Nhạc sĩ nghe nhạc thế nào?

Nữ sáng tác gia Mỹ Diane Warren, người được mệnh danh là “The hit-maker” – kẻ tạo hit, đã ví mình như miếng bọt biển thấm đủ mọi loại âm nhạc. Nhạc sĩ nghe nhạc mọi lúc mọi nơi, nhưng khác với người thường – xin mở ngoặc xin lỗi nếu cụm từ này thiếu trọng thị, chắc nên gọi là người-ngoài-nghề thì hợp hơn. Anh ta không xem âm nhạc như một phương tiện giải trí. Anh ta cũng không muốn phải nghe nhạc thụ động, kiểu second smoke, không hút thuốc mà vẫn phải hít khói từ kẻ khác, nên thường tìm đến những quán cà phê không nhạc. Nhạc sĩ nghe nhạc như một nghĩa vụ và vì thế, cách nghe và những gì anh ta nghe được không giống của người thường (tôi lại phải xin lỗi!)


Hãy tưởng tượng từ loa phát ra một ca khúc tiền chiến, “Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây” và lát sau, một ca khúc hit, “Ước gì em đã không lỡ lời”. Nhạc sĩ không cảm thấy hoài nhớ quê hương qua đoạn tiền chiến, cũng khó mà bâng khuâng tiếc nuối theo tâm trạng thiếu nữ tuổi mơ qua đoạn hit sau; mà tôi tin là, ở khúc một, anh ta sẽ tự nhủ đây là bài hát cổ động… thuốc lá và ở khúc hai, từ “lỡ” bị phát âm thành “lợ” đập vào tai anh ta trước hết – ông nhạc sĩ này bị lỗi dấu thanh! Tôi tin thế. Nhạc sĩ nghe nhạc chẳng giống ai…


Một nhạc sĩ chuyên nghiệp nghe nhạc bằng vốn văn hóa nền và vốn chuyên môn âm nhạc của anh ta. Nếu là một nhạc sĩ sản xuất, anh ta nghe thêm bằng cái đầu của một tiếp thị viên: mặt hàng này có bán được không, thị trường của nó là những đâu. Như một miếng bọt biển đã ngấm đủ thứ từ nước trong đến dầu cặn, anh ta dễ dàng tìm ra cái gọi là brand recognition – nhận dạng nhãn hiệu, tức là những phẩm tính giống và khác với những cái đã có. Giống ở chỗ nào, giống ai, khác ra sao, làm mới lạ ở chi tiết nào? Người nhạc sĩ nghe nhạc trước tiên là nghe xem tác phẩm này gợi nhớ hoặc chịu ảnh hưởng từ đâu (lại xin mở ngoặc, anh ta tìm kiếm bằng một thái độ bình thản và khách quan, đừng nhầm với hành động bới lông tìm vết). Jim Steinman hay Burt Bacharach, Chick Corea hay David Benoit? Trong lúc nghe, anh ta có thể liếc qua cái bìa để tìm những tên tuổi quen, tức là những tên tuổi vĩ đại: có Babyface không? Hay Jam & Lewis? Hay Walter Afanasieff, David Foster? Hay De Vries, Junior Sanchez? Wyclef Jean hay Raphael Saadiq? Hay Michael Cretu? Tôi cam đoan đối với người ngoài nghề, hàng tá cái tên nêu trên chẳng nói lên một điều gì. Nhưng với một nhạc sĩ hiện đại, đấy là những nhãn hiệu đã được bảo chứng.


Một nhạc sĩ chuyên nghiệp đã phải nghe mòn tai những khúc hát lập đi lập lại của ca sĩ thu âm, đã phải lắng nghe hàng trăm lần một âm sắc, một hiệu quả đặc biệt nào đó khi mix, thì không có chuyện anh ta nghe để giải trí. Trong phòng nghe nhạc của hầu hết những nhạc sĩ tôi quen, như Trần Mạnh Tuấn, Lê Quang, Vũ Văn Tuyên, Quốc Trung, chắc chắn không có chỗ cho những đĩa giải trí đơn thuần. Và ai cũng đều vừa nghe vừa dò tìm trên booklet những chi tiết sản xuất đáng chú ý; vừa nghe vừa trả lời điện thoại hoặc nhắn tin bạn bè; vừa nghe vừa check e-mail, tóm lại: vừa nghe vừa làm việc và nghe cũng là làm việc.


Một nhạc sĩ nghe nhạc để mong tìm ra thứ âm thanh, thứ phong cách, thứ chất lượng giọng hát chưa từng gặp. Nếu giọng hát không có gì ấn tượng, thì anh ta đi tìm ấn tượng trong bài hát, trong cách hòa âm, trong kỹ thuật sử dụng âm sắc nhân tạo, trong mixing, trong những biến báo của dàn nhạc. Cây đàn dây này có mở ra một hướng mới cho phối khí dàn dây không, mẩu licks của piano kia ảnh hưởng Chick (Corea) nhưng đặc biệt hơn ở cách xếp ngón ra sao? Nghĩa là, nhạc sĩ nghe trong niềm mong mỏi được nghe cái chưa-từng, mặc dù càng có vốn nghe nhiều, cái chưa từng càng hiếm gặp. Đối với một nhạc sĩ, nhạc phẩm hay là nhạc phẩm vừa giống vừa không được giống. Giống một định dạng đã có để có thể phân loại, có thể hình dung ngay được những ý nghĩa văn hóa ẩn tàng trong tác phẩm, trong người sáng tác – chẳng hạn nhận ra rằng Diane Warren đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ Burt Bacharach và Jimmy Webb ngay từ hit đầu tiên của cô là “Nothing’s Gonna Stop Us Now”. Anh Khoa hòa âm giống màu David Benoit cũng là một phát hiện; hay Trung Kiên là một mẫu học trò trung thành của Walter Afanasieff chẳng hạn, thú vị lắm chứ?


Không được giống tức là, bất cứ giá nào tác phẩm cũng phải chịu đựng được thử thách của một cuộc hóa thân mới. Bài hát có thể gợi nhớ hoặc ảnh hưởng, nhưng nó phải đủ mới để nếu hòa âm lại hoặc remix, nó sẽ sống một cuộc sống hậu kiếp độc nhất vô nhị. Trong tác phẩm phải lóe sáng những dấu hiệu của một thứ thật tinh khôi, hợp với niềm mong mỏi của nhạc sĩ.


Không được giống tức là, ngay cả lời ca cũng phải độc sáng. Nhạc Âu – Mỹ chẳng phải chỉ có những clichés (khuôn dập) phổ thông quanh đi quẩn lại như nhiều người nghe lầm tưởng mà có rất nhiều ca từ xuất sắc, tính thơ của chúng sáng rực tuyệt vời, như trong những bài hát của Elton John, Chris DeBurgh, Janis Ian, Suzanne Vega, Sting, Simon & Garfunkel, Skunk Anansie. Lời ca ở đó biểu hiện sức vận dụng ngôn ngữ và năng lượng ý tưởng cực kỳ linh hoạt, chứ không phải là “chủ nghĩa mỹ từ sáo rỗng” như vài kẻ ất ơ vơ vẩn thuận miệng bình phẩm.


Nhưng nhạc sĩ nghe nhạc có lúc hệt như ngắm con của đồng nghiệp, hở ra một tí là bị bỉ thử, ai cho mày chê con tao xấu. Nhạc sĩ nghe nhạc trong không khí buộc-phải-nghe, trong tâm trạng buộc-phải-im-lặng (nhạc sĩ nước ta thôi), hóa ra cực hình chứ giải trí chỗ nào!


Nhạc sĩ nghe nhạc giống như kẻ phải lặn xuống dòng nước giá buốt để ngắm cho kỳ hết phần chìm của tảng băng. Không chỉ là băng nội địa, nhạc sĩ hiện đại nghe nhạc của các đồng nghiệp thế giới và sẵn sàng tham gia vào những diễn đàn học thuật dành cho sáng tác gia khắp hành tinh. Ở đó, anh ta có cơ hội trao đổi, cọ xát, tranh cãi và phê bình cũng như nhận lời phê từ các đồng nghiệp năm châu một cách đường hoàng, bình đẳng.

Khi Nguyễn Thảo Hương, bạn tôi, một nhạc sĩ jazz sống ở Đức, nói về Michael Bublé – hình tượng âm nhạc mới do David Foster tạo ra gợi nhớ Frank Sinatra – “hát như học trò trung học” thì tôi hiểu, cô đang nghe nhạc bằng cách thế của một nhạc sĩ, không phải như người thưởng thức. Đấy là nỗi bất hạnh?

(Quốc Bảo)


From the same category