Nhạc sĩ Quốc bảo - đi tìm một Sài Gòn im lặng - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ Quốc bảo – đi tìm một Sài Gòn im lặng

Sống
Muốn có một Sài Gòn im lặng theo nghĩa chung nhất của từ này, e rằng không có. Chỉ có thể tạo được niềm im lặng nội tâm để sống trong lòng một thành phố quá nhiều chao động, quá nhiều dạt dào, quá nhiều chuyển biến này.
Khi viết những bản nhạc thiền cho dự án nhạc chuông “Âm quyển của lắng im” (Quiet Soundscapes, 2008-2009), tôi định đến một nơi nào xa xa, vắng vẻ, kiểu diện bích tu tập, mới mong yên lắng thực sự từ ngoại giới đến nội tâm. Nhưng rốt cuộc vì những lý do khách quan bất ngờ, tôi chẳng đi đâu được cả. Vẫn phải bám trụ Sài Gòn. Vậy là tôi phải đi tìm những nơi chốn, những khoảng thời gian nào trong ngày trong tháng ít có tiếng ồn nhất, yên tĩnh một cách tương đối nhất, để soạn nhạc. Dễ dàng thì vẫn là chụp một tai nghe loại bịt kín để ngăn tiếng động bên ngoài, ngồi đâu cũng được, mở máy tính mà viết. Nhưng cách đó công nghệ quá, nó không gây cảm hứng, nó máy móc. Tôi ưa viết nhạc trên giấy bằng bút mực hơn. Tôi cứ đi loanh quanh và tìm.
Im lặng là thứ có thể chọn lựa và chủ động tạo ra, dù ở một nơi chốn phản-im-lặng như Sài Gòn.

Ai tìm, sẽ thấy.

Và tôi đến Illy Cafe 31 Ngô Đức Kế (nay là tiệm đồ uống nhanh Phúc Long). Tôi ngồi trên gác trông ra khoảng phố nắng qua ô cửa sổ kính lớn, nhìn xuống những đầu người lô nhô. Xe máy xếp ngay ngắn. Cà phê đặc biệt ngon và tôi có thể yêu cầu tắt nhạc trên gác khi cần yên tĩnh. Phục vụ ở hết dưới nhà, không ai làm phiền. Ghế sofa êm ái, bàn kê ngay ngắn, ngồi bao lâu (thường là từ đầu giờ chiều đến tối muộn) cũng không thấy mệt. “Âm quyển của lắng im” một phần lớn sinh ra ở đó.

Và tôi đến Illy Cafe số 11-13 Công trường Lam Sơn (nay đã đổi tên thành Centro Cafe, hiện đại và ồn ã hơn). Nơi này cùng chủ với Illy tôi vừa nhắc, mở trước, một kiểu bistro thì đúng hơn vì có nhiều bánh trái, thức ăn. Tôi ăn sáng ở đó, có khi ăn bữa trưa, để tập trung viết. Ở đó hay mở nhạc nhưng khi tôi vào, phục vụ tự động biết ý tắt nhạc. Có khi chủ quán còn mời pizza, xì gà.

Và tôi đến I-Box 135 Hai Bà Trưng. Đó là một quán sang nhưng đầy bóng tối, ngồi không quen dễ buồn ngủ. Nhưng vì quen thân, tôi hay được nhường bàn riêng, có thể thắp thêm đèn ở chỗ ngồi, bàn ghế thì rộng mênh mông, tha hồ bày biện giấy bút. Đó là chỗ tôi hay ngồi khoảng ba giờ chiều, giờ mà những công chức văn phòng chưa ghé đến, giờ các đôi tình nhân còn bận việc, I-Box vắng và tôi có thể được yên tĩnh trong mấy giờ đồng hồ.

Và tôi đến ngồi nơi con hẻm nhỏ Lý Thái Tổ, xung quanh vây kín những người lao động, quán cà phê Cô Tư. Nơi đây bội thực tiếng ồn nhưng lạ thay, đối với tôi sự ồn ã của tiếng nói những người lao động chân tay, thậm chí chửi thề không hề ảnh hưởng đến mạch suy tư âm nhạc của tôi. Tôi vẫn cảm thấy yên tĩnh, sự yên tĩnh lạ kỳ khó lý giải, yên trong lòng, trong tâm, những nốt nhạc tràn ra từ óc não xuống thẳng ngón tay. Những người ngồi ghế đẩu chân thấp chân cao kế bên có tò mò nhìn ngó, tôi cũng không khó chịu. Và cà phê có ngon mấy đâu – rất đắng, chát, và mau nguội. Vậy mà tôi thích.

Và tôi vào Chợ Lớn, cuối đường Trần Hưng Đạo B chỗ giáp ranh quận 6, nơi có những quán nhỏ bán bạc sỉu, phé nại của người Hoa Quảng Đông, cà phê pha vợt lưới. Tôi chọn chỗ ngồi dựa lưng vào tường, ngó mông lung ra phố, một Hong Kong thu nhỏ bề bộn cũ kỹ, những tiếng nói tôi không hiểu, những giọng điệu lạ lẫm, tất cả làm thành một cách thế im lặng mà tôi có thể cảm thấy yên bình trong ấy.

Im lặng, vậy thì chẳng phải triệt tiêu những tiếng động. Im lặng là khi đầu óc tâm can mình lắng xuống, rỗng không, những tiếng động bên ngoài chảy vào chỗ rỗng không ấy rồi lại chảy đi, chúng chỉ mượn đầu óc ta làm lối đi, chúng không thẩm thấu chút nào, ta chẳng phải nhọc lòng lọc lựa gạn hớt những tiếng ồn vô lối, ta chẳng cần làm sạch tâm não. Muốn có một Sài thành im lặng theo nghĩa chung nhất của từ này, e rằng không có. Chỉ có thể tạo được niềm im lặng nội tâm để sống trong lòng một thành phố quá nhiều chao động, quá nhiều dạt dào, quá nhiều chuyển biến này. Sài Gòn như một bản tổng phổ phức điệu chẳng có dấu lặng, bè này chưa im, tiếng bè khác đã cất lời.

Còn những ngày khi soạn nhạc cho dự án lớn thứ hai trong đời, nhạc kịch “Chử Đồng Tử” (dự án đầu là thanh xướng kịch “Lụa”), tôi lui tới ngồi ở Fix Republic mỗi ngày, ban sáng khi quán chưa kịp dọn bàn, và chiều xế lúc tương đối vắng khách. Đó là một quán nhỏ có trồng hoa leo nằm cuối một block phố đặc biệt yên tĩnh nơi con đường cũng yên tĩnh lạ lùng, đường Ngô Thời Nhiệm. Block phố này có nhà bác Oanh, người bác họ, chị kết nghĩa của mẹ tôi, bác đã mất và nhà đã bán cho nhạc sĩ Quốc Dũng. Fix nằm sát vách nhà anh Dũng chị Yến, mở cửa hơn một năm, chỗ tụ hội của các bạn trẻ underground thích hút tẩu, chơi xe Vespa cổ, chơi máy ảnh phim, đi giày Converse, đeo khuyên tai, chơi đồng hồ lính, và coi nhau như cùng gia đình. Như anh em ruột thịt. Hơi khác đời theo kiểu dễ thương. Vào quán là phải chào hết lượt. Ngồi đâu cũng được, sát cánh vẫn không làm phiền nhau. Vạn bất đắc dĩ khi có những người khách vãng lai chưa hiểu “policy” của quán vào nói to, bật nhạc trong điện thoại ồn ã, thì ta chụp headphone vào là yên. Ở đó, tôi có thể nhồi hai tẩu thuốc để viết hai mươi trang nhạc. Uống hai ly cà phê pha đậm, một bình thủy tinh đựng trà to như bình nuôi cá vàng. Thỉnh thoảng ngẩng mặt cười chào các bạn trẻ. Thỉnh thoảng bước lui bước tới nói năm điều ba chuyện với những người ngày nào cũng gặp. Đó là nơi có những tiếng-ồn-im-lặng.

Ai tìm sẽ thấy. Im lặng là thứ có thể chọn lựa và chủ động tạo ra, dù ở một nơi chốn phản-im-lặng như Sài Gòn.

Bài: Quốc Bảo
(Bài đăng trên Tạp chí Đẹp số tháng 4/2015)

Thực hiện: depweb

24/04/2019, 07:00