Nhạc sĩ Hồng Kiên: “Dường như tôi không có số… nổi tiếng”

– Sắp tới anh sẽ làm chỉ đạo nghệ thuật trong chương trình Đinh Mạnh Ninh Live. Đây là hình thức sản xuất một chương trình âm nhạc kết hợp với công nghệ, chưa phổ biến ở Việt Nam. Anh thấy có gì khó khăn và thử thách trong quá trình xây dựng chương trình?

– Đây là một dự án có rất nhiều thách thức đối với cá nhân tôi và cả ekip, vì tại Việt Nam chưa có tiền lệ. Ekip sản xuất của chúng tôi phải dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu những mô hình của các hãng đĩa hàng đầu trên thế giới, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nhà sản xuất nước ngoài, … để xây dựng cho cá nhân Đinh Mạnh Ninh cũng như cho chính chúng tôi một hướng đi mới, một lộ trình mới về sản xuất âm nhạc để phù hợp với điều kiện thực tế và xu hướng của thế giới.

Nhạc sĩ Hồng Kiên trong một buổi tập với nghệ sĩ

– Thực tế, hình thức live streaming đã được ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP thực hiện năm 2015, khi giới thiệu một bài hát mới trên youtube. Nhưng cách tổ chức live streaming cho một ca khúc so với việc  thực hiện chương trình liên tiếp cho 12 ca khúc là quy mô khác biệt. Anh chia sẻ thế nào?

– Live streaming không phải là một khái niệm mới, đăc biệt là khi việc live stream trên Facebook đã trở nên rất phổ biến, bất cứ ai cũng có thể ghi hình/ghi âm bằng điện thoại, tablet và xuất bản nội dung đó dưới dạng video trên internet. Nhiều ca sỹ ở Việt Nam đã làm live streaming trong các sự kiện ra mắt MV, sự kiện họp báo.

Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định chưa có ai live stream toàn bộ buổi biểu diễn với chất lượng ghi âm, ghi hình như được thực hiện trong phòng thu. Chúng tôi mong muốn chất lượng mà người dùng (user) xem trực tiếp trên mạng phải đạt được tiêu chuẩn cao, như thể họ mua một chiếc DVD xịn về nghe bằng dàn âm thanh ở nhà, hay cao hơn nữa, là như thể họ mua vé đến nhà hát để xem trực tiếp một chương trình ca nhạc cao cấp.

Chính vì vậy, ekip thực hiện dự án đã chuẩn bị một hệ thống ghi âm hoàn chỉnh như trong phòng thu (studio) với sự hợp tác của các chuyên gia âm thanh hàng đầu Việt Nam.

Cân bằng lợi ích cho khán giả là việc… đau đầu nhất

– Trên thế giới, ngay cả những nghệ sĩ có tiếng cũng chưa nhiều người áp dụng cách thức này trong việc truyền bá sản phẩm của họ, vì đó là cách nghệ sĩ bảo vệ cho khán giả mua vé đến xem chương trình trực tiếp. Anh phân định thế nào về sự thiệt – hơn giữa hai kiểu khán giả: xem trực tiếp và xem qua các kênh đa phương tiện?

– Đây thật sự là điều khiến chúng tôi đau đầu nhất khi thực hiện dự án. Việc cân bằng các lợi ích cho cả khán giả xem tại nhà hát với khán giả xem trực tuyến là một bài toán rất khó.

Tuy nhiên, do nhận thấy đây là một xu thế tất yếu của thời đại, nên chúng tôi không ngại thử thách, sẵn sàng giải quyết các khó khăn để có thể làm hài lòng cả hai đối tượng khán giả nói trên. Tôi tin chắc rằng các khán giả đi xem trực tiếp sẽ có những trải nghiệm rất thú vị, những cảm xúc rất mạnh mẽ thông qua sự tương tác trực tiếp với nghệ sỹ trên sân khấu. Trong khi đó, các khán giả ở xa vẫn có thể cảm nhận được độ “nóng hổi” của chương trình với chất lượng nghe và nhìn đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, lại vẫn có thể tương tác qua các công cụ chat, bình luận … vốn rất quen thuộc với giới trẻ hiện nay.

– Anh lý giải thế nào về việc những nghệ sĩ nổi tiếng bậc nhất như Adele, Taylor Swift, Beyonce… mới đây cũng phải bắt tay làm hòa với công nghệ, khi họ ký phát hành online những sản phẩm của mình?

– Có thể thấy các nghệ sỹ quốc tế rất nhanh nhạy với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Rõ ràng, khi công nghệ phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi quan niệm và cách thức sản xuất các sản phẩm âm nhạc. Người ta không còn quan tâm nhiều đến việc phát hành đĩa CD, VCD nữa, thậm chí lượng download âm nhạc trên mạng cũng giảm, ảnh hưởng đến doanh thu của các nghệ sỹ cũng như các nhà sản xuất. Trong khi đó, một thứ “vũ khí” mạnh nhất hiện nay, có thể công phá mọi hình thức phát hành cổ điển, đó chính là streaming (truyền tải nội dung trực tiếp dưới dạng video trên internet). Đây là xu hướng toàn cầu và đang được ưa chuộng nhất hiện thời.

Việc nữ ca sỹ người Anh – Adele chấp nhận hợp tác phát hành album đình đám “25” trên các dịch vụ nhạc số trực tuyến Spotify, Apple Music và Tidal có thể coi là tín hiệu đáng chú ý trong ngành công nghiệp âm nhạc thế giới. Bởi Adele là một trong số những ca sĩ nổi tiếng trước nay phản đối khá mạnh với các dịch vụ cung cấp nhạc trực tuyến. Quan điểm của họ vẫn ủng hộ phương thức phát hành album truyền thống. Cùng với Adele, nhiều ca sỹ thuộc phe “bảo thủ” như Taylor Swift, Beyonce, … cũng đều đã đồng ý phát hành album nhạc số để thích ứng với nhu cầu của thị trường. Điều đó càng thêm khẳng định âm nhạc không thể nằm ngoài “vòng xoáy” của thời đại và công nghệ.

– Bi kịch nào sẽ xảy ra khi công nghệ ngày càng trở thành “bá chủ” và ảnh hưởng tới hình thức thưởng thức cũng như sản xuất, phát hành thời công nghệ?

Trong làn sóng live stream đang ồ ạt trên mọi kênh truyền thông, khi mà ai cũng có thể quay, phát và truyền tải những hình ảnh âm thanh trực tiếp đến người dùng,  thì điều mà những nhà sản xuất âm nhạc như chúng tôi quan tâm hơn cả chính là chất lượng của những âm thanh và hình ảnh đó.

Chẳng hạn như, chúng tôi không chủ trương làm hời hợt theo cách dùng một vài chiếc điện thoại hay máy ảnh ghi hình lại buổi biểu diễn và phát trực tiếp đến người xem để mang tính “thời sự”. Đối với tôi, hiện đại không đồng nghĩa với “mỳ ăn liền”, đơn giản không đồng nghĩa với sơ sài. Cho dù đi theo trào lưu và xu thế của công nghệ mới thì sản phẩm âm nhạc được sản xuất ra vẫn phải đạt chất lượng nghệ thuật cao để đáp ứng được nhu cầu của khán giả.

– Anh đánh giá thế nào về việc mạo hiểm thực hiện một chương trình live stream và phát hành online dài hơi của nhà sản xuất Mỹ Thanh, khi mà câu chuyện bản quyền và xài chùa ở Việt Nam vẫn còn phổ biến?

– Phải nói thật, đây là một dự án được Mỹ Thanh đầu tư khá lớn về cả tài chính lẫn thời gian chuẩn bị. Ngoài chi phí cho một live concert hoàn chỉnh có âm thanh ánh sáng hiện đại, dàn nhạc, dàn dây, dàn kèn, nhóm vũ công …; chúng tôi còn đầu tư vào phần ghi hình với ekip truyền hình hàng đầu Việt Nam.

Còn nói về nguồn thu của dự án: việc phát live stream trên FPT Play và truyền hình FPT là hoàn toàn miễn phí. Nhà sản xuất chỉ hi vọng chương trình có thể tiếp cận được với đông đảo khán giả trên toàn quốc và nguồn thu của dự án sẽ đến từ việc nghe, xem và tải nhạc có bản quyền trực tuyến sau này.

Tóm lại, đây là một dự án đầu tư cho tương lai, chứ không thể dựa vào nguồn thu trước mắt được. Và cũng chỉ có những nhà sản xuất thực sự tâm huyết với nghệ thuật, với các nghệ sỹ tài năng của nền âm nhạc nước nhà thì mới dám mạo hiểm đầu tư dài hạn như vậy.

Được chia sẻ hạnh phúc hơn… nổi tiếng

– Làm giám đốc âm nhạc của nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng cao trong mấy năm qua, thậm chí có các chương trình kết hợp với ekip nước ngoài (ekip của danh ca Peabo Bryson), anh thấy khoảng cách cập nhật công nghệ và tư duy âm nhạc ở ta cách xa họ thế nào?

– Về tư duy âm nhạc, trình độ và mức độ chuyên nghiệp thì tôi có thể khẳng định rằng chúng ta còn một khoảng cách rất xa mới có thể so sánh được với họ. Nhưng về công nghệ và cách thức cập nhật công nghệ thì các nghệ sỹ Việt Nam không hề thua kém bất cứ quốc gia nào. Vì vậy, chúng tôi biết vị trí của mình nhưng không hề tự ti. Chúng tôi sẵn sàng học hỏi những cái hay, cái tốt, cái chuyên nghiệp của các nghệ sỹ nước ngoài, sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để cải thiện bản thân và cố gắng rút ngắn khoảng cách chênh lệch.

Nhạc sĩ Hồng Kiên trong vòng ôm của danh ca Peabo Bryson trên sân khấu Việt Nam

– Dù làm rất nhiều chương trình có tiếng, nhưng cái tên Hồng Kiên vẫn rất khiêm tốn đứng sau nhiều các tên khác. Anh thành thực có chút buồn lòng?

– Dường như tôi không có số trở thành người nổi tiếng (cười). Tôi cũng không cảm thấy buồn phiền gì khi mình luôn luôn ở vị trí thầm lặng đóng góp cho những thành công của một chương trình hay một nghệ sỹ nào đó. Khi làm được một điều gì có ý nghĩa, tôi tự cảm thấy hạnh phúc với chính mình và tôi cũng may mắn khi luôn có thể chia sẻ được niềm hạnh phúc ấy với những bạn bè, đồng nghiệp, ekip sản xuất của tôi. Đối với tôi điều đó quan trọng hơn nhiều so với sự nổi tiếng.

– Kiên “saxo” đã trở thành nick name thân thương của anh trong giới nhạc. Việc một mình với cây kèn và một mình tạo ra một chương trình, với anh là hai cảm giác khác nhau như thế nào?

– Theo tôi nó là 2 công việc khác nhau hoàn toàn. Là một nghệ sĩ saxophone anh sẽ được đắm chìm hơn với chất nghệ sĩ trong âm nhạc, tự do phóng khoáng. Còn làm công việc xây dựng một chương trình lại đòi hỏi tầm nhìn, sự nhạy bén cũng như cách ứng tác nhiều hơn. Xây dựng một chương trình đúng nghĩa còn đòi hỏi phải có một ekip ăn ý, thông hiểu cũng như quyết liệt. Để làm cả hai việc đều được tốt thì cũng rất vất vả, tôi đang cố gắng hoàn thiện mình trong cả 2 lĩnh vực đó.

– Anh có thể chia sẻ hành trình từ cây kèn saxo đến với những vai trò lớn hơn của anh hiện nay?

– Là một nhạc công giỏi, từng trải và nhiều kinh nghiệm trong nghề chắc chắn sẽ là một điều kiện vô cùng thuận lợi để trở thành một nhà sản xuất âm nhạc giỏi. Nhưng tất nhiên điều đó là chưa đủ. Khi bắt tay vào công việc sản xuất âm nhạc tôi mới nhận ra còn rất nhiều khía cạnh khác, phẩm chất khác mà mình cần phải luôn học hỏi. Kiên vẫn luôn cố gắng sắp xếp để hai công việc đều bổ trợ được cho nhau. Và rõ ràng hành trình của một nghệ sĩ là niềm hạnh phúc khi đi trên hành trình đó và không tìm cách bằng mọi giá phải đến được đích.

– Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Nhân vật cung cấp

logo


From the same category