Nhạc sĩ Phú Quang: "Lửa thiện nhân" - sự thắng thế của cái Thiện - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ Phú Quang: “Lửa thiện nhân” – sự thắng thế của cái Thiện

Sao

Tôi từng xem Lửa thiện nhân” trước công chiếu, và hôm qua là lần thứ hai xem lại bộ phim ấy của Đặng Hồng Giang trong ngày ra mắt ở Hà Nội nhưng không thể cầm nước mắt. Trong rạp chiếu, xung quanh tôi thấy ai cũng như mình: đang khóc. Giữa cuộc sống đầy đua chen này, lấy được nước mắt khán giả dễ gì. Vậy mà Đặng Hồng Giang làm được.

Bộ phim tài liệu “Lửa thiện nhân” vừa ra mắt khán giả Hà Nội sáng 15/10, sau khi tham dự Liên hoan phim độc lập New York 2014

Lúc Giang đến gặp đề nghị xin sử dụng một số ca khúc của tôi cho bộ phim tài liệu, vì Giang sợ qua Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả chi phí nhiều hơn, bởi Giang hẳn chưa giàu, tôi bảo: “Cậu cứ lấy đi, tôi tặng không cho cậu”. Nhưng sau khi làm xong phim, Giang vẫn đến cảm ơn tôi. Thành thật lúc đó tôi không biết Giang tạo ra điều kỳ diệu thế này, nếu không, tôi sẽ cùng Giang làm phần âm nhạc hay hơn nữa.

Lửa thiện nhân” là một bộ phim tài liệu, về mặt kỹ thuật tôi cho rằng chưa phải là cái gì ghê gớm, nhưng cái lớn nhất mà bộ phim mang lại là nó đã chạm đến trái tim của con người.

Tôi vẫn nghĩ, tình người là lớn nhất, vĩ đại nhất trong cuộc đời. Một ông bác sĩ người Ý (Roberto) chỉ vì tình yêu con người đã đến Việt Nam và làm mọi việc vì những đứa trẻ kém may mắn, rồi chị Mai Anh – người đã làm tất cả vì lòng nhân. Những người đó đã để cho nhiều người tin rằng, cuộc đời này dẫu có rất nhiều kẻ ti tiện nhưng người tử tế vẫn có rất nhiều, và khiến họ tin vào cuộc đời hơn. 

Đạo diễn Đặng Hồng Giang tác nghiệp tại một ca phẫu thuật của Thiện Nhân

Nhưng tôi tiếc, vì một bộ phim như thế mà trong buổi ra mắt không thấy có mấy người làm về điện ảnh có mặt, thấy vắng bóng các nhà lãnh đạo văn hóa. Có lẽ họ bận làm nhiều việc lớn. Nhưng tôi cho rằng, trên cuộc đời này, người làm văn hóa nghệ thuật có điều gì lớn hơn việc tạo ra những câu chuyện, những sự kiện có sự gắn kết lòng người?

Bộ phim ra đời giữa một xã hội đề cao giá trị vật chất, nhưng nó đang dần khẳng định sự thắng thế theo cách của mình: Sự thắng thế của cái Thiện.

Bản thân tôi từng đọc những câu chuyện về cậu bé Thiện Nhân, từng nghĩ, sao lại có một người mẹ đẩy con mình đến chỗ “sống dở chết dở” thế này? Rồi tôi đọc báo về những việc Mai Anh làm và lại nghĩ, cuộc đời vẫn có những người tử tế thế này sao. Rồi tôi cũng không nghĩ nhiều về câu chuyện ấy nữa, cho đến khi xem bộ phim. Tôi đồng tình với bác sĩ Roberto: “Thiện Nhân là một thiên sứ mà ông trời cử xuống để thử thách lòng nhân của con người”.


Bác sĩ Roberto và các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Đà Nẵng

Đúng là vì có Thiện Nhân, Mai Anh và Roberto và người cha nuôi ngoại quốc của em đã mở ra cơ hội cho hàng ngàn đứa trẻ bị mất bộ phận sinh dục có được cuộc sống mới. Bác sĩ Roberto không chỉ phẫu thuật cho Thiện Nhân, đến nay, ông đã tạo ra cuộc đời mới cho gần 100 đứa trẻ khác, cho hàng trăm ông bố bà mẹ được “sống lại”.

Tôi cũng tin có một đấng tối cao ở trên trời luôn biết hết mọi thứ. Vì thế tôi luôn nhắc mình sống thiện. Thật ra, nếu mình sống tử tế thì cách nào mình cũng qua được hết những khó khăn.

Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ cảm xúc tại buổi ra mắt phim ở Hà Nội

Khi xem phim ấy xong, người ta khóc nhưng không buồn, vì họ thấy mình có niềm tin hơn vào con người. Và tôi thực sự xúc động khi cậu bé chỉ lên 5 tuổi là Thiện Nhân, sau ca phẫu thuật sinh tử dài suốt 6 tiếng, khi tỉnh dậy, điều đầu tiên cháu nói là: “Mẹ ơi, lớn lên con chăm sóc mẹ nhé!”

Nhạc sĩ Phú Quang
Ảnh: Nhân vật cung cấp


logo

Thực hiện: depweb

16/10/2015, 15:37