Nhạc sĩ Minh Khang: Tôi gia trưởng vừa đủ - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ Minh Khang: Tôi gia trưởng vừa đủ

Sống

– Ca khúc “Đứa bé” do anh sáng tác được coi như một hiện tượng và rõ ràng nó đã nâng tên tuổi của anh lên rất nhiều?

– Ca khúc “Đứa bé” có đến 60% là tâm trạng thật của mình, sau khi ca khúc ra đời tôi đi từ thiện và gặp Thúy Hạnh, có thể nói những gì tôi có được hôm nay là nhờ “Đứa bé”.

Bố mẹ mất từ lúc 11, 12 tuổi, mấy anh em tôi tự lập nuôi nhau. Đây là cái tuổi rất dễ hư, giữa bờ vực thẳm ngoan và hư chỉ cách nhau một gang tấc.

Bạn bè xung quanh tôi cũng nhiều người sa ngã, hút hít đủ thứ… Còn tôi đã làm việc vất vả, đủ thứ công việc để có thể nuôi sống bản thân. Bản thân tôi khi mới vào showbiz cũng không phải được trải thảm mà đi đâu, nhưng đó là một cái hay để sau này thành công, mình nghĩ lại con đường đó và thấy hài lòng vì mình đã vượt qua được chông gai. Thành công nào cũng có sự trả giá, đổ máu vì lao động nghệ thuật thì mới đáng trân trọng và biết giá trị của nó chứ nếu muốn thành công đến sớm thì phải đánh đổi bằng nhiều thứ, bằng những scandal… thì không hay lắm.

 

– Anh thay đổi nhiều không từ khi lập gia đình và làm bố?

– Nhiều chứ, 360 độ luôn. Ngày xưa khi độc thân chỉ có công việc và bạn bè, nhưng bây giờ tôi ít tụ tập lắm. Đến nỗi thỉnh thoảng vợ nhắc nhở “Anh thu xếp thời gian đi với bạn bè đi” nhưng bây giờ không thích nữa, muốn về nhà với con, nhìn con ăn, chơi đùa với con thấy vui hơn. Đó là một thay đổi lớn…

Ngày xưa mình vất vả thế nào thì giờ mình muốn lo đủ đầy cho con vì không muốn con vất vả như mình nên những gì tốt nhất đều dành cho con. Tôi cũng muốn uốn nắn từ nhỏ để con biết giá trị của đồng tiền làm ra… Nhà có người làm, nếu mình nói họ lấy nước hay đồ ăn gì đó thì con cũng bắt chước. Nhưng tôi không đồng ý và yêu cầu con phải tự lấy nước cho mình chứ không được sai như vậy… Có khi bé thắc mắc “sao ba nhờ được mà con không được?”, tôi phải giải thích rõ “khi nào con lớn, con làm việc có tiền thì con mới nhờ được người giúp việc, còn bây giờ con phải tự lấy cho mình”.

– Anh có vẻ là một ông bố nghiêm khắc nhỉ, trong khi con gái thường sẽ bám ba nhiều hơn mẹ?

– Cũng tùy, mỗi khi tôi nghiêm khắc thì các con lại theo mẹ, ông bà… Vợ chồng tôi cũng thỏa thuận khi một người dạy con thì người kia không được can thiệp, mỗi người một ý thì con dễ hư và khó dạy lắm.

– Vợ chồng anh dành thời gian cho con thế nào?

– Thứ bảy, chủ nhật là ngày của gia đình vì tôi muốn hình thành cho bé đó là ngày gia đình của mình. Vợ chồng tôi dừng mọi việc để chở các con đi chơi. Tôi cũng muốn sau này có lớn đi du học hay lập gia đình thì vẫn luôn nhớ đó là ngày dành cho ba mẹ, có đi du học thì ngày đó cũng phải gọi về cho ba mẹ.

 

– Anh có thường xuyên phụ giúp vợ những việc trong gia đình không?

– Những công việc đấy chả có gì xa lạ với tôi. Ngày xưa một mình thì cũng tự làm rồi. Quan điểm của tôi làm việc nhà là lúc mình được relax, khi tôi thấy căng thẳng, stress vì công việc của mình, tôi dẹp qua một bên để đầu thanh thản đi làm việc nhà. Tôi thấy con người mình lúc đó cân bằng… tôi nghĩ đấy cũng là một cách rất hay – vừa giúp được vợ mà vừa giảm được stress. Tôi cũng chả nghĩ đến chuyện mình là đàn ông mà phải lau nhà, rửa chén… thì mất mặt quá.

– Nhưng tôi nghe nói anh cũng là một ông chồng gia trưởng mà?

– Tôi nghĩ đàn ông châu Á mà, nói tôi không gia trưởng là không đúng. Nhưng tôi gia trưởng ở đây trong khuôn khổ chấp nhận được để gia đình có trật tự, có trên, có dưới, có đúng, có sai để không đi đến những chuyện quá đà.

– Có khi nào anh thấy mình đã áp đặt quá, và đã bị sai nữa?

– Tôi lại thấy hợp lý, tất nhiên mình đừng gia trưởng theo kiểu “em không được thế này, em phải thế này, thế kia…”. Vì sở thích và quan điểm của mỗi người một khác nhau vì thế tôi nói là trong khuôn khổ cho phép của một người chồng tôi, cuộc sống không phải ai cũng hoàn hảo… Sai thì chắc chắn là có rồi nhưng tôi quan niệm, trong gia đình khi ba mẹ sai thì phải xin lỗi con để con cũng ý thức được nếu con sai, con sẽ phải xin lỗi ba mẹ như vậy.

– Người đàn ông gia trưởng thường bảo thủ và ít khi thừa nhận mình sai. Khi thừa nhận mình sai, anh có phải vượt qua cái tôi của mình nhiều không?

– Chắc chắn rồi, ngày xưa lúc chưa lập gia đình tôi cũng bảo thủ, lúc nào cũng có tư tưởng mình đúng hết, cái gì mình cũng đúng. Nhưng khi đã có gia đình, tôi như người thay máu cả về cuộc sống, ý nghĩ của mình luôn. Tôi nghĩ sự thay đổi đó là cần thiết để giữ hạnh phúc của mình, tại sao phải khó khăn, bảo thủ để rồi vợ chồng cãi vã, mâu thuẫn nhau, ảnh hưởng đến con cái. Đấy là điều quan trọng nhất để mình vượt qua được cái tôi của mình để gia đình bình an, hạnh phúc.

Theo Mẹ yêu bé

Thực hiện: depweb

05/01/2013, 13:56