Nhạc sĩ Quốc Bảo tiết lộ lý do phải viết thư tay - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ Quốc Bảo tiết lộ lý do phải viết thư tay

Sao

“Những con chim hồng hoang bay rộn rã
Ma trận của niềm nhớ đã chín nẫu
Hoảng loan giọt đàn rơi giếng lạnh
Sợi thừng quá khứ lắc lư
Cát chảy dưới chân
Đàn hương lừng lừng một cõi
Đóm sáng nào như đáy mắt em.”

Ở những trang giấy trắng còn sót lại trong sổ agenda của cậu tôi, bấy giờ tôi lớp chín, tôi đã viết những dòng thơ vụng dại trên. Cuốn sổ ấy tôi tìm chưa ra, chữ tung tóc, giận dữ vô cớ, và làm dáng.
Đó là tôi mười ba tuổi đó là thơ tỏ tình đầu đời: nhìn nét chữ, tôi biết mình đã viết vào thời điểm nào, hoàn cảnh nào, nét chữ hồi sinh ký ức, những dấu yêu nào, những thương tích nào hiện rõ.

“Là yêu của anh là cánh tay em mềm lá
trong tay anh là mắt em rực đêm mơ
là nụ cười em tỏa nắng
phố của anh yêu của anh
những lời tình thơ dại ngày thường là hơi thở nối vào hơi thở
là niềm hạnh phúc giản dị như những khuông nhạc trắng
yêu của anh dấu yêu của anh nàng thơ của anh
trời đất nối ta vào nhau một nhân duyên nhỏ bé
ta nối vào nhau một nhân duyên mở hé.
Và đời trôi êm như mây như mây”

Khi tôi gõ những dòng chữ trên vào máy tính, font vô hồn vô cảm, thì đừng nói gì mười năm sau, chỉ mười ngày là những chữ ấy không còn một chút ý nghĩa nào nữa rồi.

Vậy thì tình chỉ một, nhưng hồn tình có nhiều tầng bậc, những chữ máy tính, chữ tin nhắn SMS có “hồn thông tin”, duy chữ viết tay mới chất chứa hồn tình.

Thời buổi thông tin, muốn truyền một cái tin – thuần – túy, có khó khăn gì đâu (messenger của Facebook tải thông tin trong hai giây đồng hồ); nhưng muốn tải hồn tình, chỉ có cách duy nhất là viết tay.

Khi viết tay, ý nghĩ, tâm trạng, tình cảm, hồn vía chuyển từ thâm tâm lên mặt giấy. Không gián đoạn, như một cuộc chạy tiếp sức.

Em yêu dấu
em yêu dấu
Em yêu dấu

Nếu đánh máy, chín từ “em yêu dấu lặp lại ba lần hay ba mươi lần cũng thế cả thôi cũng chỉ là một tiếng gọi. Nhưng khi viết tay, mỗi ký tự đặt xuống mặt giấy là một luồng năng lượng.

Bạn hãy thử mà xem, hãy viết nửa bức thư, để đó, nửa ngày sau viết tiếp, bạn sẽ thấy hai “không khí” chữ khác biết rõ ràng, ta gọi là mood: mood thay đổi và tuồng chữ thay đổi theo.

Các nhà thủ bút học có thể đọc ra khí chất, xu hướng, tính cách con người thông qua thủ bút văn bản đánh máy thì nói dối được, viết tay không thể giấu giếm.

Mà suy cho cùng, một tình yêu, một tình thương, một niềm cảm mến gửi cho nhau là muốn người nhận lấy được cái hồn, đâu phải để nhận một thông tin.

Thế thì chỉ có viết tay, chỉ cách đó thôi. Hồn chữ chở hồn tình.

Lá thư tay nhạc sĩ Quốc Bảo viết cho Đẹp:

 

Chuyên đề: Hãy viết những dấu yêu ra giấy!

Có bao nhiêu người còn tỉ mẩn ngồi viết tình thư trên những trang giấy?
Và có bao người còn thấy xốn xang khi nhận được những bức thư tình viết tay?
“Em yêu dấu, em yêu dấu, em yêu dấu… Nếu đánh máy, chín từ em yêu dấu lặp lại 3 lần hay 30 lần cũng thế cả thôi, cũng chỉ là một tiếng gọi. Nhưng khi viết tay, mỗi ký tự đặt xuống mặt giấy là một luồng năng lượng… Hồn chữ chở hồn tình” (Nhạc sĩ Quốc Bảo).
Hãy quên đi những phím chữ, gác điện thoại, đóng máy tính và viết những dấu yêu ra giấy cho ai đó,  để ai đó được chạm tới, cầm trên tay và thấy xốn xang…

Đọc các bài viết trong cụm chuyên đề “Hãy viết những dấu yêu ra giấy!”

Thực hiện: depweb

10/02/2015, 00:25