Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Đố người khác viết phức tạp như tôi! - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Đố người khác viết phức tạp như tôi!

Sao

 

Cách đây 13 năm tôi viết bài báo đầu tiên về Đỗ Bảo, khi đó Bảo đang là sinh viên của trường Nghệ thuật Hà Nội, đang dựng không gian âm nhạc cho “Nhật thực” của Ngọc Đại và Trần Thu Hà. Bảo sâu sắc hơn những thanh niên ở tuổi mình, có vẻ dễ tổn thương vì những ô nhiễm ngoài đời sống.

Khiêm nhường và tự trọng, vững vàng với xác tín riêng, Bảo thuộc số ít nghệ sĩ vẫn bảo toàn được sự trong sáng và thuần khiết của mình, trước những quay quắt của showbiz. Tôi vẫn luôn chờ mỗi xuất hiện mới của âm nhạc Đỗ Bảo, như tin cậy một giá trị đẹp và tử tế. Lần này, Bảo đến cùng Trần Thu Hà, cuộc trở lại ngoạn mục và hài lòng cho tất cả những ai yêu mến âm nhạc của hai người bọn họ.

Bây giờ nhìn showbiz tôi thấy chán lắm

– Anh nói “Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta” là album mang nhãn “Cánh cung” cuối cùng của mình. Nghĩa là sau đây sẽ đóng lại một thời kỳ trong âm nhạc, hết “giai đoạn trai trẻ” của Đỗ Bảo?

– Trong tương lai tôi muốn có những sản phẩm mang đậm đặc tính Việt hơn nữa – đó là câu chuyện mà mình bắt đầu đem ra đối thoại với bên ngoài được. Những nhạc sĩ lớn của Việt Nam, đi trước như Trịnh Công Sơn, Văn Cao, hay Phạm Duy, cũng như nhiều nhạc sĩ sau này, đã làm rất tốt vai trò của mình, họ đã hướng và mở ra con đường đúng đắn cho những người trẻ được đi, đi đúng, một khi ta có thể ngộ ra. Sau đây tôi muốn làm việc với những ca sĩ trẻ, một thế hệ mới. Ca sĩ trẻ bây giờ loay hoay lắm, không ít người giỏi nhưng họ đã mất hoặc rất dễ đánh mất đi thời kỳ vàng để phát triển năng lực của mình. Nguyên Thảo, Khánh Linh, Hà Linh… là những ví dụ điển hình trong số các ca sĩ khá trẻ thú vị nhất mà tôi biết, sao có vẻ họ cứ loay hoay mãi. Bạn có để ý, nhiều người trẻ khác đang bị nhấn vào một xã hội rối ren và thực dụng, thay vì học nhạc để mài giũa thì đã học rất nhiều từ những sai hỏng của lớp đàn anh đàn chị mình, lo thành thợ mưu sinh thì làm sao mà thành công được?  

– Cơ hội với người trẻ có ít đâu – truyền hình thực tế (THTT) chẳng hạn?

– Tôi vẫn nghĩ THTT không phải là một phép màu. Người thành công nhờ THTT có thể đúng ở 1-2 năm đầu tiên nào đấy, nó gây được hiệu ứng nào đấy – chẳng hạn như Uyên Linh. Còn nhìn chung, nhiều nhân tố xuất hiện từ THTT rồi biến mất, họ tình cờ mang vai trò giải trí cho khán giả trong một thời gian tạm thời, rất ngắn ngủi của show game đó thôi. Cả nước biết đến họ là một chuyện, điều đó không có ý nghĩa gì giống như thành tựu nghề nghiệp. Như Bà Tưng, cũng cả nước biết đó thôi. Nổi tiếng là một chuyện, vấn đề là người nổi tiếng ấy sẽ đi đến đâu? Ở thời điểm này, mọi giá trị trồi sụt, nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ, biết thế nào mà đi, đi vào chỗ đông đúc có khi là đi vào chỗ sai.

– Có khi người trẻ thấy đấy là con đường ngắn nhất, đơn giản nhất để đi đến thành công. Hấp lực ngoạn mục như thế, cũng thật khó cưỡng?

– Tôi thấy đấy là sự nhầm lẫn. Những thế hệ gần đây như Đinh Mạnh Ninh, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Việt Anh, Hoàng Quyên, Hương Tràm… chắc sẽ không bao giờ có một vị trí như Tùng Dương nếu thiếu vắng sự hỗ trợ của những người tâm huyết và trình độ. Tùng Dương thật may mắn bởi tài năng sẵn có và điểm rơi lý tưởng: thành công từ một chương trình không chiêu trò, vào những năm tháng chưa có cái gọi là showbiz. Nếu không thay đổi nhịp điệu và suy nghĩ của những thế hệ làm nghề hiện nay thì rất khó khăn cho lớp trẻ, tôi từng trẻ và gặp khó khăn tương tự nên tôi hiểu. Còn số đông công chúng giờ có trách nhiệm gì đâu, họ chỉ biết đến giải trí, cười đùa vớ vẩn để rồi quên là đủ, nghệ sĩ và công chúng đều loạn. Ai làm kinh tế thì phải chiều số đông công chúng, chứ nghệ sĩ hay trí thức trước hết phải tỉnh táo và bản lĩnh, tôi nghĩ đó cũng là cách một xã hội trở nên văn minh, hiện đại hơn.

– Trong một lần trò chuyện, anh có nói rằng nhiều nhạc sĩ đang quên rằng công việc của mình là phải ngồi mà viết nhạc. Tôi mới giật mình nhớ ra những người sáng tác chủ chốt của nền âm nhạc lâu rồi họ không ngồi viết, mà chuyên chú đi làm nhà sản xuất, bầu sô, giám khảo.

– Các chương trình THTT vẫn mời tôi, nhưng tôi nghĩ đó không phải là việc của mình. Mình có nhiều việc phải làm, tôi làm âm nhạc quá mệt mỏi nhưng nó là công việc của mình. Bây giờ nhìn showbiz tôi thấy chán lắm. Trong một xã hội ai cũng chỉ nhìn thấy cái bề nổi, bao nhiêu người có trình độ tâm huyết thì họ ẩn đi. Ai biết đến nhạc sĩ khí nhạc giỏi như anh Trần Mạnh Hùng, ai đã viết về anh ấy, định hướng để xã hội ghi nhận anh ấy và âm nhạc phát triển đúng như tiềm năng sáng tạo của người Việt? Tài năng không được đánh giá đúng thì nguy hại lắm. Bây giờ trong nghề nghệ thuật, tôi chỉ thấy người ta học cách sống với những ảo tưởng, chưa kể còn bè cánh vớ vẩn, cả nghệ sĩ và truyền thông đều có hiện tượng bè cánh, thì cái đất nước này nguy.

Tôi chủ quan cho rằng, rất lâu nữa Hà Trần mới có một đĩa nhạc như thế

– Nghe lại hệ thống tình ca của Đỗ Bảo, thấy tinh thần tựu chung lại là rất đứng đắn, trong sáng, xây dựng. Chân dung anh trong âm nhạc (nếu có thể nói như thế) là một người đàn ông tử tế và đáng tin. Người đâu mà thật thà…

– Có lẽ quan điểm của tôi khi suy nghĩ về tình yêu luôn thế. Như bài hát lấy làm chủ đề của “Cánh cung 3” – “Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta”: dù bạn thấy tình yêu là đêm hay ngày, đen tối hay đau buồn, thì điều đấy chỉ là do chủ quan nhận thức của bạn thôi. Còn tình yêu vẫn luôn như mặt trời, tồn tại độc lập và mãi mãi, vẫn cháy sáng đâu đó ở ngoài xa, cho dù hầu như ta không để ý đến, không đoái hoài đến, đó là bi kịch của chúng ta một khi chỉ nhìn vào những ảo tưởng.

– Fan của Đỗ Bảo và Hà Trần phải mất công đợi đến hơn chục năm, cuối cùng mới có một album riêng của hai người. Anh và Hà tìm được nhau rất sớm, sao dự án chung lại muộn màng đến vậy?

– Năm 2002, Hà đã muốn hát cả album “Cánh cung 1”. Nhưng vì hồi đấy Hà đã nổi tiếng, tôi chỉ là gương mặt mới vừa có sản phẩm hòa âm cho “Nhật thực”. Tôi thấy mình nên làm bằng cách của mình, không dựa tên tuổi người khác, tôi biết Hà có giận tôi ít tháng. Theo dõi Hà cả chặng đường vừa rồi, tôi thấy Hà cũng gặp những khó khăn nhất định với những hoạt động âm nhạc ở hải ngoại. Khi biết Hà có em bé, cuộc sống của Hà trở nên tròn đầy, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để chúng tôi làm cùng nhau, việc này tốt cho cả hai. Một lúc nào đấy trong hành trình của bạn mình, sự xuất hiện của mình sẽ ấm áp như một sự chia sẻ.

– Tôi có nghe Hà nói, đĩa này sẽ để Đỗ Bảo muốn làm gì thì làm, cô ấy tôn trọng! Nhưng tôi không tin một cá tính như Hà lại để yên cho người khác “muốn làm gì thì làm”?

– Có những việc Hà áp đặt tôi, và cũng có những điều tôi áp đặt Hà. Là việc đúng thì ai cũng phải nghe thôi, một cách làm việc tuân theo bất cứ điều gì hợp lý và bởi sự tôn trọng.

– Khi giao bài cho một diva có tiếng là tinh quái, anh yêu cầu cô ấy điều gì không?

– Lần này tôi thích Hà hát đơn giản thôi. Hà phải thanh thản, an nhiên. Cái chính của một bài hát đối với tôi là cần đến đâu, mình làm đến đấy. Thiếu hay thừa một chút đều không ổn, cảm xúc vừa đủ cần thiết chính là sự tinh tế. Tôi muốn sự tự tại tinh thần của người nhạc sĩ và ca sĩ và cần sự thấu hiểu của Hà, thì Hà và tôi có thể hy vọng một đĩa nhạc không tệ, chủ quan tôi cho rằng rất lâu nữa Hà Trần mới có một đĩa nhạc như thế. Đơn giản là Hà đã có riêng Đỗ Bảo dành hẳn ra một năm rưỡi chăm chút cho sản phẩm này, cũng là chăm chút cho chính tôi nữa. Tôi không nói album đã hay chưa, nhưng với sự đầu tư ấy, thì tôi tin phải rất lâu nữa Hà mới có được. CD này hội tụ những phức hợp cảm xúc cực mạnh, lời ca cho người ta chu du vào một vùng mới lạ, nó có thể hơi hỗn độn. Album không dễ nghe nhưng có hấp lực, giai điệu đều hay, không ít bài phức tạp, đó là tôi tự đánh giá.

– Thì anh vẫn bị tiếng là người viết nhạc phức tạp đấy thôi, cả phối khí và ca khúc đều cứ phải “tầng nọ lớp kia”.

– Ai nói vậy thì họ hãy viết những giai điệu như tôi viết đi! Nhạc sĩ bây giờ viết được một câu nhạc và lời hay còn khó, chứ đừng nói có nguyên một bài hay, đây là tôi nói với cái nhìn nghề nghiệp. Phức tạp là bởi vì trong mình cứ ngồn ngộn chất liệu, chứ viết một cái A-B xinh xắn nó đơn giản lắm, đó là công việc của sinh viên của tôi khi bắt đầu viết. Nếu muốn chê, đương nhiên ai cũng có điểm để chê, nhưng tôi cũng đố người khác viết phức tạp như tôi đấy! Nếu cứ chấp nhận những loại âm nhạc dễ vào tai ngay, thuần túy ngay thì làm gì có cái mới? Tính tôi rất lì, điều gì là nhận diện của mình thì mình cứ kệ rồi mọi người sẽ hiểu, tôi rất tin vào khán giả và thời gian, dù nhiều khi tôi cũng thấy buồn khi buộc phải chọn tâm thế đó.

Khép lại giai đoạn tìm kiếm công chúng

– Tôi vẫn luôn băn khoăn, vì sao anh chọn “Cánh cung” làm biểu tượng cho một giai đoạn âm nhạc của mình nhỉ?

– Hình tượng cánh cung có ấn tượng rất mạnh với tôi, cái cảm giác căng đầy sinh lực. Cánh cung là cái neo lại, cái giúp cho mũi tên bay đi, thì mãnh lực nằm ở thứ đứng lại. Cái bề nổi của sự vật hiện tượng không quan trọng bằng sự khiêm nhường của thứ mà ta không nhìn thấy, có thể nó gần như cách ta nói đến cái gọi là nền tảng. Tôi nhìn giá trị của con người như thế. Trước nay tôi cũng nghĩ những chuyện thực dụng, mình phải viết thế này thế kia để có nhiều fan, nhạc được lòng số đông… Bây giờ thì tôi không nghĩ đến chuyện đó nữa. “Cánh cung 3” là khép lại giai đoạn tôi tìm kiếm công chúng của mình.

– Nghĩa là anh ước ao đến lúc mình sẽ không bận tâm đến những cám dỗ về thương mại và thị trường, độ “hot”, đĩa bán có chạy…

– Ừ, đúng rồi. Muốn như vậy thì cũng không cực đoan ngay được, phải có giai đoạn.  Mặt khác, ca khúc cũng phải được chia sẻ, ít nhiều có sự lan tỏa ở đời thực, ở đúng xứ sở của nó, điều đó không thể nằm ngoài mục tiêu của người viết.

– Cá nhân tôi bây giờ nghe lại “Cánh cung 1” vẫn thấy xúc động, có lẽ tôi thấy lại thời tuổi trẻ trong trẻo của mình. Cảm  xúc tinh khôi ấy đúng là chỉ xuất hiện khi người ta còn rất trẻ, mọi thứ mới va đập vào mình lần đầu.

– Nhiều người cũng nói với tôi điều ấy. Có những bài trong album 1 tôi chịu không thể viết lại được. Chúng ta già đi, sẽ có những kinh nghiệm, kỹ thuật, thủ pháp… Nhưng nghệ thuật là của tuổi trẻ, các sáng tác sống mãi của các nhạc sĩ đi trước đã cho ta thấy điều đó.

– Đúng là khi chúng ta trẻ, đời sống chạm vào mình mới ngân lên được.  Đến tuổi tôi với anh, chẳng còn gì rung lên được nữa, thay vào đó chúng ta sẽ nhìn soi mói.

– Tôi cũng hiểu tâm trạng đó của bạn. Nói là mình phải tự kỷ ám thị thì nặng nề, nhưng đúng là phải “trừ” đi những yếu tố từ bên ngoài, những gì lỡ gây ô nhiễm trong mình và làm mình bị sai lạc đi. Mình phải biết lược bỏ, lấy phần cốt lõi tinh túy nhất để cảm nhận thì mọi chuyện may ra rành mạch hơn.

– Tôi vẫn cho rằng nghệ sĩ phải bảo toàn được con người thơ ngây thì họ mới sáng tạo được. Còn nếu chỉ toàn khôn ngoan, láu cá thì mọi sáng tạo của họ không còn thành thật…

– Đó là điều quan trọng nhất để một người nghệ sĩ đi được đường dài. Mất cái đó thì thôi. Nhưng sự thơ ngây muốn cũng không cố được, không học được. Người ta phải giữ gìn, như giữ ngọn lửa đam mê bên trong mình. Tình yêu cuộc sống và nghề nghiệp được giữ từ chính con mắt thơ ngây cảm nhận cuộc đời ấy. Như tôi, có khi phải miễn cưỡng đeo cặp kính để nhìn cuộc đời màu hồng, miễn cưỡng trang bị cho mình phương tiện để nhìn cuộc sống đỡ thất vọng khi cần, chứ không thì bỏ âm nhạc lâu rồi.

– Tôi nghĩ thế này không biết có đúng không, sự thơ ngây hay trong trẻo cũng cần tư chất, như là tài năng hay sự thông minh vậy… Có người có bẩm chất như thế, sự ô nhiễm xung quanh không làm đục được họ, nó chỉ ảnh hưởng phần nào thôi, chứ cái cốt lõi của người ta không bị mất.

– Trong thời thế này, rất cần những nghệ sĩ còn “trong lành”, để họ nói tiếng nói công bằng có lý. Bây giờ nhìn mà xem, thiếu vắng sự sáng tạo kinh khủng, mọi người xào xáo từ những chất liệu cũ để kiếm sống, các nhóm lợi ích showbiz sản sinh các loại chiêu trò dắt mũi khán giả, giới trẻ nhìn vào các quy luật của showbiz  hiện giờ thì họ thoát ra bằng niềm tin nào? Tây có gì thì bê về dùng, sáng tạo của người Việt là gì nếu không phải toàn những tiếng nói lửng lơ, sự sính ngoại. Chả mấy nghệ sĩ thực sự nghĩ đến dân tộc mình, tương lai diện rộng nơi con cái mình sẽ đón nhận một môi trường nghệ thuật của chúng. Mà khi thiếu vắng trách nhiệm, sự sáng tạo, thì ai cũng mất mát đi cái gì đấy mà tự mình không biết. 100 người thì ai cũng kêu ca cuộc sống, chẳng có mấy ai cảm thấy yên thân. Con người chúng ta cứ mất tiền, mất thời gian, mất dần lương tâm, mất một cách vô thức. Số đông vô ý thức thì con cái chúng ta sẽ nhận được gì từ chúng ta đây?

– Anh có nghĩ âm nhạc của mình nâng đỡ được cho ai không?

– Có chứ! Trước mắt là cho chính tôi! Nếu không phải vì điều đó, còn lý do gì để tôi viết nhạc? Người ta mang tiền đến, mình từ chối để sống theo cách của mình, bị gọi là dở hơi, gàn, nhưng tôi tự thấy cuộc sống của mình mọi thứ rất rõ ràng minh bạch, tôi muốn kiếm tiền sạch vì tôi tự trọng. Người thực dụng nhìn vào có thể cảm thương rằng tôi AQ, lỗi thời… Sao cũng được, còn tôi cũng có thể nghĩ ngược lại, và cuộc đời còn dài. Tôi muốn mang cái gì đó tốt đẹp đến cho mọi người, trước hết là bạn bè, khán giả của mình, bằng âm nhạc khi mà tôi vẫn vui vẻ ra đường với quần cộc, dép da và áo phông rẻ tiền. 9 năm qua với 3 album “Cánh cung”, tôi chưa từng gắng chụp một bộ ảnh đẹp mộng mị để trưng ra với khán giả nhưng CD của tôi ra đều được đón nhận theo cách không giống như album nào khác, các bài hát của tôi đã mang về cho cuộc đời, cho giới trẻ những cảm thức tốt đẹp hơn và còn bền bỉ qua thời gian thì tôi đâu cần phải tránh né.

“12 bài hát của album ‘Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta’ là nơi tôi gắng cô đọng lại những gì tôi gọi là ‘ảo tưởng’, từ cuộc sống của tôi và cuộc sống chung của chúng ta, đặc biệt là những ảo tưởng về Tình Yêu, về Lương Tâm con người, những điều tôi vốn quan tâm và muốn cụ thể hóa theo đúng những gì đã phản chiếu vào tôi suốt thời gian qua. Có thể nói giản dị rằng ‘chuyện của mặt trời’ là những câu chuyện về tình yêu muôn thuở, còn ‘chuyện của chúng ta’ là những chuyện về tâm hồn lương thiện như một điểm khởi đầu mỗi đời người, hai điều mà tôi cảm thấy luôn có thể nương nhờ để nhận thức vạn vật, tôi luôn có thể tin vào. Như một khuynh hướng căn bản của mọi nghệ sĩ, khi viết, tôi gắng lý giải bằng âm nhạc của mình, rằng Tình Yêu và Lương Tâm con người vẫn đẹp và vẫn cần thiết trong cuộc sống, cuộc sống hôm nay hay bao nhiêu ngày tháng nữa.” Nhạc sĩ Đỗ Bảo

 

Bài: Quỳnh Tun – Ảnh: Trọng Đức

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

27/08/2013, 13:39