Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: “Linh không bao giờ chọn hướng đi an toàn”

“Nghệ sĩ lâu năm như Linh hoàn toàn có thể nhận hỗ trợ từ nhãn hàng, cũng có thể bán bản quyền sản phẩm cho kênh phát hành nào đó để có chi phí sản xuất. Nhưng Linh đã không chọn một hướng đi dễ dàng. Tôi đánh giá cao việc dám đi ngược số đông của Linh và nhóm DTAP khi các bạn đã không quá chiều lòng khán giả hay để nhãn hàng nhúng tay vào mà vẫn có được số view thật như vậy”, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, “người quen” của cả Hoàng Thùy Linh và DTAP chia sẻ về thành công của MV “Để Mị nói cho mà nghe”.

Năm 2011, tôi bận rộn với album “Body language” của ca sĩ Thu Minh nên từ chối rất nhiều lời mời hợp tác. Thời điểm ấy, có thể tôi đang làm ra những sản phẩm lạ tai khiến mọi người yêu thích, nhưng điều đó không cho phép tôi dễ dãi, bất chấp tất cả để kiếm tiền.

Thế mà tôi vẫn sẵn sàng làm việc với một tên tuổi không lớn lắm, chỉ vừa chuyển mình ra khỏi hố sâu tăm tối, đó là Hoàng Thùy Linh. Dư luận có thể nghĩ những nhạc sĩ đưa bài cho Linh sau ồn ào quá khứ của cô ấy là mạo hiểm, dũng cảm, thậm chí bất chấp để gây chú ý, nhưng tôi không quan tâm đến điều đó. Tôi vẫn máu lửa và hăng say làm ca khúc “Chạy trốn” gửi cho Linh. Tôi có câu chuyện của mình và muốn viết nó thành bài hát, còn Linh có cảm hứng và muốn được hát về nó, vậy là đủ.

Mối quan hệ giữa tôi và Linh vì thế vừa xa vừa gần, không quá thân thiết nhưng vẫn luôn bền chặt nhờ lần bắt tay đầu tiên và sự đồng điệu giữa những người nghệ sĩ. Duyên phận đẩy đưa thế nào, năm nay, tôi và Linh gặp lại nhau với một tâm thế khác. Những thực tập sinh trong công ty của tôi – nhóm DTAP hoàn thành ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” sau 1 năm trời miệt mài. Các em chủ động tìm đến Linh để gửi bài. Thú thật, thời điểm Linh nhận lời và gặp gỡ DTAP lần đầu tiên, Linh còn chưa biết các em làm cùng tôi. May cho DTAP vì những ca sĩ đã có tiếng thường ít khi tin tưởng người trẻ, còn Linh lại chọn cách mở lòng với tác phẩm đầu tay của các em.

Một tác phẩm hay sẽ xoay quanh ba yếu tố: chân – thiện – mỹ. Với tôi, “Để Mị nói cho mà nghe” đã dung hòa được cả ba. “Chân” và “thiện” chính là mượn hình tượng văn học để truyền tải thông điệp sống tích cực, cổ vũ người trẻ dám thể hiện bản thân mình. Nhưng nếu chỉ có hai yếu tố này thì sẽ chẳng ai muốn tiếp cận và lan tỏa những thông điệp đẹp đẽ đi xa hơn. Sự tính toán trong âm nhạc của Hoàng Thùy Linh nằm ở yếu tố “mỹ” khi hợp tác cùng đạo diễn Nhu Đặng làm một MV hấp dẫn, duyên dáng với vũ đạo bắt mắt do chính mẹ của Linh biên đạo.

Gần đây, trong ánh mắt, gương mặt, cách ăn nói, trả lời báo chí và cách sống của Linh có những thay đổi đẹp lắm. Tôi cảm nhận rõ ở Linh sự biết ơn và trân trọng đến cộng sự, khán giả. Nhờ cách ứng xử như vậy, việc Linh có một tác phẩm thành công như “Để Mị nói cho mà nghe” là điều xứng đáng.

Dự định làm cả một album mang bản sắc dân tộc và hình tượng văn học của Linh có mạo hiểm không? Mạo hiểm chứ! Nhưng tôi nghĩ Linh vẫn sẽ làm thôi, cô ấy sẽ không bao giờ chọn một hướng đi an toàn. Bản thân tôi cũng luôn có niềm tin lớn rằng việc làm âm nhạc có màu sắc văn hóa truyền thống là đúng đắn. Và nó sẽ luôn đúng khi Linh cảm thấy thoải mái.

Đối với người nghệ sĩ thực thụ, album là sản phẩm mang tính lưu truyền, minh chứng cho sức lao động sáng tạo, tình yêu nghề và sự cống hiến của họ. Những điều đó có ý nghĩa hơn rất nhiều chuyện nó có bán được hay không.

HOÀNG THỦY LINH: NGƯỜI LEO NÚI ĐÃ VỨT HẾT NHỮNG HÒN ĐÁ NẶNG

Chỉ tính riêng khoảng thời gian trở lại với âm nhạc sau biến cố, với điểm khởi đầu là album mang tên mình, Hoàng Thùy Linh sắp đi hết một thập kỷ. Cảm giác Linh vẫn chưa có dấu hiệu mệt mỏi nào sau chừng ấy năm, trái lại, cô vẫn tràn đầy năng lượng, tự xem mình như một cô gái sinh năm 2000 (nghĩa là trẻ hơn thực tế tới… một giáp), và luôn háo hức trước mọi thử thách mới mẻ.

Linh thông minh ở chỗ cô biết giấu niềm tự hào rất đúng lúc. Thay vì thể hiện sự hài lòng sau thành công của “Để Mị nói cho mà nghe”, Linh lại đặt ra thách thức cho chặng đường 10 năm tiếp theo của mình với khởi đầu là album vol.3. Nếu thành công, Linh sẽ là nghệ sĩ hiếm hoi có thể tạo ra cuộc cách mạng hình ảnh tại V-pop, nơi đang quá phụ thuộc vào những sản phẩm riêng lẻ như MV hay single.

Trên hành trình mới, Linh đã vứt được hết những nặng nề của quá khứ. Cô như một người leo núi tự do. Đồng hành cùng Linh ở bước đầu của chặng đường này là những chàng trai rất trẻ đến từ DTAP, bộ ba nhà sản xuất – nhạc sĩ – hòa âm phối khí cho ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” và album vol.3 của Linh sắp tới.

Tổ chức: Duy Vũ – Sản xuất: Hellos
Nhiếp ảnh: Tang Tang – Trang điểm: Hiwon
Trợ lý sản xuất: Huey

Đọc thêm
– Hoàng Thùy Linh: “Văn hóa dân gian Việt Nam là vũ khí giúp tôi trở nên đặc biệt”
– DTAP – Nhóm nhà sản xuất của ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe”: Làm nhạc với Hoàng Thùy Linh như làm toán
– Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Linh không bao giờ chọn hướng đi an toàn

Ảnh: NVCC


From the same category