Nhạc sĩ Anh Tú (Tú Dưa): Đón tuyển Malaysia văn minh là cách chúng ta "ghi bàn" - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ Anh Tú (Tú Dưa): Đón tuyển Malaysia văn minh là cách chúng ta “ghi bàn”

Sao

Trong trận Malaysia – Việt Nam, đội tuyển và cổ động viên (CĐV) của ta đã phải chịu áp lực rất lớn do thi đấu trên sân khách, bị trọng tài xử ép, CĐV nước chủ nhà áp đảo… Tuy nhiên, các cầu thủ Việt Nam đã chơi một trận rất hoàn hảo và giành chiến thắng – trận hay nhất từ khi huấn luyện viên Miura lên nắm quyền. Bên cạnh đó là 2000 CĐV của Việt Nam, họ chính là những ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ trên sân khách trước gần 70.000 CĐV nước chủ nhà.



Sau khi đội nhà thất bại trong trận thua với Việt Nam trong AFF Cup vào đêm 7/12, các cổ động viên Malaysia đã hung hãn tấn công cổ động viên Việt Nam
gây thương tích. (Ảnh: Vietnam +)

Thế nhưng, tiếc thay, CĐV nước chủ nhà đã biến trận đấu thành một cuộc chiến. Họ lao lên tấn công CĐV của đội khách, khiến nhiều người bị thương. Thậm chí, một số CĐV Malaysia còn tấn công cả CĐV nữ của Việt Nam. Một cách hành xử kém văn minh không thể chấp nhận được! Chứng kiến điều đó, không riêng gì tôi mà bất cứ ai mang trong mình dòng máu Việt cũng cảm thấy cay sống mũi. Vừa thương vừa ức chế vì không giúp được gì cho đồng bào mình lúc đó.

Đây là một vụ bạo động bóng đá cần phải lên án. Được biết, hiện VFF đã khiếu nại lên AFF về sự việc này. Hy vọng sẽ lấy lại công bằng cho các CĐV Việt Nam.

Sau thời gian tham gia ban nhạc Quả Dưa Hấu với vai trò ca sĩ, Anh Tú được biết đến vai trò mới khá thành công – nhạc sĩ, với tên gọi nhạc sĩ “Tú Dưa”. Anh là tác giả của các bản Hit “Anh nhớ em”, “Sẽ không còn nữa” và gần đây nhất là “Nắm lấy tay anh” – ca khúc đang được nhiều bạn trẻ yêu thích

Những người yêu bóng đá đều biết, trên thế giới từng có không ít sự việc đáng tiếc do các CĐV hooligan gây ra, có vụ còn dẫn đến án mạng.

Và sự việc CĐV Việt Nam bị CĐV Malaysia đánh bị thương trong trận đấu vừa qua – một lần nữa lại dấy lên hồi chuông báo động: cần phải bài trừ bạo lực trong bóng đá. Hãy chơi bóng đá một cách văn minh, kể cả bóng đá phong trào, câu lạc bộ hay ở cấp độ đội tuyển

Là người hay đi xem bóng đá, tôi thấy an ninh bóng đá ở Việt Nam rất tốt, gây được dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Khi đội tuyển Nhật Bản đá vòng loại World Cup ở Việt Nam, CĐV của họ được ngồi riêng biệt, CĐV của Việt Nam muốn trèo sang cũng không được. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều cảnh sát cơ động đứng quây chung quanh.

Tú Dưa là một nghệ sĩ đam mê bóng đá, anh tham gia đội bóng của hai người bạn thân là HAT của ca sĩ Tuấn Hưng và Fc Miusic của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh

Mặc dù vậy, có một điều chúng ta vẫn cần phải học tập họ, ngay trong trận đấu vừa qua: Khi kết thúc trận đấu, đội tuyển Malaysia dù thua, nhưng khi các cầu thủ cúi chào khán giả, CĐV của họ vẫn hát vang và chào lại. Trong khi đó ở ta, đã có những trường hợp khi thấy đội mình thua, các CĐV đứng dậy bỏ về gần hết.

Sau sự việc CĐV Việt Nam bị đánh tại Malaysia, trên mạng xã hội nhiều người bình luận thế này: Nếu đội tuyển Malaysia sang Việt Nam đá bóng, hãy mời họ xuống sân Lạch Tray, Hải Phòng rồi “đón tiếp”, vì CĐV ở sân Lạch Tray rất máu lửa. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những bình luận khi bức xúc, hoặc có thể họ đùa vui mà thôi. Tôi nghĩ, nếu chúng ta “chào đón” họ cũng như vậy thì mình chẳng khác gì họ. Trái lại, khi đội tuyển Malaysia sang Việt Nam, chúng ta vẫn sẽ đón tiếp họ một cách văn minh và đàng hoàng. Đó cũng chính là cách chúng ta “ghi bàn” và có được một chiến thắng thuyết phục hơn bao giờ trước đội bạn.


Ca sĩ/Nhạc sĩ Tú Dưa
Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp


logo
 

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

 

Thực hiện: depweb

08/12/2014, 18:25