Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Mùa thu mãi là một giấc mơ kỳ lạ


Khi cái se lạnh thấm qua làn áo mỏng gợi nhớ một vòng tay, khi nắng vàng không hẹn trước rải đều khắp thành phố trong những cơn gió thanh nhẹ mát lành, là khi ấy trời đất loan tin: thu đã về.

Mùa thu – một mùa đầy tính nữ với những suy tư chất chồng của hoài niệm, của nỗi nhớ và những khát khao dang dở. Vậy trong suy tư của những người đàn ông, mùa nữ tính ấy “thức dậy” thế nào?  Đặt ra câu hỏi đó, Đẹp Online đã nhận đuợc những tâm sự rất riêng của những người đàn ông Hà Nội thuộc về các thế hệ khác nhau. Họ đã chia sẻ về góc “nữ tính” rất riêng của mình, khi heo may tràn qua phố.

Sao làm báo của Đẹp online tuần này xin trân trọng giới thiệu từng bài viết.

Nhạc sĩ Phú Quang: “Mình già đi, còn mùa thu vẫn chung tình”

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Mùa thu mãi là một giấc mơ kỳ lạ


Nhạc sĩ Đỗ Bảo – một người tự nhận mình là chứng nhân sống 37 năm ở Hà Nội.

Mấy ai được hẹn trước thu sẽ về lộng lẫy

Quái lạ loài chim nhỏ, sao chúng chỉ nhảy trên hai cẳng chân duỗi thẳng một cách kì cục mà không thể đi lại oai vệ chút nào. Ngày nào bọn này chẳng ríu rít ở đây, thế mà tôi chưa bao giờ từng nghĩ thêm đôi điều về chi tiết ấy, cái điệu nhảy kì cục của chúng. Khi tôi đang dõi theo con chim bé bỏng nhảy lích cha lích chích trên khoảng sân này thì Hà Nội đã được trải nắng vàng non. Ngày phố xá rượi mình trong cơ man là không khí nhẹ, mùa thu có lôi tôi đi về đâu cũng được thôi.

Mấy ai được hẹn trước rằng mùa thu sẽ đến lộng lẫy, tôi chỉ biết khi nó đã ở đây và dường như đã chiếm lấy thế giới. “Thế giới này có phải là của chúng mình đâu” – tôi hay đùa khi sửa lời một bài hát thiếu nhi như thế. Nắng thu nhạt mềm óng ánh như vân rượu, gió thu không màu mà ta vẫn thấy chúng di chuyển trong không gian, vừa thoảng ở đây mà sau đó đã vọt lên vòm cây rồi vươn cao hơn nữa. Mùa thu bày ra, tỏa mùi hương của những cảm xúc sạch sẽ và vừa thay áo mới trong tâm hồn mọi người, của em và tôi. Tạo hóa chắc hẳn đã chọn một khoảng độ ẩm chính xác cùng độ hanh khô chính xác để sáng tạo bộ sưu tập mùi hương mùa thu thanh tao đến vậy. Dù sao đi nữa, nghi thức giao đãi của thiên nhiên làm sao ta hiểu hết.

Nhiều người phương xa muốn về Hà Nội vào mùa thu, họ được rỉ tai rằng nó đẹp chứ không phải nó buồn. Người ta muốn đến với một tình yêu mới là vì nó đẹp, nó ngọt ngào chứ không vì nó buồn.

Vẫn cần nói lại rằng nhiều khi tôi thấy u sầu thất vọng trước các chi tiết của cuộc sống. Ví như thời thanh niên bước vào yêu, lũ chúng tôi hầu như đều thấy thế, những mùa thu buồn bao la và buồn xanh xao. Cái kiểu thả bộ đến cửa nhà người bạn gái học chung trường trung học rồi e ngại không thể bước vào, hôm sau bất thần đã thấy cô bạn cùng trường ríu rít với anh trai khác, buồn muốn chết. Nếu thời đó có facebook, không chừng tôi sẽ lập nick của mình là “boy tủi thân” rồi viết các status giận hờn. Có vẻ thú chiêm nghiệm nỗi buồn mùa thu từ lâu đã mặc định gắn với những cảm xúc Hà Nội như thế, lớp người sau ảnh hưởng từ lớp trước, cũ và sến.

Nhưng sến cũng được, vả lại ta biết chẳng có gì là mãi mãi. Giờ mỗi dịp vào thu, cứ thấy màu nắng vàng đúng độ trải khắp nẻo đường, tôi thường chỉ thấy mình không nên ôm mãi những buồn phiền vô lý, trút bỏ được gì thì gắng trút bỏ cho bộ đồ lề của mình gọn hơn. Chớm thu ngồi uống bia với bạn trong khu đi bộ ở phố cổ thấy mình hơn hớn, phố du lịch đã trải rộng hơn, không khí và tầm vóc cũng hứa hẹn chẳng kém gì khu phố đi bộ ở Thái Lan,  khu Lan Quế Phường ở Hồng Kông hay các Chinatown khắp thế giới, vui lắm. Như thế, đâu hẳn mùa thu Hà Nội gây ra chứng buồn bã, các ấn tượng và thành kiến nào rồi cũng qua đi. Chuyện của đám văn nghệ sĩ là lẩm cẩm chạy theo mùa, lẩm cẩm tô vẽ đủ điều, còn mùa thu nào đâu bao giờ báo trước điều gì về mùa thu năm tới. Nhiều người phương xa muốn về Hà Nội vào mùa thu, họ được rỉ tai rằng nó đẹp chứ không phải nó buồn. Người ta muốn đến với một tình yêu mới là vì nó đẹp, nó ngọt ngào chứ không vì nó buồn.

Thu sang ai nở, nụ cười ban mai.

Gọi hoa ngoại ô, thơm hương phố cổ.

Đường gần đường xa, chợt vàng sắc lá.

Nhà cao nhà thấp, chợt gió la đà.

Chỉ cần có tình yêu ta sẽ còn những cổ tích.

Bởi vì người mua hoa nở môi cười vẫy gọi, nên hoa từ ngoại ô muốn theo vào phố và thoảng thơm hương phố. Bởi vì trời trong hơn, nhiều nhà cao hơn, nên con mắt người Hà Nội chợt tinh anh hơn để thấy cả những gì tưởng như xa ngoài tầm mắt. Mẹ tôi giờ vẫn sống ở phố cổ xộc xệch, không bao giờ muốn chuyển nơi ở và vẫn gọi chúng tôi bằng cậu xưng tôi, bà có tận 2 cái tablet tân thời để lướt facebook và đọc báo điện tử nên chuyện gì ở Hà Nội bà cũng biết, cả những chuyện đám trẻ còn chưa kịp biết. Xưa nay kể cả vào những năm tháng khốn khổ, bố mẹ tôi không bao giờ sử dụng roi vọt dậy dỗ con cái, chuyện gì cũng nhẹ nhàng nói rồi chờ đợi. Qua những mùa mưa dầm thấm lâu, 3 anh em trai chúng tôi lớn lên hòa thuận, mọi khía cạnh cuộc đời cũng đâu ra đấy.

Đỗ Bảo không chỉ được biết đến những bức thư tình, anh cũng có nhiều ca khúc viết về mùa thu Hà Nội được nhiều người yêu thích.

Mùa thu quay ra hỏi bạn bè rằng giờ người Hà Nội có còn thanh lịch không, bạn cho là còn và tôi cũng tin điều đó. Người Hà Nội ngại làm phiền nhiễu đến xung quanh, đi nhẹ nói nhẹ, làm gì cũng đặt mình vào cả địa vị người khác mà cân nhắc, đó là sự thanh lịch mà ai chưa hiểu vẫn thường cho là kiêu kì dễ ghét. Tôi nghĩ ngay cả kiêu kì cũng được đấy, nhưng thực ra người Hà Nội không bao giờ mong dành sự thanh lịch cho riêng mình, nhân danh một nhân chứng 37 năm ở Hà Nội tôi muốn khẳng định như vậy. Mùa thu êm ái tựa chiếc võng ru, sự thanh lịch ở Hà Nội đón ta quanh đây và công bằng với mỗi người đang sống trong lòng Hà Nội, nếu không ngại hay mặc cảm gì thì ta có thể lựa chọn sự thanh lịch ấy. Tôi không ưa xem sự chồng lấn tạm thời của những biểu hiện khác nhau của người Hà Nội để suy diễn đánh giá. Dù những chuyện đau lòng, mặt trái đời sống ngày càng nhiều, với tôi chúng vẫn chỉ được xem là những gì giả tạo. Các lớp bụi dầy hay vật dụng trên phím đàn không thể làm tiếng đàn lạc nhịp hay méo mó thanh âm. Và, nếu chúng ta không quá khờ, thời gian một vài thập kỉ không đủ để làm hỏng một cây đàn trứ danh.

Mùa thu làm anh phát hiện và say mê một nhịp điệu của riêng mình, tôi lại tìm hiểu điệu nhảy lích chích của con chim sẻ nhỏ. Chiếm lấy thế giới nhưng hài hòa và tinh tế làm ai cũng mê say, thu về cho tất cả mọi người dễ dàng sẻ chia và đồng điệu với nhau…

Người châu Âu có mùa thu thần tiên hoang vắng, người Việt có mùa thu hồn hậu ban sơ. Người phương Tây dùng dĩa ăn như móng vuốt của loài thú, ẩm thực Việt dùng đũa ăn như mỏ loài chim. Ngày xưa lá thu rụng xuống đến khô kháo trong nỗi sầu héo, bây giờ lá rơi xuống chưa kịp quắt mình đã được dọn đi. Ngày xưa ta đi xe ngênh ngang phơi phới đường thu không lo va quệt với ai, giờ đi bộ cẩn thận mà vẫn dễ chạm vào người trên phố. Mùa thu làm anh phát hiện và say mê một nhịp điệu của riêng mình, tôi lại tìm hiểu điệu nhảy lích chích của con chim sẻ nhỏ. Chiếm lấy thế giới nhưng hài hòa và tinh tế làm ai cũng mê say, thu về cho tất cả mọi người dễ dàng sẻ chia và đồng điệu với nhau…   “Thật xấu hổ, tại sao ta cứ toan tính mãi về điều nọ, tại sao ta định làm chuyện kia…”, phiền muộn của chúng ta thường tan đi theo cách đó, để còn quanh mình sắc màu và hương mùa thu thơm tho. Ừ, làm sao có thể sống thiếu đứng đắn được khi mà xung quanh là một không gian bình yên dịu dàng với mình. Mỗi năm lại một mùa thu mới, hôm nay lại là cổ tích của ngày mai, chỉ cần có tình yêu ta sẽ còn những cổ tích.

Và giờ tôi nhớ mình từng là một người hẹn chờ một mùa thu cũ, nhớ khi mình cuống quýt trước bóng dáng một mùa xuân, một mùa hè, rồi lại khi sững sờ trước đám sương mùa đông. Chạy theo sau con chim sẻ nhỏ có cái gáy lông mượt và đôi chân mỏng manh, tôi băn khoăn về câu hát xưa từng khiến mình buồn muốn tưởng chết: “em yêu ơi, thu về chợt xanh xao bước chân”, không rõ khi ấy tôi đã muốn ghi lại chính xác điều gì chứ, hay cái xanh xao ấy chỉ là màu của thứ nắng non mùa thu trải trên khắp lá cỏ tuyệt vời của mùa thu như hôm nay. Mùa thu với bao gió la đà lúc bổng khi trầm làm vang lên giai điệu cây phong cầm Hà Nội. Mùa thu từ những góc hẹp trầm mặc mở ra khoảng trời ngọt ngào như mật, những sóng rượu vân vi trong ly cocktail hảo hạng Hà Nội. Mùa thu có con chim sẻ nhảy kì cục trên cùng hai chân duỗi thẳng mà lần đầu tiên tôi ghi nhớ. Thật là một thứ ảo mộng kì lạ, mùa thu có dẫn ta về đâu cũng chỉ để cho ta thấy một tình yêu, bất chấp tất cả thăng trầm, vẫn còn ngập tràn trong trái tim mình.  

Cho tôi bên em, vẹn nguyên phố mơ.

Nhòa bóng cửa ô, nhịp chuông ngày xưa.

Cho tôi đắm chìm cùng men say khác lạ.

Mùa thu mãi là, một giấc mơ kì lạ.

Hà Nội 10/2014

Bài: Nhạc sĩ Đỗ Bảo

Ảnh: Nhân vật cung cấp


logo


Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.


>> Đọc thêm: Quốc Trung “Cơ địa của tôi không chịu được những cái phổ cập”

  


From the same category