Nhạc sĩ Nguyên Lê: “Trong âm nhạc tôi “lai” giữa truyền thống và hiện đại

Chuyên đề: Những cái bắt tay

Trái với vẻ ảm đạm của 2012, ngành nghệ thuật-giải trí Việt Nam năm qua sôi động với đầy đủ màu sắc và phân tầng rõ rệt. Xin điểm qua 4 cái bắt tay tiêu biểu cho các lĩnh vực khác nhau, để tổng hợp một cái nhìn đầy hy vọng vào những gì đã và sẽ diễn ra.

Bài cùng chủ đề:
– Đường xa, Mây trắng lại bay về
– Nhạc sĩ Nguyên Lê: “Trong âm nhạc tôi “lai” giữa truyền thống và hiện đại
– Nghệ sĩ xiếc Tuấn Lê: “Tôi cần phải biết gốc gác của mình”
– NTK Nguyễn Công Trí: “Tôi cân bằng hơn”

 

Những câu trả lời của anh chặt chẽ, bằng một thứ tiếng Pháp hàn lâm, đặc trưng của người chú tâm cho sự nghiệp và đam mê của mình hơn là trở thành gương mặt showbiz. Vì thế, mỗi câu hỏi và trả lời trong cuộc phỏng vấn này có thể coi như một đúc kết gọn ghẽ về những gì Nguyên Lê đã nghĩ, đã làm để đạt tới tầm vóc hôm nay. Có thể bạn sẽ thấy các câu chuyện trong này hơi thiếu tính gắn kết hay dồn đuổi như một bài phỏng vấn có nhiều chuyện hậu trường riêng tư, nhưng đó chính là những gì rõ nhất về con người Nguyên Lê: chỉ có âm nhạc mà thôi, mọi chuyện về nguồn gốc, ranh giới nọ kia không có ý nghĩa gì. Câu chuyện bắt đầu với đĩa nhạc từng gây sửng sốt cho chính các nhạc sĩ Việt Nam – “Tales from Viêt-nam”.

Kể chuyện Việt cho khán giả Tây

– Khi thực hiện album “Tales from Viêt-nam” – đĩa nhạc đã khiến nhiều người làm nhạc trong nước phải nhìn lại mình xem mức độ trân trọng âm nhạc dân tộc tới đâu, và nhiều người vỡ ra rằng đường ra với thế giới nằm ở đây chứ đâu mà phải lo… hát tiếng Anh cho hay như Mỹ. Anh đã có sẵn hình dung như thế nào về những “câu chuyện” mà mình sẽ kể? Theo anh, những câu chuyện như thế nào từ Việt Nam thì có thể hấp dẫn được khán giả quốc tế?

– Cần phải hiểu “câu chuyện” theo nhiều cấp độ. Đầu tiên, đó là những câu chuyện chứa trong đó nhiều cảm tính, có liên quan trực tiếp tới Việt Nam và tôi, như những khúc hát ru mà mẹ tôi thường hát, trong đó có bài “Qua cầu gió bay”, tôi đã thuộc lòng khi còn rất bé. Tiếp nữa, đó là cách mà tôi diễn tả những hình dung, tưởng tượng của riêng mình, tôi đặt từ “from” để chỉ ra rằng giữa tôi và Việt Nam vẫn còn những khoảng cách, khá xa, vì tôi sinh ra ở Paris. Tuy nhiên, khoảng cách ấy lại là nguồn cảm hứng sáng tạo cho tôi, vì chính từ đó mà những tưởng tượng không giới hạn được sinh ra trong quá trình sáng tác và hòa âm.

Mỗi bài hát trong đĩa nhạc này đều chứa trong nó một giá trị riêng. “Lý ngựa ô” chắc chắn là bài hát được khán giả quốc tế yêu thích nhất vì nó vui tươi, đầy sức sống, tiết tấu lôi cuốn. “Trống cơm” cũng vậy, mang âm hưởng pop, tưng bừng và rộn ràng. “Qua cầu gió bay” nhiều chất thơ và gợi cảm xúc sâu lắng. Đó là những gì tôi cảm nhận được, nghe được từ những buổi biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới. Ở đây quan trọng nhất là cảm xúc.

Những bản nhạc của tôi, lấy nguồn từ những bài dân ca Việt Nam, đã gợi lên được nhiều cảm xúc khác nhau cho người nghe, lúc rạo rực, khi trầm tư, mà cảm xúc thì không cần phải diễn tả bằng lời, cho nên việc hát bằng ngôn ngữ nào không còn quan trọng nữa, mà ở đây là âm nhạc, âm thanh. Cách tôi pha trộn các yếu tố âm nhạc Châu Phi vào các bản hòa âm cho dân ca Việt Nam cũng dựa trên công thức như vậy.

Nguyên Lê - Tùng Dương

– Theo anh, điều gì khiến âm nhạc hai miền đất này có thể đứng cạnh nhau, khi mà nền tảng và bối cảnh văn hóa, chủng tộc của chúng vô cùng khác nhau?

– Khi tôi bắt đầu tìm cách khai thác các yếu tố liên quan tới cội nguồn Việt Nam của mình vào nhạc jazz, tôi nhận thấy rằng các nền văn hóa khác nhau như những đường song song, có thể không gặp nhau nhưng chúng đi bên cạnh nhau, và chúng ta đi ở giữa, được hưởng thụ tất cả những vẻ đẹp của chúng. Tôi là người Việt 100% nhưng giống như một người lai, do hoàn cảnh sinh ra và trưởng thành của mình, còn trong âm nhạc, tôi “lai” giữa truyền thống và hiện đại.

Tình cảnh này của tôi rất giống những người bạn của tôi từ Châu Phi. Điều đó kích thích chúng tôi có cảm hứng và nhu cầu tìm tòi về những nền âm nhạc và văn hóa xa lạ, khai thác và đưa những gì mình tìm được vào không gian âm nhạc đương đại. Trong âm nhạc của tôi, Châu Phi mang lại nhịp điệu lôi cuốn và năng lượng mạnh mẽ; Châu Á lại có thừa sự tinh tế và nguồn giai điệu phong phú. Thang âm ngũ cung và chiều sâu cảm xúc chính là mảnh đất chung giữa hai thế giới tưởng như khác biệt.

– Có lẽ cũng phải nói đến chuyện thiên thời địa lợi nữa. Thập kỷ 1990, trong hầu khắp các dòng nhạc đại chúng đã diễn ra sự thay đổi sâu sắc nhằm vượt qua những khuôn mẫu sáo mòn, còn những dòng mang tính thử nghiệm thì bứt phá mạnh mẽ trở thành dòng chính; Pháp và Châu Âu nói chung là thị trường âm nhạc có vẻ tương đối “mở” trong tiếp nhận các loại âm nhạc pha trộn lạ lẫm, nhưng theo anh, ở mức độ pha trộn nào thì khán giả nơi đây chấp nhận được?

– Internet, sự bùng nổ truyền thông và cả sự phát triển của ngành du lịch đã xóa nhòa dần những ranh giới và khoảng cách giữa các quốc gia. World music chính là một cách diễn tả của thế giới mới này về sự chia sẻ lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Có một số loại âm nhạc nước ngoài đặc thù được khán giả Châu Âu dễ chấp nhận. Tôi nghĩ rằng âm nhạc châu Phi thành công dễ dàng hơn ở Châu Âu nhờ vào nhịp điệu đầy tính nhảy múa và một tinh thần tươi vui, đó là các yếu tố phổ biến mang tính toàn cầu. Về phần mình, tôi và nhiều đồng nghiệp khác đang nỗ lực đem vẻ đẹp và sự thừa nhận các giá trị của âm nhạc châu Á đến với khán giả phương Tây.

– Anh có một lối chơi được gọi rõ là “phong cách Nguyên Lê”, một phần phong cách ấy đã được anh mô tả qua những câu trả lời ở trên, và anh đã dùng phong cách này chơi lại nhiều bản nhạc pop-rock kinh điển. Nếu chưa nghe bao giờ thì rất khó hình dung anh chơi lại nhạc của Jimi Hendrix, Led Zeppelin, Bob Marley hay Bjork tới Beatles mà người ta thấy cả Châu Phi, Châu Á, thậm chí Việt Nam trong đó. Với những nghệ sĩ đã hân hạnh được anh “cover”, ít nhất là những người còn sống, có bao giờ anh nghe được những đánh giá từ chính họ về những gì anh đã làm với tác phẩm của họ?

– Không biết là may hay không, vì tôi chưa bao giờ nghe được trực tiếp những gì các nhạc sĩ ấy nói về những bản nhạc pop được tôi hòa âm lại theo cách của tôi. Tuy nhiên, lại không thiếu những nhận định từ giới báo chí và phê bình, phần lớn toàn là lời khen. Chẳng hạn có một nhà báo Mỹ viết: “Với sự đồng cảm hết sức lạ lùng, Nguyên-Lê đã chiết xuất ra được những tinh túy nằm bên trong các bài hát của Jimi Hendrix và dùng chính những tinh túy ấy làm cốt lõi cho một lần sáng tạo mới”.

Nguyên Lê - Tùng Dương

Tùng Dương và nhạc pop Việt kiểu toàn cầu

– Cuộc hợp tác của anh với ca sĩ Tùng Dương rất được chờ đợi, một phần vì nhiều người hy vọng đây sẽ là cánh cửa cho một nghệ sĩ tài năng như Tùng Dương ra được với thế giới, phần khác người ta rất muốn biết anh làm một album dành cho chính khán giả Việt Nam như thế nào. “Độc đạo” khác với những dự án âm nhạc trước đây của anh, vì là một album của ca sĩ. Theo anh, đâu là sự khác biệt khi sản xuất một album mà ở đó giọng hát là trung tâm, với một album mà giọng hát được coi như một nhạc cụ?

– Đầu tiên phải nhấn mạnh vai trò của kỹ thuật mix. “Độc đạo” chính là “album ca sĩ” đầu tiên mà tôi sản xuất, đảm nhiệm luôn phần mix. Một giọng hát như Tùng Dương phải được đặt ở vị trí trung tâm, ít nhất trong quá trình mix, âm lượng giọng hát phải lớn hơn hẳn. Nhưng mọi chuyện không giản đơn ở chỗ chỉ điều chỉnh volume là xong. Thách thức lớn ở đây là làm sao cho tất cả các thành phần của ban nhạc vẫn phải được tôn lên đúng giá trị, vì các bản hòa âm của tôi thường rất dày và phức tạp. Khán giả nghe ca sĩ, thích ca sĩ, nhưng vẫn cảm nhận được tất cả vẻ đẹp của âm nhạc trong một chỉnh thể. Tùng Dương tìm đến tôi cũng với mong muốn như vậy. Với album này, tôi không quan trọng vị trí, tên của tôi ở đâu trên bìa CD. Tôi coi đây là một thử thách thú vị, điều tôi chưa từng làm trước đây.

– Với thị trường Việt Nam thì ca sĩ sẽ là nhân vật chính, và thành công của Tùng Dương ở quê nhà cũng dễ đoán, nhưng khi phát hành tại thị trường Châu Âu, nơi mà anh là một huyền thoại, thì theo anh, khán giả sẽ đón nhận Tùng Dương và âm nhạc của Dương như thế nào? Có thể so sánh gì từ trường hợp của Tùng Dương với Hương Thanh?

– Âm nhạc trong các album của Hương Thanh dựa trên nền các giai điệu nhạc truyền thống Việt Nam được tôi viết lại. Trên nền hòa âm hiện đại, âm nhạc ấy gợi lại những ký ức ngọt ngào, dịu dàng, có thể xếp vào thể loại new age. Mà trong new age, giọng hát cũng chỉ là một thành tố tạo nên âm thanh chung của bản nhạc. Âm nhạc của Tùng Dương là nhạc pop được hát bằng tiếng Việt. Tùng Dương là một ngôi sao không chỉ trong nước mà ở mọi nơi có người Việt trên thế giới, còn Hương Thanh thì được khán giả phương Tây biết đến nhiều hơn là người Việt. Họ là hai nghệ sĩ khác nhau, với khu vực thị trường cũng rất khác nhau nằm ngay trong thị trường lớn là world music, nhưng có điểm chung đều là… người Việt!

Vẫn còn quá sớm để nói về sự đón nhận của công chúng phương Tây với âm nhạc của Tùng Dương, vì “Độc đạo” chưa phát hành ở Châu Âu. Nhưng những gì mà chúng tôi thăm dò từ giới âm nhạc ở Pháp thì rất khả quan.

Nguyên Lê - Tùng Dương

– Anh đã mở một cánh cửa ra thị trường quốc tế cho Tùng Dương, chúng ta chưa thể nói gì trước về thành công hay không, nhưng theo kinh nghiệm của anh, Tùng Dương có thể thành công với đối tượng khán giả nào?

– Tôi xin làm một phép so sánh giữa âm nhạc Tùng Dương với nhạc của Bollywood. Cả hai đều là nhạc pop, đồng thời mang tính dân tộc rất rõ, lại mới mẻ hiện đại và được yêu thích trong từng đất nước cụ thể, ở đây là Việt Nam và Ấn Độ. Hai loại nhạc đều sử dụng các chất liệu truyền thống cùng với nhạc điện tử phương Tây. Đó là thứ âm nhạc mà khán giả trong nước yêu thích nhưng ở bên ngoài quốc gia thì lại có những mức độ thành công rất khác nhau. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng “trật tự” này sẽ sớm thay đổi. Khán giả ở những cộng đồng khác nhau sẽ mở rộng cửa cho nhau. Cần có thời gian để văn hóa kịp phát triển và lan tỏa. Với dự án âm nhạc này, chúng tôi đang làm một điều là đi trước mức độ lan tỏa ấy. Rất là phấn khích!

– Khán giả Phương Tây khá thoải mái đón nhận các thử nghiệm và những pha trộn của world music, nhưng khán giả Việt Nam thì có thể không dễ dàng chấp nhận nghe nhạc của… Bjork mà có đàn bầu, hay nhạc Việt Nam trộn lẫn với Châu Phi. Dù sao anh đã làm tất cả những điều đó trong album “Độc đạo”, như anh đã từng làm trước đây trong các dự án của mình. Nhưng “Độc đạo” là dành cho khán giả Việt Nam trước. Với kinh nghiệm của mình, anh nghĩ rằng người Việt khi nghe những bài hát này cần có sự chuẩn bị gì không?

– Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng thưởng thức âm nhạc cần cảm xúc trước đã, đừng cố để hiểu. Khán giả phương Tây cũng đã bắt đầu như thế với âm nhạc của tôi. Nếu khán giả cho rằng nhạc của tôi khó nghe, thì đó chỉ là vì nó hơi lạ so với thói quen thưởng thức của họ mà thôi, nếu họ có thái độ cởi mở trong thưởng thức thì từ lạ đến quen sẽ rất nhanh. Ngay cả khi họ có sự bảo thủ thì tôi tin là với một “trung gian” tốt như Tùng Dương, những gì mới mẻ lạ lẫm sẽ đến với khán giả dễ dàng hơn. Trong đêm nhạc “Độc đạo”, khi tới bài “All is full of love” mà tôi hòa âm lại từ bài gốc của Bjork, khán giả đã vỗ tay vang dội khi nghe tiếng đàn bầu. Có thể điều này chỉ bắt nguồn từ niềm tự hào dân tộc, nhưng hãy cứ thoải mái mang niềm tự hào đó vào cách thưởng thức âm nhạc, bạn sẽ mở được cánh cửa tưởng khóa chặt dẫn đến những không gian âm nhạc mới mẻ. Với đĩa “Độc đạo”, vì dành cho thị trường Việt Nam là chính, tôi mong muốn khán giả khi nghe sẽ cảm thấy tự hào về âm nhạc truyền thống của mình và hiểu rằng có nhiều cách để làm ra một thứ nhạc pop của riêng mình, một trong đó là dựa trên chính những gì thuộc về truyền thống.

– Một nghệ sĩ ra với thế giới, người ta hay nói đến “tính quốc tế”, vậy theo anh, tính quốc tế của một ca sĩ như Tùng Dương nằm ở đâu?

– Tính quốc tế, nói một cách dễ hiểu nhất thì đó là một hay nhiều yếu tố giúp cho nghệ sĩ và sáng tạo của họ có thể được cả thế giới hiểu và đón nhận. Tuy nhiên, có một nghịch lý là cái độc nhất, tính độc đáo của một nghệ sĩ lại đối nghịch với tính toàn cầu, sự phổ thông. Ngôn ngữ và nguồn gốc Việt Nam làm nên cái độc đáo, có thể giúp Tùng Dương trở nên đặc biệt và mới mẻ với khán giả nước ngoài. Âm nhạc Tùng Dương thể hiện không cần những từ ngữ chỉ để giúp cho việc “hiểu”, Dương chỉ cần thể hiện cảm xúc, đam mê trong cách hát. Công thức thành công quốc tế là làm sao cân bằng được giữa tính độc đáo, cái giúp ta trở nên không giống với những người khác, và tính toàn cầu, qua đó chúng ta “giao tiếp” được với thế giới. Nói thì nghe đơn giản, phải lao vào cuộc mới thấy rất khó, nhưng đường đi vẫn luôn có ở đó.

– Phần lớn các dự án âm nhạc của anh đều mang tên “Nguyên Lê & Friends”, dù gì nó cũng mang tính “đồng đội” nhiều hơn khi kết hợp các cá tính âm nhạc khá nổi trội, có khi nào anh nghĩ tới một sản phẩm âm nhạc nhiều tính riêng tư hơn cho mình không?

– Với tôi, vẻ đẹp của âm nhạc nằm ở sự gặp gỡ, đối thoại và chia sẻ giữa các nhạc sĩ và các nền văn hóa với nhau. Đó là điều tôi đã yêu thích và chọn lựa ngay từ khi bắt đầu chơi nhạc, vì thế mà jazz và world music trở thành lựa chọn chính của tôi. Tôi nghĩ rằng tất cả các album của tôi cho đến giờ đều phản ánh đúng tinh thần này, trong khi tính cá nhân của tôi vẫn nổi bật qua cách sáng tác và cách chơi đàn. Với tôi như thế là đủ rồi. Còn nếu hiểu “dự án riêng tư” là chơi solo một đĩa guitar thì nó lại không thành “dự án” gì hết.

Xin cảm ơn anh.

 

Bài: Nguyễn Minh
Nhiếp ảnh: Mạnh Bi
Trang điểm: Tú Shark
Làm tóc: Gill Nguyễn
Trang phục: Nguyên Lê (áo vest Xuân Lê, cà vạt Ziozia), Tùng Dương (áo vest Etro và phụ kiện Vera Wang (Luala Boutique)

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Không quá lời khi nói “Độc đạo”, chương trình vào tối 24/11/2013 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội, là một bữa tiệc âm thanh thịnh soạn. Khán giả có mặt không ngớt bày tỏ sự hưng phấn và dành nhiều lời khen tặng cho phần âm nhạc mà các nghệ sĩ mang lại.


 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category