Nhạc sĩ Minh Khang: Tâm sự của ông bố “toàn con gái”

Chỉ cần 30 phút mỗi ngày

Sắp tới ngày Gia đình Việt Nam, tôi cũng tự hỏi mình có nên làm gì đặc biệt như một món quà tặng cho những người thân yêu. Nhưng thực tế, đối với tôi, ngày nào cũng là ngày gia đình cả. Hàng ngày dù bận rộn đến mấy, tôi cũng cố gắng sắp xếp mọi việc để về ăn cơm và chơi cùng các con. Và tôi nghĩ, dù trăm công ngàn việc, nhưng nếu muốn, thì việc mỗi ngày có ít nhất 30 phút bên vợ, con không phải là việc bất khả thi. 30 phút thôi, bạn có thể ăn cơm, trò chuyện cùng con. Và những phút giây bạn tưởng thật ngắn ngủi ấy, nếu sống cho trọn vẹn, tôi tin nó đủ để giúp cha mẹ thấu hiểu con cái hơn, các con cũng có dịp để chia sẻ những suy tư của mình. Còn nếu chúng ta cứ “xoắn” vào công việc, thì dù có ở chung một nhà, sẽ vẫn giống như bỏ rơi cả gia đình. Tất nhiên khi ở bên nhau thì nên hạn chế bớt những công cụ giành giật thời gian, như các thiết bị điện tử và công nghệ.

Minh Khang và hai con gái

Một ngày của gia đình tôi bắt đầu bằng buổi sáng, hai vợ chồng lên xe đưa các con tới trường. Thời gian trên xe, bố mẹ thay nhau trò chuyện với các con, vừa giúp con tỉnh táo, vừa hình thành cho các con thói quen bên nhau mỗi sáng. Chiều ai về sớm sẽ đón con, rồi cả nhà cùng chờ nhau ăn cơm tối.  

Tôi thường dạy dỗ và trò chuyện với hai cô con gái của mình theo tâm lý lứa tuổi. Tôi tôn trọng sở thích của con và động viên con phát huy những khả năng đặc biệt, bằng cách trao thưởng cho những nỗ lực của bé. Ai học tốt, được khen sẽ được nhận thưởng. Đó là cách giúp con hiểu được sự nỗ lực có giá trị riêng, từ đó con không ngừng phấn đấu.


Nhạc sĩ Minh Khang

Khi dạy con học bài, tôi xem mình như một cậu học trò học cùng lớp, ngồi cùng bàn để làm bạn với con. Chúng tôi tạo được sự thân thiện với con cái, để cho con cảm giác, dù đi đâu, gia đình luôn là một mái ấm an lành, và ba mẹ là những người bạn trung thành nhất của chúng. 

3 “cô gái” là những ngón tay trên bàn tay tôi

Chắc hẳn ít nhiều các bạn đã biết phương cách tôi dạy dỗ con khi xem chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế. Tôi có suy nghĩ, con gái thì phải mềm mại, hiền dịu, đoan trang. Nhưng muốn con hiểu được như vậy, tôi dùng phương pháp mềm dẻo để giúp con dần hiểu, chứ không nạt nộ, la mắng. Nếu có con trai tôi sẽ giáo dục con theo cách khác, nhưng trẻ con đều giống nhau, có thể từ từ tiếp thu những điều cần thiết trong cuộc sống, tùy vào độ tuổi.

Tôi không mong ước con mình sẽ trở thành thần đồng hay ước vọng ở các con những điều cao xa. Tôi chỉ mong hai bé trở thành người tốt, luôn mạnh khỏe, học hành bài bản. Vì cả hai cháu đều là con gái nên tôi chú ý hướng các con trở thành những người phụ nữ đảm đang. Vì thế, từ nhỏ, con đã dần được dạy và rèn thói quen phụ mẹ quét nhà, phụ ba rửa chén… Tuy sau khi con làm, nhà chưa thực gọn gàng, chén bát còn dơ, nhưng tôi nghĩ, dần dần ở con sẽ hình thành thói quen yêu lao động, biết giúp cha mẹ.

Gia đình hạnh phúc của Minh Khang – Thúy Hạnh

Nhà có hai cô con gái, chắc chắn sẽ xảy ra tị nạnh, sẽ khác với trong nhà có một bé trai và một bé gái. Vì thế tôi luôn dạy hai chị em Suti (tên gọi ở nhà của con gái Minh Khang – Thúy Hạnh) làm gì cũng phải có chị, có em, để hình thành thói quen cho các con rằng, khi trong nhà vắng một thì người cô chị hoặc cô em sẽ hỏi: “Em đâu, hoặc chị đâu. Con muốn có em, hoặc có chị đi cùng!…”. Thói quen đó sẽ trở thành phản xạ, và khi các bé lớn, sẽ hiểu được đó là sự gắn bó giữa những người trong một gia đình.

Có người hỏi tôi, nhà có hai cô con gái và một cô vợ, tất cả đều là phụ nữ, vậy tôi cưng ai hơn. Tôi nói rằng, cả ba “cô gái” này như những ngón tay nằm trên bàn tay của tôi. Ai tôi cũng nâng niu, chiều chuộng và yêu thương. Tôi thấy mình là người đàn ông hạnh phúc, là người đẹp trai nhất và chẳng lo ai giành giật mất ngôi vị mỹ nam của mình. 

Nhạc sĩ Minh Khang

Ảnh: Nhân vật cung cấp


logo


From the same category