc dù như nhạc sĩ Lương Minh bạn tôi nói đùa, ngủ một mình thì mệt mà thức một mình cũng mệt. Khách sạn tôi ở, chỉ xích vài bước chân là đến nhà cố nhạc sĩ Văn Cao, chỉ dịch đi vài phút là ra hồ Halais, hoặc nếu muốn, thì đi ngược chiều xe xuống Hàng Lọng, Nam Ngư. Tôi yêu nơi này, nơi tôi không phải gặp ai, không phải tiếp những người khách không muốn tiếp, không phải trả lời những cuộc điện thoại không cần thiết, không phải đánh mất sự riêng tư của mình như trong trường hợp ở chung với các bạn trong đoàn dự thi Bước Nhảy Hoàn Vũ. Những đêm ngắn ngủi cố dỗ giấc để sáng sớm bay về Sài Gòn hay là đi cà phê, đêm ngắn không ngờ, đêm nơi lạ giường lạ nằm nhớ duy nhất một người, chợp mắt thiếp đi vài tiếng đồng hồ cũng chỉ để nhớ một người.

2. Tự dưng mà tôi yêu các bạn thi Bước Nhảy Hoàn Vũ.

Thoạt tiên, tôi không quan tâm đến thí sinh. Tôi nhận lời làm giám khảo là vì nể anh M., giám đốc Cát Tiên Sa; và cũng có chút ham vui mong gặp và làm việc với Lương Minh, bạn cũ, người tôi rất quý mến từ cái thuở Minh còn chơi trong ban Hoa Sữa. Tức là tôi chẳng thấy một áp lực nào trong công việc, chẳng hề để ý gì đến những chuyện thị phi, và cũng chẳng thấy niềm vui nào to tát. Chỉ vui nhỏ, vui vừa. Ừ thì ta đi chơi vài chuyến. Ừ thì phải có dịp này mới chịu nhấc cái thân lười biếng mà trèo lên máy bay. Ừ thì nhờ có Bước Nhảy Hoàn Vũ mới xóa được nỗi ngán ngẩm ngủ khách sạn. Tôi đã đến tuổi thờ ơ với những gì không quan trọng, không gây ấn tượng, không đáng. Tôi ra Hà Nội làm giám khảo mà không trả lời cuộc phỏng vấn nào về cuộc thi, về vai trò của mình. Không đáng. Tôi đã đến tuổi làm gì cũng phải vui, vui cho mình, tận hưởng những món quà của thời gian.

Nhưng rồi dần dà tôi thấy quý mến các bạn thí sinh, đặc biệt là sau khi Hoàng My bị loại. Cô bị loại, đó là điều không tránh khỏi, cô đã không tỏa sáng được ở bất kỳ lúc nào. Nhưng cái giây phút thấy mình bị loại nó mới buồn thảm làm sao! Đêm đó, khi My đang khóc nức nở trên sân khấu, một cậu nhà báo vớ vẩn nào đó chạy lại phía tôi, phán một câu rất bất cần nhân tình: “Anh đâu có cứu nổi Hoàng My!” Tôi bảo, cút đi. Dốt thì còn tha thứ được chứ ác tâm thì không nên tồn tại.

Sau đêm thi thứ hai, tôi quan tâm đến thí sinh hơn. Những lời bình trong đêm trực tiếp chỉ để mua vui tích tắc (nếu muốn duyên dáng quyến rũ thì cứ chịu khó google để mà tìm ý tứ “độc”, tha hồ mà duyên), việc theo dõi và kiểm soát tiết mục thi mới quan trọng. Chọn nhạc khó quá, ban nhạc và ca sĩ live không thể hiện được, chết. Chọn nhạc dễ quá, không “ra chiêu” được, chết. Lười thì chết đã đành, chăm quá cũng có thể chết, vì dốc sức quá sớm, ngựa không chạy được đường dài.

Những shows giải trí kiểu Bước Nhảy Hoàn Vũ, ai giữ được bình thản và niềm vui nội tâm lâu nhất, người ấy chiến thắng. Tôi không có “gà” nào trong cuộc thi, không để ý đặc biệt đến ai, không lấy số phone của bất kỳ thí sinh nào, chỉ thuần túy đóng vai trò người quan sát ngoại cuộc và góp ý cho từng tiết mục sao cho thí sinh phát huy tối đa khả năng. Họ tham gia thi thố, là đã hy sinh nhiều. Họ bỏ ra ba tháng quần quật luyện tập, mất nhiều hơn được – ấy là bởi họ cũng có chút ham vui (như tôi) và muốn đối diện với thử thách, muốn làm một điều gì đó khác lạ, hay nói theo kiểu chính thống, là muốn “cống hiến”. Thì họ có quyền được nhận những lời khuyên chân tình, có ích, những lời động viên khích lệ đúng tâm lý; họ cũng có quyền từ chối những lời tâng bốc nhảm nhí hay là trêu đùa vô lối vô duyên.

 

Vì bận một dự án phải hoàn thành đúng thời hạn, tôi không theo các bạn đến hết chương trình. Tôi viết bài này khi còn sáu thí sinh bước tiếp các vòng cuối. Tôi đã theo các bạn hơn nửa đường. Tôi đã thấy họ khóc, họ cười, họ đau đớn, họ tuyệt vọng. Tôi đã thấy Anh Thư mặt xám không còn chút máu, anh ơi mọi người đều đoán em out đêm nay. Tôi đã nghe Quách Ngọc Ngoan nói, giọng vẫn còn hổn hển hụt hơi, em cám ơn anh, nhờ anh khuyên mà em bình tĩnh, giờ em thấy nhẹ lòng lắm. Họ đến với tôi bằng tình cảm anh em, chân thành và có phần yếu đuối. Tôi yêu họ là vì thế.

Tự dưng thôi.

Quốc Bảo



From the same category