Nhạc sĩ jazz Nguyên Lê: “Hạn hán và cơn mưa” là vở diễn đẹp nhất tôi đã từng xem”

Nguyên Lê – Thủy Ea Sola:“Đường về nhà”

Nguyên Lê sinh ra tại Pháp, nhưng 100% huyết quản của ông là dòng máu Việt.

Thủy Ea Sola có bố là người Việt, mẹ là người Pháp, nhưng chị từng trải qua thời niên thiếu tại Tây Nguyên, khi Việt Nam còn trong khói lửa chiến tranh.

Từng là một Việt Nam trong tưởng tượng, khi Nguyên Lê thực hiện đĩa nhạc đầu tiên về Việt Nam – “Tales from Vietnam” (Những câu chuyện từ Việt Nam) năm 1996.

Gần như cùng thời điểm, Thủy Ea Sola về Việt Nam, tìm lại một Việt Nam từng có trong sương mờ ký ức và vật vã dựng nên vở múa gây sững sờ cho giới “nghệ”: “Hạn hán và cơn mưa” cùng nhiều vở khác sau đó… 

20 năm qua, “đường về nhà” với họ vì vậy không thể tính bằng khoảng cách địa lý giữa Pháp và Việt Nam, mà phải đo bằng chiều dài ký ức, và chiều sâu tâm thức…
https://dep.com.vn/Entertainment/Bien-dao-mua-Thuy-Ea-Sola-20-nam-toi-nghi-toi-Nguyen-Le/47174.dep

“Tất cả mọi điều đều đến từ quá khứ”

– Tròn đúng 20 năm kể từ ngày ông làm CD đầu tiên về Việt Nam (“Tales from Vietnam”) và lúc này là “Hà Nội Duo” (hợp tác cùng nhạc sĩ Ngô Hồng Quang, dự kiến phát hành vào tháng 1/2017), Việt Nam đã “lớn lên” trong ông thế nào?

– Khi còn trẻ, thật ra, tôi không quan tâm nhiều đến Việt Nam. Chỉ khi trở thành nhạc sĩ, với sản phẩm đầu tiên năm 1989, tôi mới nhận ra mình phải tìm được danh tính nghệ sĩ của mình. Để làm điều đó, cách tốt nhất là quay trở về với gốc rễ của mình, và đó là khởi đầu của cả một hành trình dài, cho đến nay vẫn chưa kết thúc.

Thời điểm tôi về Việt Nam lần đầu tiên, lúc đó ở Việt Nam còn chưa ai nghe jazz và không hiểu đó là nhạc gì. Nhưng giờ đây, người Việt đã bắt đầu thích nghe nhạc của tôi, giờ là lúc âm nhạc của tôi đã có thể đối thoại với người nghe ở đây rồi!

Có thể nói, làm việc với các nghệ sĩ Việt Nam cho phép tôi hình dung ngày một rõ nét hơn về nguồn cội của mình, nơi không phải đã sinh ra tôi nhưng đã làm nên dòng máu Việt trong tôi. Để từ đó, sáng tạo ra một Việt Nam của riêng tôi. Nhiều sáng tạo của tôi trong suốt 20 năm qua được bắt rễ từ cái gốc đó. Đó là thứ âm nhạc mà tôi muốn chia sẻ với thế giới, trong tư cách một nghệ sĩ quốc tế.

– Việt Nam trong tưởng tượng có khác nhiều so với Việt Nam khi ông nhìn thấy?

– Tất nhiên là khác nhau, bởi cuộc sống là một tổng thể hỗn hợp, Việt Nam cũng vậy, có thứ tốt, có thứ xấu. Tôi thích sự trẻ trung, năng động của Việt Nam, nhưng khi có xu hướng tiến về phía trước thì cũng rất dễ quên đi quá khứ. Nhiều bạn trẻ không thích nghe nhạc dân tộc và nhạc truyền thống, họ coi đó là thứ âm nhạc dành cho người già. Nhưng điều đó là sai lầm, bởi đó chính là tâm hồn của Việt Nam. Tất cả mọi thứ đều đến từ quá khứ, đều từ đó mà ra cả, bạn không nên quên điều đó!

– Những cuộc gặp nào là đáng kể với ông?

– Giai đoạn bước ngoặt là năm 2011. Trước đó, tôi hợp tác cùng Hương Thanh và Hạo Nhiên – hai nghệ sĩ Việt Nam tại Pháp. Năm 2008, ban nhạc của tôi và Hương Thanh về biểu diễn tại Nhà hát Lớn qua lời mời của sứ quán Pháp, nhưng lần đó tôi thực sự không có kết nối gì với khán giả trong nước, cũng không gặp gỡ nhạc sĩ Việt Nam nào. Năm 2011, tôi được nhạc sĩ Huy Tuấn mời về chơi nhạc tại Rooftop. Huy Tuấn đã giới thiệu tôi với ban nhạc của Anh Quân, và tôi gặp ca sĩ Tùng Dương ở đó vì cậu ấy cũng là khách mời. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bước chân vào cộng đồng những người làm nhạc ở Việt Nam. Họ chơi âm nhạc của tôi, trong một không gian nhỏ thôi, nhưng lần đó rất thành công. Trước năm 2011, tôi vẫn tự hỏi mình rằng, tôi có phải là người Việt Nam không? Tôi có khó khăn khi trở thành người Việt Nam không? Và khi được chơi nhạc cùng những nhạc sĩ Việt Nam rất nhiệt thành, tôi đã tìm được câu trả lời cho mình, rằng: “Tôi là người Việt Nam”.

“Tôi thích quyền lực của một phù thủy”

– Đã có ai gọi ông là một bartender (người pha chế rượu) chưa nhỉ?

– Đó là một hình ảnh so sánh thú vị, bởi mỗi nguyên liệu thành phần có một vị riêng, sau khi chế biến thì lại ra một vị mới hơn hẳn. Đó cũng là cách để có thể đưa cái mới vào…

– “Phù thủy âm thanh” và “bartender”, ông thích là ai hơn?

– Phù thủy (cười). Bởi có nhiều quyền lực hơn!

– Trong cuộc sống, ông có thường trộn lẫn mọi thứ không?

– Âm nhạc của tôi tách biệt hoàn toàn với cuộc sống riêng tư. Đôi khi cuộc sống riêng của tôi hạnh phúc song tôi lại viết ra những giai điệu buồn, hay ngược lại.

– Gia đình ông có vận hành theo kiểu… world music?

– Có vẻ vậy! Tình yêu bắt nguồn từ sự tôn trọng cá tính của nhau, cái tôi của nhau…, nhưng cũng cần học hỏi, lắng nghe nhau – quá trình ấy đòi hỏi bạn phải quên đi bản thân mình, phải làm mình trống rỗng để được lấp đầy, làm giàu bằng người kia… Theo tôi là vậy!

– Ông từng được học về nghệ thuật thị giác, nhưng rồi lại rẽ sang âm nhạc. Điều gì đã dẫn dụ ông?

– Khi còn bé tôi rất thích vẽ, nên cha mẹ tin rằng tôi sẽ thành họa sĩ. Cho đến tận năm 12 tuổi tôi cũng vẫn chưa thích âm nhạc. Tôi chỉ thực sự thích âm nhạc khi bắt đầu nghe rock, mà lại là hard rock, sau đó thì tôi bắt đầu tự học. Với tôi, đó như là một cuộc cách mạng vậy! Tôi thích âm nhạc bởi sự lan tỏa ảnh hưởng của nó. Hơn nữa, tôi có thể sáng tạo cùng nhiều nhạc sĩ khác, tôi thích tính “liên quan” này của âm nhạc, trong khi thực ra triết lý của nó lại là sự cô đơn.

– Thế-giới-khi-nghe có gì thú vị hơn thế-giới-khi-nhìn, theo ông?

– Đôi lúc tôi thử hình dung mình bị mù, và tôi chỉ kết nối với thế giới bằng đôi tai – tất nhiên là rất khó để tưởng tượng như thế. Là một nhạc sĩ, thì việc nghe và sáng tạo âm thanh là rất quan trọng, đó là mục tiêu của tôi trong cuộc sống.

– Nghe nói mấy năm nay, ông gặp vấn đề về sức khỏe, nhưng những chuyến về Việt Nam thì lại dày lên, vì sao?

– Tôi có bệnh từ gần 10 năm nay. Nên tôi đang cố chạy đua với thời gian để làm được nhiều việc nhất có thể. Thời gian gần đây có nhiều vụ tấn công khủng bố vào nước Pháp. Điều đó khiến tôi thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa, người này có thể giết người kia, cảm giác như đang là những ngày tận thế của sự văn minh. Khi ở Châu Âu, tôi đã cảm nhận rất rõ nỗi buồn và sự thất vọng này, trên nét mặt của nhiều người. Bạn biết không, sau những cuộc tấn công, Paris giờ đây rất tĩnh lặng, nhưng ai cũng có thể cảm nhận đó là sự tĩnh lặng không bình thường – sự tĩnh lặng của nỗi buồn và sợ hãi. Nhưng rất may, khi tôi về đến Việt Nam, cảm giác này không còn nữa, sự thanh thản đã quay trở lại.

– Ông thất vọng vì cảm thấy bất lực?

– Đúng, nhưng là trong tư cách một công dân. Còn trong tư cách một nghệ sĩ, thì không. Tôi vẫn luôn nghĩ mình có thể có ích gì đó khi là một nghệ sĩ, bởi thứ âm nhạc tôi làm luôn cố gắng dung hòa mọi cá tính, để các dân tộc có thể xích lại gần nhau hơn. Một thứ âm nhạc không biên giới.

– Ông muốn làm gì ở Việt Nam lúc này?

– Tôi thích chia sẻ kinh nghiệm sống của mình, những gì tôi học được từ lối sống phương Tây, vì tôi biết ở Việt Nam, có nhiều nghệ sĩ rất khát khao học hỏi. Khi tôi 20 tuổi, mới bước vào âm nhạc, tôi đã được chơi nhạc với một nghệ sĩ dương cầm 60 tuổi và học hỏi được rất nhiều từ ông. Thật vui khi đã đến lúc mình cũng có thể làm được điều đó.

– Đó là lý do ông luôn chọn các cộng sự trẻ, tại Việt Nam?

– Khi nhận ra mình đang già đi, tôi càng cố kết nối với những nghệ sĩ trẻ, để học hỏi từ họ và cũng để thu nạp năng lượng trẻ trung từ họ. Trong nghề này, luôn cần mở mắt để nhìn và đón nhận. Nếu bạn lúc nào cũng chỉ một mình thì sẽ rất chán.

– Trông ông cười rất hiền. Nhưng nghe nói, ông lại khá nguyên tắc trong công việc?

– Tôi thậm chí còn nổi giận là khác, nếu như gặp phải những cộng sự thiếu chuyên nghiệp, lười học hỏi. Đôi khi thôi, nhưng cũng mệt đấy! Thường thì tôi im lặng.

– Ông có thích sự ngẫu hứng không? Như jazz?

– Trong âm nhạc thì được nhưng trong công việc thì cần phải có tổ chức, nếu không sẽ không đâu vào đâu cả. Đừng quên, jazz mang vẻ đẹp của sự ngẫu hứng nhưng lại không hề là sản phẩm của sự ngẫu hứng.  

– Tùng Dương kể rằng trong căn hộ của ông tại Pháp, đĩa nhạc thậm chí tràn cả vào… toilet, thật thế sao?

– Đúng hơn là các băng cassette – những bản thu âm đầu tiên khi tôi mới bước chân vào âm nhạc. Đó không chỉ là tư liệu, mà còn là kỷ vật.

– Cha ông, nhà sử học Lê Thành Khôi nói gì về hành trình tìm về nguồn cội của ông?

– Cha tôi từng nói với tôi rằng: Không có cuộc sống nào là bình thường cả. Ngay cả khi bạn cảm thấy nó bình thường, thì vẫn có nghĩa, còn có điều gì đó bất thường ẩn sâu trong tim bạn, để bạn không thể là một người tẻ nhạt. Tôi nghĩ là tôi đã tìm về Việt Nam, kể từ khi nhìn thấy điều bất thường ẩn sâu trong tim mình…

“Sử dụng những chất liệu truyền thống là khá rủi ro”

– Ở Pháp, ông có biết nhà biên đạo múa người Pháp gốc Việt Thủy Ea Sola không?

– Tôi biết Ea Sola từ năm 1995, khi cô ấy trình làng vở múa “Hạn hán và cơn mưa” tại Brussels. Tôi đã rất ấn tượng với vở diễn này, bởi thời gian đó tôi đang tập trung tìm kiếm những nghệ thuật mới từ Việt Nam, nên tôi đã đi tàu hỏa từ Paris sang Brussels để xem nó. Tôi nghĩ đó là một trong những vở diễn đẹp nhất mà tôi đã từng xem. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều điều giống nhau trong tác phẩm của Ea Sola và của tôi.

Phải thú thật là khi đó tôi cũng còn rất bỡ ngỡ với âm nhạc truyền thống Việt Nam nên tôi đã học được rất nhiều từ vở diễn này của cô ấy. Nhiều năm sau đó, khi tôi đang cộng tác với nhạc sĩ Quốc Trung, tôi và Ea Sola đã gặp nhau, trong một bữa tối, tại Hà Nội, cùng nhiều nghệ sĩ nữa, và tôi nhận thấy cô ấy là người rất thú vị.

– Nếu phải vẽ hai bức chân dung ông sẽ nhấn mạnh vào những điểm giống và khác nào, trên hành trình tìm về nguồn cội Việt của mỗi người? 

– Điểm giống nhau là cả tôi và Ea Sola đều sử dụng chất liệu âm nhạc Việt Nam hoặc chất liệu múa dân gian của Việt Nam, biến chúng trở thành tác phẩm sáng tạo của mình. Nhưng vì tôi là nhạc sĩ, còn Ea Sola là biên đạo múa nên chúng tôi sẽ có những cách sáng tạo, tái sử dụng nguồn chất liệu khác nhau, từ đó tạo nên những cá tính nghệ thuật khác nhau.

Tôi nghĩ quan trọng là mình phải gặp được đúng người, bởi sử dụng chất liệu truyền thống cũng khá rủi ro. Nó là một không gian đóng, như thể bạn nhận ra tài sản trong tay mình lại thuộc về bố mẹ mình hay những thế hệ trước đó, bạn có thể bị mắc kẹt giữa đống tài sản như vậy.

Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều muốn sử dụng nguồn tài sản giàu có này của văn hóa truyền thống để làm mới nó, mang nó trở lại với hiện tại và giới thiệu với thế giới. Với tôi điều này rất quan trọng, và tôi cảm nhận xu hướng này rất mạnh mẽ trong đời sống nghệ thuật Việt Nam ngày nay, qua sự sáng tạo không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ trẻ…

– Đấy phải chăng chính là một điểm khác nữa mà ông chưa nói đến: Thường ông hay chọn những cộng sự trẻ, nhưng khi về Việt Nam, Ea Sola lại chọn làm việc với những người già, thậm chí là những bà nông dân?

– Đúng là rất khác nhau. Quả thực tôi rất thích làm việc với những nghệ sĩ trẻ, bởi họ thường rất cởi mở, không sợ làm những thứ mới. Đó là những thứ mà tôi luôn tìm kiếm. Nhưng một mặt, tôi cũng rất thích những ý tưởng mà Ea Sola thực hiện cùng với những phụ nữ lớn tuổi, bởi nó mang lại một vẻ duyên dáng rất lạ, trong đó có cả yếu tố lịch sử nữa. Tôi thích được hợp tác, cùng chia sẻ sự sáng tạo với nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới. Còn Ea Sola thì tận dụng hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam, đưa họ từ đồng ruộng lên sân khấu, rất độc đáo!

– Hai người Pháp gốc Việt, cùng sống ở Paris, cùng chuyển động về một hướng, vì sao chưa bao giờ cộng tác cùng nhau?

– Chúng tôi quả thật chưa từng đề cập tới việc đó. Không biết Ea Sola có hứng thú không. Phần mình, tôi rất sẵn lòng. Tôi nghĩ chỉ cần chúng tôi có cơ hội gặp lại nhau và cùng nói chuyện, chắc có điều gì đó sẽ được thực hiện…

– Những “nước” là “nước” trong cái tên của Thủy Ea Sola, vậy còn tên ông?

– Tên tôi có ý nghĩa như một sự khởi đầu tốt đẹp. Khởi đầu đó với tôi chính là nguồn cội, để trở về và tiến lên phía trước…

– Xin cám ơn ông.

Đẹp xin cảm ơn nhà báo Nguyễn Minh Đức, anh Nguyễn Đình Thành và chị Thủy Triều đã giúp chúng tôi kết nối với nhân vật. 

Ý tưởng: Thủy Lê
Thực hiện: Thư Quỳnh, Thùy Anh, Tuấn Anh
Ảnh: Phan Võ (Nguyên Lê) –  Nguyễn Đình Toán & nhân vật (Thủy Ea Sola) cung cấp

logo


From the same category