“Làm thầy” – một công việc chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt “làm thầy” trong showbiz, nơi hội tụ của nhiều cá tính khác thường và tài năng đặc biệt. Vậy những nghệ sĩ đi trước, những người từng “nếm trải” hạnh phúc và nỗi buồn của công việc ấy, chia sẻ thế nào về sự trải nghiệm của mình. Trong khuôn khổ bài viết này, Đẹp Online chỉ xin trích hai ý kiến của những “người thầy” trên sân khấu truyền hình thực tế.
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh: Một lần làm huấn luyện viên là “chuyện vui đủ để nhớ cả đời”
Lần đầu làm huấn luyện viên (HLV) Giọng hát Việt nhí, tuy bỡ ngỡ nhưng tôi không gặp nhiều trở ngại. Bởi tôi cũng có một trường âm nhạc ở Phú Mỹ Hưng nên việc dạy và đào tạo trẻ con, tôi cũng quen rồi. Thú thật, có học trò là con nít thì vui nhiều không kể hết nhưng cũng đôi lần kiệt sức vì các bé quậy quá.
Còn nhỏ nên các em tiếp thu nhanh, nhưng mình phải biết cương và nhu đúng lúc. Tôi cứ phải biến hóa liên hồi, khi làm ông thầy nghiêm túc để học trò biết sợ mà trật tự nghe lời, lúc phải nhẹ nhàng vui tươi để các em còn hứng thú học tập. Tôi nghĩ đó là điều khó nhất bởi trẻ con có dễ đoán bao giờ.
Nhưng vượt qua cái khó mới nhận được niềm vui mà các em đem lại. Được làm “bố” cho mười mấy đứa con ở Giọng hát Việt nhí là chuyện vui đủ để nhớ cả đời. Và bây giờ cứ mỗi lần nhắm mắt lại, tôi lại nhớ lúc còn 15 bé, cả đội sang nhà tôi chơi, quây quần đùa cùng nhau. Cái không khí đó ấm cúng như một gia đình.
Nhạc sĩ Phương Uyên: “Có học trò thành công rồi… lãng quên”
Hơn 30 năm gắn bó với âm nhạc, những hỉ nộ ái ố trong nghề tôi đều đã trải qua. Tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một người thầy nhưng cuộc đời có nhiều việc tự dưng đến. Tôi có nhiều học trò, thật lòng, đôi khi tôi cũng chẳng nhớ hết tên họ. Có điều, bất cứ ai tìm tới, tôi đều hết lòng sẻ chia những điều mình biết. Trong âm nhạc, cái truyền đi không chỉ là bảy nốt nhạc mà còn là cảm hứng, cái tâm với nghề.
Nhưng ở chốn showbiz này, việc mình dốc tâm hướng dẫn một ai đó rồi nhận lại không phải lời cảm ơn thì nhiều lắm. Có học trò thành công rồi lãng quên họ đã bắt đầu như thế nào, thậm chí chẳng muốn nhìn mặt tôi. Dẫu buồn nhiều nhưng tôi vẫn phải chấp nhận. Tôi cũng không thể vì thiểu số mà ngưng việc giảng dạy hay thôi tiếp lửa cho những người thật sự yêu nghệ thuật. Rất may sau này, có những người nhận ra mình sai và quay lại xin lỗi. Tôi cảm thấy an ủi phần nào. Tôi hiểu, ai cũng có một thời tuổi trẻ và không tránh khỏi những suy nghĩ bồng bột nhất thời.
Tôi cũng may mắn nhận được nhiều sự chỉ bảo của những nhạc sĩ nổi tiếng. Đôi khi chỉ một câu nói của họ cũng làm tôi ngộ ra nhiều thứ. Tôi luôn trân trọng điều đó và lời cám ơn nói không biết đến bao giờ cho đủ. Nhưng có hai người mà nếu như không có họ thì chẳng có ca nhạc sĩ Phương Uyên hôm nay, đó chính là bố và anh cả tôi. Thiếu đi hai người ấy, hẳn tôi đã chẳng kiên tâm đi đến tận cùng đam mê của mình.