Nhạc sĩ Quốc Bảo: Phụ nữ nói nhỏ hơn sẽ đẹp hơn - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ Quốc Bảo: Phụ nữ nói nhỏ hơn sẽ đẹp hơn

Sao

Sophia Loren được kể như gương mặt đại chúng có cốt cách quý phái, sang trọng, lịch thiệp nhất trong lịch sử điện ảnh. Tất nhiên là sau khi bà chữa tật nói to. Năm nay 81 tuổi, bà vẫn xứng là tấm gương cho người nữ hiện đại.

Hãy tập nói nhỏ tiếng xuống để bạn đẹp lên.

Lời dặn của Sophia Loren: “Hãy lắng nghe giọng nói của bạn khi một mình, để ý đến tần số âm thanh. Giọng êm tai không phải là nói quá nhỏ, mà ở những tần số dễ chịu”.

Các bạn nữ thời nay hay nói to, trong quán cà phê, trong rạp hát, nói cứ như diễn thuyết. Tôi cho rằng các bạn cố ý lớn tiếng để gây ấn tượng, để mình nổi bật giữa những người xa lạ, để “làm hình ảnh”. Mà thật tội, những tiếng nói to ấy còn cố nhấn những chỗ nói… ngọng, l thành n, ẩn thành ẳng. Chưa cần biết nội dung câu chuyện (mà các bạn nói to là muốn phổ biến nội dung câu chuyện cho tập thể cơ mà), chỉ nghe những âm ngọng nghịu ấy là đã mệt hết cả người. Đau đầu.

Demosthenes, nhà hùng biện Hy Lạp cổ, đã tự chữa tật nói lắp, ngọng và phát âm sai bằng cách ngậm hòn đá ra bãi biển tập nói cho sóng nghe, sao cho mỗi từ vang lên đều có lực, chuẩn xác và hiệu quả. Giờ, e rằng các bạn chữa tật nói to cũng phải ngậm đá để không nói to được?

Nhất thanh nhì sắc. Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Nơi đô thị vốn đã ồn ào, chắc các bạn lỡ nói to là vì muốn át tiếng ồn, thôi thì cũng châm chước. Nhưng nói êm tai đã đành, lời nói ra còn cần có nội dung, đừng nên nói chỉ để người ta thấy mình biết nói.

Làm sao để tập được việc nói có nội dung? Trước nhất, phải có ý tưởng. Khởi đi từ một ý tưởng, bạn phát triển thành câu chuyện. Câu chuyện duyên dáng không cần nhiều lời, mà cần giản dị, có luận lý, và đã là cuộc đối thoại thì nên để người nghe có cơ hội tham gia hỏi đáp, đừng độc chiếm diễn đàn. Nói cần có chỗ nghỉ, ngắt hơi, cần những khoảng im lặng. Nói cần được nghe, hiểu thấu, phản biện, góp lời.

Do những đặc điểm địa phương, âm thanh tiếng Việt mỗi miền có một khoảng tần số khác nhau, độ trầm bổng khác nhau, “giai điệu” khác nhau; trong đó, giọng Bắc uyển chuyển nhất, thứ đến là giọng Huế, rồi đến giọng Nam ít lên bổng xuống trầm, đều đều giản dị. Giờ thì giọng vùng miền cũng pha tạp, những người Nam tập phát âm (một số từ) theo kiểu Bắc, người Trung nói giọng Saigon và người Bắc bớt luyến láy. Nhưng sự pha trộn giọng chưa hẳn đã tạo hiệu quả tốt: khi phát âm theo giọng miền khác, ta hay phát âm sai. Sai có khi dẫn đến hiểu lầm là bạn đang cố tình pha tiếng – chửi cha không bằng pha tiếng, hãy lưu ý.

Chịu để ý thì dễ thôi mà, những người nữ xinh đẹp ạ! 

 
Bài: Quốc Bảo

logo

Thực hiện: depweb

16/05/2015, 14:46